Bình Thuận nói gì vụ hàng chục tàu bị chìm khi neo bờ vì COVID-19?

0:00 / 0:00
0:00
Tàu cá của ngư dân bị chìm. Ảnh: binhthuan.gov.vn
Tàu cá của ngư dân bị chìm. Ảnh: binhthuan.gov.vn
TPO - Do sông Dinh cạn, các tàu thuyền phải neo đậu sát nhau. Khi xảy ra lũ, một số tàu thuyền bị dòng chảy cuốn trôi mạnh, vướng vào các tàu khác xung quanh, tàu bị ghìm không nổi hết trên mặt nước, dẫn đến nước lũ tràn vào làm chìm tàu, thiệt hại xảy ra là không tránh khỏi.

Ngày 30/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận cho biết, do mưa lớn trên thượng nguồn, nước tập trung về hạ lưu sông Dinh, thị xã La Gi xảy ra nhanh và bất ngờ nên công tác chỉ huy ứng phó không kịp. Hậu quả, nước lũ đã làm chìm 25 chiếc tàu cá, 2 xà lan bị lũ cuốn trôi ra cửa biển, ước tính giá trị thiệt hại khoảng 7,5 tỷ đồng.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận khẳng định, dù trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội nhưng thị xã La Gi đã chỉ đạo công tác ứng phó, hàng ngày đã giao ban tình hình thời tiết cho các xã, thị trấn. Tuy nhiên, do sông Dinh cạn, các tàu thuyền không thể vào sát bờ để neo đậu nên phải neo đậu sát nhau, mật độ nhiều tại khu vực gần và giữa dòng sông Dinh.

Khi xảy ra lũ, một số tàu thuyền bị dòng chảy cuốn trôi mạnh, vướng vào các tàu khác xung quanh, vướng dây neo, tàu bị ghìm không nổi hết trên mặt nước, dẫn đến nước lũ tràn vào làm chìm tàu, thiệt hại xảy ra là không tránh khỏi.

Ngay khi xảy ra tình hình lũ gây thiệt hại, UBND thị xã La Gi đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Phước Lộc, Trạm kiểm ngư phối hợp với UBND các phường, xã kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu lại tàu thuyền, huy động các phương tiện hỗ trợ trục vớt tàu bị chìm nhằm thông thoáng dòng chảy; bảo đảm an ninh trật tự liên quan tới việc phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.

Đồn Biên phòng Phước Lộc, Trạm kiểm ngư và UBND các phường, xã đang rà soát số lượng tàu thuyền của địa phương mình đang neo đậu trên sông Dinh để có kế hoạch bố trí neo đậu hợp lý. Hướng dẫn các tàu nhỏ lên phía trên thượng nguồn (trên cầu Tân Lý) để neo đậu, đưa một số tàu công suất lớn, tàu dịch vụ ra ngoài biển, khu vực ven bờ neo đậu tạm, nhằm giãn cách, tạo thông thoáng dòng chảy.

Sau khi sự cố xảy ra, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cùng đại diện các ngành chức năng của tỉnh đã đến kiểm tra, hỗ trợ ngư dân La Gi khắc phục sự cố chìm tàu, thuyền do thiên tai gây ra. Ông Minh thăm hỏi ngư dân có tàu thuyền bị thiệt hại, vận động ngư dân bình tĩnh, tuyệt đối chấp hành nghiêm theo hướng dẫn của lực lượng chức năng. UBND tỉnh Bình Thuận sẽ sớm chỉ đạo thị xã La Gi có phương án hỗ trợ ngư dân bị thiệt hại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu lực lượng biên phòng tăng cường tuần tra, giám sát chặt số ngư dân đã được cho xuống tàu. Vừa đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 vừa cố gắng bảo vệ tài sản, cố gắng không để xảy ra thiệt hại về người.

Bộ đội biên phòng địa phương tiếp tục phối hợp với UBND thị xã chỉ đạo các xã, phường thống kê thiệt hại bước đầu. Đồng thời cảnh báo cho ngư dân tình hình mưa, lũ trong những ngày tới. Tiến hành khảo sát vị trí, để hướng dẫn ngư dân sắp xếp lại phương tiện.

Ông Minh cũng yêu cầu thị xã La Gi nghiên cứu lập địa điểm cách ly tại cảng cá dành riêng cho ngư dân dưới tàu, thuyền trong tình huống bắt buộc di dời ngư dân khỏi tàu thuyền để tránh thiệt hại về người.

Trước đó, UBND thị xã La Gi đã có văn bản yêu cầu tạm dừng hoạt động tại cảng cá La Gi, dừng hoạt động khai thác hải sản trên biển đối với các tàu cá từ 15m trở lên do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

MỚI - NÓNG