Cắt giảm chi tiêu công, không tăng tổng biên chế

Cắt giảm chi tiêu công, không tăng tổng biên chế
TPO-Ngày 11/11, đa số  đại biểu Quốc hội  tán thành thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014. Tuy nhiên QH cũng yêu cầu Chính phủ kiến quyết cắt giảm chi tiêu công, không tăng tổng biên chế.

> Thủ tướng đề nghị Chính phủ có 5 Phó Thủ tướng

Quốc hội
Quốc hội tán thành với mục tiêu GDP tăng khoảng 5,8%  trong năm 2014

Các chỉ tiêu chủ yếu được xác định là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,8%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP, bội chi ngân sách nhà nước không quá 5,3% GDP và CPI khoảng 7%, số giường bệnh trên một vạn dân đạt 22,5 giường, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%

Để đạt được những chỉ tiêu nêu trên, Quốc hội (QH) yêu cầu trong 2014-2015, Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành tăng tính ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, xử lý những hạn chế, yếu kém, nhất là ổn định và lành mạnh hóa thị trường tài chính, nâng cao tính minh bạch của doanh nghiệp, xử lý cơ bản nợ xấu doanh nghiệp, nợ xấu ngân hàng, nợ đọng xây dựng cơ bản và xử lý các công trình xây dựng dở dang.

Đối với những khó khăn của doanh nghiệp, QH yêu cầu Chính phủ tập trung tháo gỡ, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, ưu tiên vốn để xử lý dứt điểm nợ xây dựng cơ bản; cơ cấu lại hợp lý kỳ hạn nợ, lãi suất, tăng cho vay tiêu dùng; thực hiện công khai minh bạch toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp trước xã hội…

QH đặc biệt nhấn mạnh Chính phủ từ nay đến 2016 cơ bản không tăng tổng biên chế, rà soát sắp xếp lại biên chế cán bộ hiện có theo vị trí việc làm, có phương án xử lý cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau khi sắp xếp lại. Đồng thời, tập trung chống thất thu, thực hiện triệt để tiết kiệm, kiên quyết cắt giảm các khoản chi chưa thật cần thiết; tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Minh bach giá điện
Minh bạch hóa giá thành giá điện là một trong những yêu cầu của Quốc hội dành cho Chính phủ.

Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cho biết QH yêu cầu Chính phủ kiểm tra, rà soát việc sở hữu và sở hữu chéo trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh vàng, báo cáo kết quả với Quốc hội tại kỳ họp thứ Bảy (giữa năm 2014). Minh bạch hóa giá thành giá điện và năm 2014 cơ bản thực hiện giá thị trường về giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng.

Nghị quyết nêu lên 7 nhóm giải pháp thực hiện, trong đó nhấn mạnh tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ. Điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tăng dư nợ tín dụng phù hợp và bảo đảm chất lượng tín dụng. Điều hành hiệu quả tỷ giá, thị trường ngoại hối, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia bảo đảm trong giới hạn an toàn... Chính phủ đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược và đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm đến năm 2015 tạo được chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản và có hiệu quả rõ rệt.

Về phòng, chống tham nhũng, Quốc hội yêu cầu Chính phủ kiên quyết đấu tranh, giải quyết những vấn đề bức xúc trong xã hội, khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là những vụ việc liên quan đến đất đai.

Theo Viết
MỚI - NÓNG