Các dự án bị yêu cầu cung cấp hồ sơ gồm: Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết; Khu du lịch dã ngoại phường Mũi Né; Khu du lịch Xuân Quỳnh, phường Mũi Né; Dự án Sea Links Mũi Né; Dự án lấn biển phường Đức Long; Dự án đất ở thương mại 92.600,9m2 đất gồm các lô đất số 18, 19, 20 phường Phú Hài; Dự án Khu liên hợp hồ điều hòa chỉnh trang đô thị và dịch vụ thương mại Hưng Long; Dự án Trường mầm non Lê Quý Đôn, phường Phú Thủy; Dự án xây kè chống xâm thực biển, phường Đức Long.
Cùng với đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn đề nghị cung cấp lý lịch trích ngang, phân công chức năng, nhiệm vụ của lãnh đạo UBND TP Phan Thiết và cán bộ qua các thời kỳ trong việc chỉ đạo, tham mưu, thực hiện các dự án trên.
Đồng thời, yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu tham gia phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh Bình Thuận thực hiện các dự án; các tờ trình của UBND TP Phan Thiết và các quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận về việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ năm 2011 đến nay.
Biến sân golf thành khu đô thị
Trong số những dự án nêu trên, đáng chú ý có Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Dự án này nằm ở phường Phú Thủy, với quy mô khoảng 62ha do Công ty CP Rạng Đông làm chủ đầu tư.
Sau khi “thâu tóm” sân golf Phan Thiết (100% vốn nước ngoài) vào năm 2013, Công ty CP Rạng Đông đã kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận cho chuyển đổi sang đất ở đô thị để đầu tư xây dựng và kinh doanh biệt thự, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng.
Đến tháng 4/2015, UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, rồi cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng 62 ha đất nêu trên. Trong đó, diện tích tính tiền sử dụng đất là hơn 36ha với mục đích đất ở đô thị; phần diện tích còn lại không thu tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên, giá đất mà UBND tỉnh Bình Thuận áp để thu của Công ty CP Rạng Đông đã khiến nhiều cựu cán bộ bức xúc vì “quá bèo”. Theo ông Mai Văn Tam, nguyên Chánh thanh tra Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận cho biết, giá đất mà Công ty CP Rạng Đông phải nộp cho diện tích 36ha nêu trên (chiếm 58,57% tổng diện tích dự án) chỉ là 936,8 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,5 triệu đồng/m2. Trong khi giá đất thực tế tại các tuyến đường nằm quanh dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết vào năm 2015 cao gấp 5 lần trở lên (giá thấp nhất 10 triệu đồng/m2, giá cao nhất 24 triệu đồng/m2).
Ông Đinh Trung, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cũng tỏ ra bất bình và cho rằng, với mức giá trên chỉ mang lại lợi nhuận “kếch xù” cho Công ty CP Rạng Đông và làm thất thu ngân sách Nhà nước. Bởi sau khi xây dựng hạ tầng thì Công ty CP Rạng Đông đã phân lô bán nền với giá 20-30 triệu đồng/m2.
Không đấu giá
Đối với một số dự án khác nằm trong danh sách Cơ quan CSĐT Bộ Công an đề nghị cung cấp hồ sơ, dư luận cũng từng đặt vấn đề vì sao không tổ chức đấu giá, bởi đây đều là những dự án có vị trí đắc địa ở ven biển hoặc nằm tại trung tâm TP Phan Thiết. Tuy nhiên, phía tỉnh Bình Thuận đều bác bỏ và nói rằng đã làm đúng quy định
Điển hình, Dự án đất ở thương mại có diện tích 92.600 m2, gồm các lô đất số 18, 19, 20 phường Phú Hài đã về tay Công ty CP Tân Việt Phát bằng hình thức giao đất. Giải thích cho việc này, UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, khu vực này là nghĩa địa tập trung, còn nhiều hố sâu, bia mộ do việc di dời mồ mả để lại làm mất mỹ quan nên không có nhà đầu tư tham gia đấu giá, dù đã thông báo bán đấu giá 6 lần. Vì vậy, UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất đối với 3 lô đất trên cho Công ty CP Tân Việt Phát là đúng pháp luật.
Còn tại Dự án lấn biển phường Đức Long do Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải làm chủ đầu tư có diện tích gần 123ha, UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng, gần 27ha dự án hiện trạng chỉ là mặt nước ven biển, không có đất nên không đưa ra đấu giá; riêng phần diện tích gần 96ha đất còn lại phải thực hiện thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời mồ mả, không có đất sạch nên cũng không đủ điều kiện để đấu giá.