Trước 15/8, Bình Thuận phải giải ngân xong gói hỗ trợ người nghèo, người cao tuổi

0:00 / 0:00
0:00
Việc giải ngân tiền hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ nghèo, người cao tuổi không người phụng dưỡng phải hoàn thành trước 15/8.
Việc giải ngân tiền hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ nghèo, người cao tuổi không người phụng dưỡng phải hoàn thành trước 15/8.
TPO - Bình Thuận sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ nghèo và 1 triệu đồng/người cao tuổi không người phụng dưỡng do Sở Lao động Thương binh và Xã hội quản lý, từ nguồn Quỹ phòng chống dịch COVID-19. Việc hỗ trợ nói trên phải hoàn thành trước ngày 15/8.

Ngày 6/8, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết, đã ký thông báo của Thường trực Tỉnh ủy gửi UBND tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cùng các huyện, thị, thành ủy trong tỉnh.

Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy thống nhất chủ trương để Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chi hỗ trợ cho hộ nghèo trong toàn tỉnh và người cao tuổi không người phụng dưỡng do Sở Lao động Thương binh và Xã hội quản lý từ nguồn Quỹ phòng chống dịch COVID-19.

Cụ thể, sẽ hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ nghèo và 1 triệu đồng/người cao tuổi không người phụng dưỡng. Việc hỗ trợ nói trên phải hoàn thành trước ngày 15/8.

Sáng 6/8, Sở Y tế Bình Thuận cho biết, tỉnh này đang có 987 ca mắc COVID-19. Trong đó, Phan Thiết 39 ca, La Gi 833 ca, Tánh Linh 42 ca, Đức Linh 10 ca, Hàm Thuận Bắc 12 ca, Hàm Thuận Nam 10 ca, Tuy Phong 13 ca, Bắc Bình 7 ca, Hàm Tân 21 ca.

Ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhận định, dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp. Hiện nay, Bình Thuận đang có 2 điểm nóng là thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết với số ca mắc ngày càng tăng. Trong khi đó, năng lực điều trị cũng như cơ sở phục vụ công tác điều trị của tỉnh có hạn, không thể sánh bằng các tỉnh lớn ở khu vực Đông Nam Bộ.

Do đó, các địa phương cần phải gấp rút chuẩn bị phương án cho tình huống dịch nguy cơ cao hơn, phức tạp hơn trên từng địa bàn. Tinh thần là phải đầy đủ các phương án, bao gồm nhân lực, vật tư y tế, cơ sở điều trị, cách ly, năng lực xét nghiệm và điều trị.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các địa phương trong thời gian sớm nhất, phải có ngay kế hoạch xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng. Đây là nhiệm vụ hàng đầu để rà soát nguồn lây và đánh giá tình hình nguy cơ dịch trên địa bàn tỉnh. Đến hết ngày 8/8/2021, các địa phương phải hoàn thành nhiệm vụ này và có báo cáo sơ bộ về UBND tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải sớm ban hành hướng dẫn phối hợp về việc đi lại phực vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương với nhau.

Đối với các trường hợp người nghiện ma túy là F0, F1, Chủ tịch UBND tỉnh giao Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Sở Y tế có phương án thành lập các khu cách ly tập trung riêng biệt dành cho các đối tượng này.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu các địa phương tiếp tục siết chặt các Chốt phòng, chống dịch COVID-19. Các chốt hạn chế tối đa việc cho người từ vùng dịch vào địa phương. Đối với huyện Hàm Tân và huyện Hàm Thuận Nam, cần tăng cường việc tuần tra, kiểm tra, chốt chặn, hạn chế tối đa tình trạng người từ thị xã La Gi đi ra bên ngoài.

Qua báo cáo, có 1 trường hợp từ La Gi về Hàm Thuận Nam, 1 trường hợp từ Bình Dương đến thành phố Phan Thiết nhưng không khai báo y tế, làm lây lan dịch bệnh. Chủ tịch UBND tỉnh giao công an tỉnh chỉ đạo công an các địa phương khẩn trương điều tra, xem xét khởi tố hình sự nếu đủ điều kiện 2 trường hợp này.

Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trên địa bàn 8 huyện và đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 trên địa bàn thị xã La Gi, thành phố Phan Thiết.

MỚI - NÓNG