Ông Nguyễn Trần Bạt (bìa phải) và tác giả.
Tôn tử ở Harvard
Xuân Ba: Gần ngày doanh nhân Việt Nam lẩn thẩn thế nào tôi lại nghĩ hay là giới doanh nhân xứ mình dựng quách cái tượng Tôn Tử hay thứ biểu trưng gì đó của cuốn Binh pháp… Bởi đi tới đâu cũng gặp nhan nhản những bộc bạch lẫn tranh luận kiểu thương trường là chiến trường hoặc thương nhân là chiến binh thời bình hoặc vô số những trích xuất từ Tôn Tử…
Nguyễn Trần Bạt: Anh chớ có mà cực đoan. Binh pháp Tôn Tử từ thời cổ đại đã được ứng dụng thành công trong quản lý kinh doanh. Bước vào xã hội hiện đại, nhiều nước tư bản phát triển không hẹn mà cùng có ý tưởng vận dụng Binh pháp Tôn Tử để cải thiện vấn đề quản lý kinh doanh của doanh nghiệp. Tôi đã đến trường Harvard vào thời kỳ cao trào của việc đề cao làm ăn kinh tế với Trung Quốc. Giới trí thức ở Harvard là những người đầu tiên nhận ra vai trò của nền kinh tế Trung Quốc trong sự phát triển kinh tế thế giới. Cho nên đưa Tôn Tử vào thương mại không phải người Việt Nam mà là người Mỹ làm trước. Hồi đó hiệu trưởng trường luật Harvard có tặng tôi một quyển sách nói về binh pháp Tôn Tử trong thương mại. Tôi có nói với ông ấy: “Như vậy các ông đã bắt đầu cấy các gene chiến tranh vào trong lý luận thương mại quốc tế rồi”.
Anh vừa nhắc đến cụm từ doanh nhân Việt. Để hiểu được giới thương nhân Việt Nam buộc phải hiểu văn hóa Việt Nam và hiểu lịch sử chính trị Việt Nam. Cho đến bây giờ chúng ta vẫn chưa có giới thương nhân thật. Giới thương nhân của chúng ta là những sản phẩm ở những giai đoạn khác nhau của đời sống chính trị, xuất hiện với sự khuyến khích về chính trị, chứ chưa phải là sản phẩm của thương mại và sự phát triển kinh tế. Người ta hay nói về cụ Bạch Thái Bưởi vì muốn lấy đó như một ví dụ của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong giới thương nhân, tức là muốn quảng bá chủ nghĩa yêu nước hơn là quảng bá tinh thần phát triển thương mại và công nghiệp. Bây giờ muốn nói về phát triển giới thương nhân mà lại phát triển chủ nghĩa yêu nước của thương nhân thì chúng ta có chủ nghĩa yêu nước của họ chứ không có giới thương nhân thực sự. Ngay cả bây giờ chúng ta đã có tỷ phú nhưng tôi vẫn không xem đấy là đại diện của giới thương nhân Việt Nam. Nếu như anh đủ dày dặn kinh nghiệm đi khảo sát thật sự những người thành đạt nhất trong giới thương nhân anh sẽ thấy điều ấy. Có một câu nói mà tôi cho là hay nhất trong giới thương nhân của bà Hoàng Thị Hồ, vợ ông Trịnh Văn Bô. Bà ấy nói các anh phải phân biệt giữa nhà buôn và con buôn, chúng tôi là nhà buôn, còn cái mà các anh đang có là con buôn. Bà ấy nói như thế trên ti vi khi được hỏi tại sao gia đình bà lại hiến tặng cách mạng mấy nghìn lạng vàng. Tức là bà muốn thông báo, chúng tôi là nhà buôn, chúng tôi muốn xây dựng sự nghiệp lâu dài, chúng tôi phải tìm mọi cách để chung sống lâu dài trong xã hội này. Vào lúc này chúng ta chưa nói gì về giới thương nhân Việt Nam được. Chúng ta mới có giới thương nhân theo các khát vọng kinh tế chứ chưa có giới thương nhân thật, tức là chưa có lực lượng kinh tế thật sự. Nếu không có các quan điểm kinh tế, quan điểm phát triển các lực lượng kinh tế đầy đủ thì chúng ta không có cả thương nhân lẫn kinh tế. Giới thương nhân Việt Nam sẽ phát triển, hoàn thiện bằng sự hoàn thiện dần dần các tư tưởng của Đảng ta về phát triển kinh tế và lực lượng kinh tế.
Xuân Ba: Trở lại thời điểm ông đến Harvard, người Mỹ vận dụng túi khôn của Tôn Tử trong kinh doanh như thế nào?
Nguyễn Trần Bạt: Trong Tôn Tử có 36 kế, mà Kissinger là người đã sử dụng kế “tẩu vi thượng sách”. Kế ấy có người đã diễn nôm trong ba mươi sáu chước, chước chuồn là hơn. Tổng thống Donald Trump bây giờ cũng vậy. Khía cạnh tẩu vi thượng sách của ông ấy là ra khỏi các cam kết được xây dựng mà ông ấy nghĩ là trên sự “ngố” của người Mỹ về mặt chính trị quốc tế. Có một lần tôi đến Mỹ vào thời điểm Tổng thống Bill Clinton nhậm chức được vài tháng. Buổi sáng hôm đó ông ấy tuyên bố rằng: Hôm nay đối với nước Mỹ là một ngày đẹp vì đêm qua tôi vừa ký hiệp ước NAFTA, và hôm nay cũng là ngày thất bại của nền tư pháp Mỹ, vì tòa án chúng ta không trừng phạt được cầu thủ bóng chày Simson (bị tình nghi giết vợ). Tổng thống Mỹ tuyên bố đấy là một thất bại của nền tư pháp Hoa Kỳ, như vậy nền dân chủ Hoa Kỳ cũng làm cho tổng thống đôi khi thấy bất lực.
Hiện nay có thời điểm chúng ta bất lực trước tham nhũng. Trung Quốc không thế, khi cần là họ làm được. Tôi từng trao đổi với anh cái ý, tất cả các chiến lợi phẩm của quá trình tham nhũng đã biến thành tang chứng. Hễ anh là quan chức mà có những tài sản không có nguồn gốc pháp lý rõ ràng tức là anh có dấu hiệu tham nhũng. Chúng ta không tư nhân hóa đất đai nhưng lại tư nhân hóa tài sản và các quyền sở hữu tài sản. Cho nên mới có hiện tượng thương nhân mua trước và sở hữu khá nhiều đất đai ở những vị trí đẹp của các thành phố lớn. Đấy là đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam, hay là đặc điểm của chính trị kinh tế học Việt Nam. Còn giới trí thức thì lại không hiểu là Đảng ta đã tiến bộ khá xa theo hướng ấy mà vẫn thường xuyên chỉ trích. Có lẽ do không có kinh nghiệm hưởng thụ các quyền tự do dân chủ nên một bộ phận đã hơi bị ú ớ chăng?
Xuân Ba: Thế theo anh, đặc điểm của chính trị kinh tế học Việt Nam là gì?
Nguyễn Trần Bạt: Phải có một khả năng phẫu thuật xã hội và phải hiểu sâu sắc về nó thì mới gọi đúng tên của các đặc điểm kinh tế. Ta mất nhiều công đi vận động quốc tế chấp nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, tôi thấy việc đó không cần thiết. Thị trường là nơi mà tất cả những kẻ muốn buôn bán đều đến và thấy có thể xoay xỏa được và có chút lợi đều vồ lấy ngay lập tức. Nếu là một thị trường tiềm ẩn nhiều lợi thế thì thiên hạ sẽ đến để vồ lấy chứ không đến để công nhận chúng ta có kinh tế thị trường. Thị trường là nơi đầy các cơ hội để người khác tìm kiếm lợi ích, khi nào nó là thị trường thật không cần ai công nhận. Với mỗi người, mỗi trình độ hiểu biết và phát triển có những định nghĩa khác nhau về thị trường. Tôi xem Việt Nam là một thị trường, do đó tôi vồ được các lợi ích tại nền kinh tế thị trường này. Nhưng nói cho đúng thì tôi bắt được, buôn bán được các triển vọng của Việt Nam chứ chưa kiếm được lợi ích từ một nền kinh tế thật sự ở Việt Nam. Nói cách khác, với tôi, Việt Nam mới chỉ là nền kinh tế thị trường của các triển vọng. Một trong kế, chước của sách lược Tôn tử đấy chứ đâu?
Xuân Ba: Soát xét khắp 13 chương (thiên) gồm 8.000 từ trong Tôn Tử binh pháp căng mắt cố dò tìm đâu đó thấp thoáng hình bóng, hoàn cảnh của doanh nhân Nguyễn Trần Bạt cái thuở hàn vi khởi nghiệp nhưng chưa thấy? Mà thuở khởi nghiệp, có vẻ doanh nhân Nguyễn Trần Bạt chỉ một mình một chợ? Nào là Nguyễn Trần Bạt là người Việt Nam đầu tiên tiến hành các dịch vụ cung cấp sự kết nối giữa các công ty Việt Nam và Hoa Kỳ. Các hãng công nghiệp lớn nhất như Boeing, McDonnell Douglas… rồi IBM đến Việt Nam bằng sự giới thiệu của anh. Khách hàng Nguyễn Trần Bạt có cả Lockheed Martin, người bán vệ tinh đầu tiên cho Việt Nam… Công ty Nguyễn Trần Bạt hốt bạc hơi bị nhiều?
Nguyễn Trần Bạt: Công ty Nguyễn Trần Bạt kiếm được không nhiều và các công ty nước ngoài gặt được cũng chả bao nhiêu. Bởi tôi chỉ mới giúp họ nghiên cứu các triển vọng. Công ty Intel đến gặp chúng tôi vào những năm 1980, nhưng đến những năm 2000 họ mới vào Việt Nam mở xí nghiệp. Khi họ tìm đến tôi, tôi đã dẫn họ đến gặp Thứ trưởng thường trực Bộ Khoa học Công nghệ Chu Hảo. Sau đó họ bỏ đi để rồi 10 năm sau gặp anh Phạm Chánh Trực và lập xí nghiệp ở TP HCM. Thị trường là một khái niệm thú vị lắm, nó có nhiều cấp độ và nó phát triển cùng với kinh nghiệm của giới thương nhân. Cho nên phải có các nguyên lý ban đầu để hình thành giới thương nhân, để hình thành các khuynh hướng phát triển trí tuệ của giới thương nhân thì mới có nhận thức về vai trò của thị trường.
Các công ty hàng đầu của Hoa Kỳ từng có mặt trong công ty của tôi. KPMG là một trong những công ty kiểm toán lớn nhất thế giới đã sử dụng nhà tôi làm trụ sở mấy năm. IBM là công ty máy tính số một thế giới đã từng đóng quân trong nhà của tôi. Tôi là đại diện trong vòng năm năm cho công ty IFC - công ty tài chính của ngân hàng thế giới. Tức có thời điểm tôi buộc phải thồ trên lưng mình những mối quan hệ góp phần cấu tạo ra các tiêu chuẩn cơ bản của nền thương mại Việt Nam một cách không tự giác. Từ những thực tế đó tôi mới nhận ra rằng chưa có giới thương nhân Việt Nam, mà mới chỉ có các nhà kinh doanh Việt Nam thành công do sự hớ hênh nào đó. Sự thiếu năng lực kiểm soát của nhà nước tạo ra các cơ hội khổng lồ không phải để hình thành một tập thể kinh doanh, mà để các đối tượng kinh doanh biến mình thành những con khủng long của nền kinh tế. Chúng ta cứ ngây thơ tưởng rằng chúng ta có tỷ phú tức là đã có một nền kinh tế phát triển. Tỷ phú thật là những người thành đạt trong sự cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, còn trở thành tỷ phú do sự liên minh giữa chính trị với một vài cá nhân thì không phải là sản phẩm của nền kinh tế thị trường.
Nhọc nhằn tên gọi thị trường
Xuân Ba: Một thị trường đúng tên gọi bằng sự vật của nó phải như thế nào?
Nguyễn Trần Bạt: Tôi kể anh nghe chuyện này nhé. Hồi ở trong chiến trường, tôi nhìn thấy những bao thuốc lá tiếp quân vụ được thương nhân miền Nam ăn cắp và buôn lậu để bán vào các chiến khu phục vụ các chiến sĩ Quân giải phóng mà cứ nghĩ mãi. Tuy là cuộc chiến tranh giữa hai phe về chính trị, nhưng sự hợp tác kinh tế vẫn có ngay trong lòng cuộc chiến tranh ấy. Cánh lính chúng tôi đôi khi được xài những thứ mà người Mỹ cung cấp cho người lính Việt Nam Cộng hòa và lính Mỹ. Chúng tôi cũng có radio có thể nghe tất cả các băng tần. Chúng tôi có tất cả các loại thuốc lá để hút như một người Mỹ thực thụ trong chiến tranh. Nói cách khác, người Mỹ không chỉ cung cấp cho người lính Việt Nam Cộng hòa mà cả các chiến sĩ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc chiến tranh chống lại họ.
Theo tôi đơn giản là hãy để cho cuộc sống phát triển. Hãy hoan nghênh, khuyến khích Đảng ta phát triển các kinh nghiệm, các hiểu biết về thị trường, về kinh tế. Nhưng giải pháp căn bản nhất vẫn là cải cách chính trị để dần dần có được độ tự do hợp lý cho sự phát triển kinh tế. Vấn đề này tôi đã viết trong cuốn “Cải cách và sự phát triển”. Cải cách là một chương trình chủ động của nhà nước, của Đảng để cung cấp các điều kiện nhận thức cơ bản cho xã hội để từ đó có sự đến gần nhau dần dần giữa chính trị và đòi hỏi của tự do phát triển.
Xuân Ba: Ta đã quá quen cụm từ “vận dụng, sáng tạo vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam”. Thế cái binh pháp Tôn Tử, vận dụng vào thương trường thị trường Việt sao tòi ra không ít những doanh nhân với lừa đảo, chụp giật, lưu manh?
Nguyễn Trần Bạt: Khi trò chuyện thẳng thắn với Hiệu trưởng trường Luật Harvard, tôi nói rất nghiêm túc rằng: “Các anh đã mang chiến tranh vào trong kinh doanh và đó là một sự sáng tạo vu vơ. Từ đó mới dẫn đến những thuật ngữ như chiến tranh thương mại”. Tôi nghĩ không phải là “chiến tranh” mà là “cạnh tranh”. Cạnh tranh cũng không thân ái như “thi đua”. Cạnh tranh là tìm kiếm những lợi ích lớn hơn lợi ích của kẻ bên cạnh, là sử dụng trí thông minh nhiều hơn là các tiềm năng của mình, là tìm ra cách cổ vũ một số lượng đông hơn tham gia vào quá trình phát triển kinh tế.
Cạnh tranh không phải là chiến tranh, thương trường không phải là chiến trường, đấy là nhận thức của người Mỹ về châu Á. Người Mỹ hiểu châu Á như một đối tượng tiêu cực, còn người châu Á thì hiểu cạnh tranh theo khía cạnh tiêu cực. Thương trường không phải là cuộc thi đua xã hội chủ nghĩa nhưng cũng không phải là chiến trường. Thị trường là yếu tố ở giữa, là sự chung sống của con người trong cạnh tranh. Toàn bộ nhiệm vụ của chính trị hiện đại là tìm cách kìm hãm để thương trường không trở thành chiến trường. Người Mỹ đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng khi xem thị trường là chiến trường. Đấy là trí tưởng tượng của người Mỹ về tính động lực của người châu Á, nhưng họ hiểu sai về châu Á. Ở chiều ngược lại, người châu Á cũng hiểu sai về các tiến bộ của người Mỹ. Trong chuyện này người Trung Quốc rất nhạy bén nên họ có những bước tiến khổng lồ. Tống Mỹ Linh đã đến Quốc hội Hoa Kỳ vận động cho Tưởng Giới Thạch từ trước năm 1949, tức là sự giao lưu này có ở trong tầng lớp thượng lưu châu Á. Chúng ta chưa có những người như vậy, chúng ta mới có Bạch Thái Bưởi nhưng vẫn là chủ nghĩa yêu nước nằm ở tầng dưới trong khái niệm phát triển của thế giới.
Xuân Ba: Hình như trong binh pháp Tôn tử không thấy kế sách nào của sự thù hận? Căm thù cũng là một thứ động lực kinh doanh nhưng cũng đầy độc tố làm cho con người mỏi mệt?
Nguyễn Trần Bạt: Đấy là lỗi chủ động của người châu Á về quan niệm phát triển. Trong cuộc trao đổi lần trước tôi nói với anh một ý: đố kỵ là một thói xấu, làm con người cứ bé tí mãi. Nhiều khi vì kém hơn, chậm hơn mà chúng ta trở nên đố kỵ với cái hơn của người khác. Chúng ta vẫn chưa nhận ra cái đẹp không phải là cái thuộc về mình mà là cái mình phát hiện ra thông qua một hệ thống trí tuệ về mỹ học. Muốn phát hiện ra cái đẹp thì anh phải có trí tuệ. Khi miền Nam giải phóng, vợ tôi tham gia đoàn tiếp quản hệ thống báo chí Sài Gòn, đồng thời cũng là một trong những người đi tiên phong trong việc lập chi nhánh báo Phụ nữ Việt Nam tại TPHCM. Cô ấy kể rằng, các cán bộ được tạm tuyển ở trong Sài Gòn nói với những chị em từ ngoài Bắc vào” “Các chị hay thật, khi ra đường diện như bà hoàng nhưng về nhà thì ăn mặc lôi thôi. Không có nhu cầu làm chồng mê mình thì các chị không hạnh phúc được.
Xuân Ba: Nhân chuyện Đà Nẵng, báo chí có nói nhiều về mấy trường đại học”dởm” ở Mỹ đào tạo cử nhân và tiến sĩ quản trị kinh doanh. Anh nghĩ gì về chuyện này?
Nguyễn Trần Bạt: Kinh tế thị trường cái gì cũng có, kể cả những thứ dởm, nhưng cái dởm đó chỉ để nói ở chỗ dởm thôi. Ở Anh có hai trường đại học là biểu tượng của sự phát triển của chủ nghĩa tư bản trên toàn thế giới, đó là Cambridge và Oxford. Tôi từng đến một trường trung học tư thục ở ngoại ô thành phố Oxford để xin học cho các con của tôi. Bà hiệu trưởng tiếp tôi nói: “Rất đáng tiếc là trường chúng tôi không giúp gì được ngài, vì ở đây chúng tôi không có chỗ để nhận học sinh nữa. Tất cả chỗ học đều được đăng ký từ khi các cặp vợ chồng mới lấy nhau”. Tức là các cặp vợ chồng ở xung quanh khu vực ấy họ đăng ký chỗ học cho con cái ngay từ khi chưa sinh. Lần đầu tiên tôi thấy ngỡ ngàng về sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, nó đầy trí tưởng tượng của con người. Quay trở lại chuyện của chúng ta, vì muốn đi tắt đón đầu nên nhiều người mua bằng tiến sĩ ở chợ giời Mỹ. Chúng ta đang thay thế sự phát triển đích thực của trí tuệ bằng sự phát triển các bằng cấp. Không có những trường thương mại đích thực thì làm gì có khoa học thương mại. Không có khoa học thương mại thì làm gì có thương nhân chuyên nghiệp. Không có thương nhân chuyên nghiệp thì làm gì có kinh tế chuyên nghiệp.
Xuân Ba: Anh Bạt ạ, vừa qua thời điểm Ban Kiểm tra T.Ư ra thông báo kết luận về vấn đề của Đà Nẵng. Trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh có phải là dạng thử nghiệm? Anh nghĩ gì về thời lẫn thế bây giờ?
Nguyễn Trần Bạt: Tôi nghĩ đấy không phải là một thử nghiệm. Tôi biết rất rõ thế hệ được đào tạo tại trường Đại học Tổng hợp khóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thế hệ ấy tất cả các thầy giáo đều nghiêm túc, họ là những người có quan điểm đúng đắn và có lý lẽ. Tôi không nói rằng họ đúng hết, nhưng cái sai của họ vẫn là cái sai của người nghiêm túc. Thế hệ ấy đào tạo ra một lớp người không chê được.
Một vài ví dụ mà anh đề cập không phải là nhân vật thí nghiệm mà là nhân vật tình thế. Thời kỳ những nhân vật ấy xuất hiện trong đời sống chính trị là thời kỳ mà rất nhiều việc Đảng ta chưa làm được.
Tôi kể anh nghe, anh em đại diện cho trường Đảng và Hội đồng lý luận trung ương có đến đây trao đổi với tôi, họ hỏi tại sao tôi không biến những thứ đang nghiên cứu thành một giải pháp. Tôi trả lời rằng tôi không làm thế được. Giải pháp chính trị là độc quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi không vi phạm nguyên tắc chính trị là nói chen ngang vào những chuyện như thế. Ngay cả sách của tôi viết cũng chỉ là nồi khoai để chờ cơm chín, còn quyển sách chính là công việc của các anh ấy.
Xuân Ba: Có ai đó muốn sử dụng cái kênh của Nguyễn Trần Bạt để thể nghiệm?
Nguyễn Trần Bạt: Tất cả những nhà nghiên cứu về chính trị mà thận trọng như vậy tôi đều hoan nghênh. Tôi sẵn lòng làm một kênh thể nghiệm, và tôi cũng đủ trí khôn để thể nghiệm mà không dẫm lên các chức năng chính trị chính thống khác. Rất nhiều anh em trí thức phạm phải lỗi này do sốt ruột, nhiều trường hợp thổi còi báo động cho kẻ trộm hơi sớm. Tại sao các anh ấy không trừng trị một vài trí thức nói ngang và hơi có vẻ có màu sắc chống Đảng? Bởi vì sự bực bội, sự phản ứng của giới trí thức Việt Nam đối với các mặt tiêu cực của cuộc sống là một quyền chính đáng, nhưng phản ứng dưới hình thức những giải pháp chính trị thì chưa đúng mức. Họ quên mất rằng Đảng ta không có các điều kiện cơ bản để có thể giải quyết những khuyết tật chính trị ấy ngay lập tức mà phải chờ thời.
Xuân Ba: Theo ông thời ấy đã đến chưa?
Nguyễn Trần Bạt: Anh nên nhớ trong đấu tranh chính trị nếu một bên thắng hoàn toàn thì không còn chính trị nữa. Chính trị luôn luôn là sự cân bằng. Sự “đến” mà tôi nói được thể hiện bằng thực tế là Đảng ta đã bắt đầu lấy lại được sự cân bằng của đời sống chính trị, tức là đủ quyền lực để xử lý những vấn đề chính trị mà không gây nguy hiểm cho an ninh chính trị.
Xuân Ba: Đủ quyền lực hay đủ tự tin?
Nguyễn Trần Bạt: Đủ quyền lực. Tự tin là một trạng thái chủ quan, còn đây là đủ quyền lực để đảm bảo sự an toàn trong khi tiến hành xử lý các vấn đề chính trị. Một số ý kiến cho rằng đây là đấu tranh nội bộ, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Tôi thấy đây là cuộc đấu tranh chính trị thật sự, qua đó Đảng ta nắm lại các quyền chính trị của mình. Với tư cách là một công dân Việt Nam, tôi ủng hộ chuyện này.
Từ lâu, qua nghiên cứu tôi thấy nền chính trị của chúng ta chịu ảnh hưởng rất sâu sắc của các nhà lãnh đạo tiền bối, những người tạo ra phong cách cơ bản của nền chính trị ở Việt Nam. Thứ nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đấy là người gieo những gene căn bản cho nền chính trị này. Nhân vật thứ hai định hình nền chính trị của chúng ta là bác Trường Chinh. Vì rất kính trọng ông nên tôi tìm cách để quen và chơi khá thân thiết với con trai của bác ấy là Giáo sư Đặng Xuân Kỳ.
Cuộc gặp Lê Đức Thọ và Kissinger
Xuân Ba: Đặng Xuân Kỳ là một ngoại lệ, từ năm 1945-1990, chưa có ai là con ông cháu cha vào vị trí Đảng lãnh đạo ngoại trừ ông ấy. Sự lựa chọn ấy theo anh có cần thiết và có lý? Anh nghĩ gì về cái nạn thái tử lẫn "hạt giống đỏ" hiện thời?
Nguyễn Trần Bạt: Anh Kỳ là một nhà triết học của Đảng thật sự, không phải chỉ là con ông cháu cha. Có lần anh ấy mời tôi đến viện Mác-Lênin để nói chuyện về thể nghiệm phương pháp chính trị trong việc quản lý xây dựng cơ bản. Hồi đó tôi được giao quản lý một công trình xây dựng. Để huy động toàn bộ tiềm lực của bên B xây dựng cho kịp với tiến độ yêu cầu, tôi đã tham gia đại hội đảng bộ của công ty xây dựng ấy, dùng đại hội để kích tiến độ công trình mà tôi chịu trách nhiệm. Tôi nói với chị Huấn, vợ anh Kỳ là “em thể nghiệm như vậy để xem chính trị có giá trị tích cực đến đâu trong việc khích lệ, làm tăng tốc một nền sản xuất”. Anh Kỳ nghe thấy có ích nên mời tôi đến viện Mác - Lê nin để nói chuyện về quản lý. Đấy là lần đầu tiên chúng tôi chơi với nhau rồi sau này trở thành thân. Anh Kỳ là cố vấn khoa học của công ty này cho đến khi anh ấy mất.
Xuân Ba: Cái gene ấy còn được cấy vào ai nữa?
Nguyễn Trần Bạt: Nhân vật thứ ba là Tổng Bí thư Lê Duẩn. Tổng bí thư Lê Duẩn luôn đáng kính trọng kể cả lúc ông sai.
Sau đó có bác Lê Đức Thọ. Bác Thọ giữ một cương vị phức tạp hơn nhiều. Xét về mặt đánh giá bản lĩnh của một người cộng sản, tôi cho đấy là một nhân vật đáng nể. Ông không dễ dãi về chính trị, không dễ dãi trong việc đánh giá năng lực con người. Đấy là phẩm hạnh căn bản của một nhà tổ chức.
Tôi đã gặp bác Lê Đức Thọ ở Khe Sanh ba lần. Tôi là người lính, sư đoàn của tôi đóng ở chỗ đón tất cả các tướng lĩnh, các nhà lãnh đạo chính trị quan trọng đi vào chiến trường, trong đó có cả hoàng thân Sihanouk và một số nhà lãnh đạo Đông Dương khác. Khi bác Lê Đức Thọ đến trọ ở sư đoàn tôi, do điều kiện và hoàn cảnh công việc mà tôi tình cờ được gần cụ. Tôi xem đây là một cơ hội. Ấn tượng đầu tiên và chủ đạo là sự thông minh của ông. Sau này tôi nghĩ, sự thông minh ấy góp phần đảm bảo cho Đảng ta đủ bản lĩnh để đối phó về mặt chính trị, đặc biệt là chính trị quốc tế. Tôi nhớ, khi ấy anh em đơn vị tôi có mang tặng ông không phải là giò mà là một bụi, một cụm phong lan tai trâu to lắm. Ông nói với anh em chúng tôi rằng “anh em tặng tôi là rất quý, nhưng tôi làm gì có chỗ để treo cụm phong lan to thế này, cho nên các đồng chí cứ để lại đây thỉnh thoảng tưới tắm cho nó và nhớ đến tôi vậy”. Lúc đó tôi nghĩ ông ghê thật, bởi đấy là một sự từ chối rất khôn ngoan, đồng thời cũng là một sự thanh minh cho phẩm hạnh của ông. Ý của ông là tôi làm gì có thời gian chơi và ngắm cây phong lan, cho nên các đồng chí cứ để lại đây cho nó gần rừng, và thỉnh thoảng tưới tắm cho nó để nhớ đến tôi. Tức là ông không nỡ dội gáo nước lạnh vào tình cảm của người lính nên nói thế. Còn ông từ chối vì nhận ra rằng người lính biết dùng phong lan để tặng đồng chí Lê Đức Thọ là người lính đã bắt đầu chớm mùi cơ hội. Đấy là một ứng xử, nói là tế nhị cũng được nhưng tầm cấp của một người lớn cũng chả sai?
Hình như lúc đó ông đi vào trong Nam để giữ trọng trách ở chiến trường. Buổi tối chúng tôi đốt lửa trại, ngồi nghe ông nói chuyện về cuộc đấu tranh ở Paris. Trong câu chuyện, ông có nói về Kissinger và xem đó như một nhân vật tiêu điểm trong sự suy nghĩ chính trị của ông. Dài dòng như thế là tôi muốn đề cập đến câu hỏi hay là tò mò của anh hồi nãy về cuộc gặp của tôi với Kissinger trên đất Mỹ…
Lê Đức Thọ và Kissinger có phải là đối thủ của nhau không ấy ư? Tôi nghĩ Kissinger đáng để nghiên cứu thật sự. Trước đấy tôi chỉ nghiên cứu vẻ bên ngoài của ông ta, quan điểm chính trị về Trung Quốc của ông ta. Từ thời đó tôi rất quan tâm nghiên cứu về Trung Quốc. Trước khi gặp Kissinger tôi có làm quen với một giáo sư người Mỹ khá nổi tiếng, bây giờ thỉnh thoảng vẫn đến Việt Nam để dự các cuộc hội thảo, đó là giáo sư Jerome Cohen, giám đốc trung tâm phương Đông của trường Harvard. Trong thời kỳ ông ấy sống ở Bắc Kinh (ông ấy sống ở đó khoảng chục năm), tôi làm quen được với ông ấy qua tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, nguyên quyền Thủ tướng Việt Nam cộng hòa. Ông Oánh đã là cố vấn của tôi và lĩnh lương ở công ty này một thời gian, sau đó ông ấy dùng chính mô hình của tôi để thành lập một công ty tư vấn ở Sài Gòn.
Người cha của Nguyễn Xuân Oánh là Nguyễn Xuân Bái, từng là bác sĩ riêng của Hồ Chủ tịch. Cho nên tôi mới nói Hồ Chí Minh là người tạo hệ thống gene cơ bản cho nền chính trị Việt Nam. Hồ Chí Minh là thiên tài tầm cỡ quốc tế, không phải bỗng nhiên ông cụ trở nên thân mật, làm bạn hữu với Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình. Ông tham gia sáng lập ra Đảng cộng sản Pháp. Không phải tất cả mọi người đều biết bắt chước người Pháp. Nước Pháp là cái nôi của nền dân chủ nhân loại, những nhà triết học Pháp đồng thời là những nghệ sĩ vĩ đại đã cổ vũ cho phong trào cộng sản. Nếu chỉ có kiến thức Mác-Lê nin mà không có cả kiến thức về chủ nghĩa xã hội Pháp thì không thể hiểu sâu sắc về chính trị Việt Nam. Nền chính trị Việt Nam chịu ảnh hưởng từ hai nguồn và cả hai nguồn ấy vào đây thông qua một người, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cho nên phải nói thật, tất cả những gì cấu tạo ra nền chính trị Việt Nam xét theo nghĩa phổ quát đều qua Hồ Chí Minh.
Xuân Ba: Căn nguyên chuyên gia, doanh nhân Nguyễn Trần Bạt tiếp kiến với Kissinger?
Nguyễn Trần Bạt: Ông ấy gửi thư đến đây mời tôi. Tôi khá run và có gọi điện hỏi ý kiến cục A17. Đó là thời điểm năm 1995, Mỹ mới mở lại sứ quán ở Việt Nam được một vài tuần. Anh Vũ Hải Triều lúc đó phụ trách A17 có cử một anh tên là Nhẫn, cục Phó A17 tiếp tôi. Anh Nhẫn nói: “Người Việt Nam vẫn mang tiếng là không có tự do, bây giờ ông không đi thì đối với cá nhân ông không có vấn đề, nhưng đất nước thì mang tiếng, cho nên ông phải đi”. Thời kỳ ấy muốn đi ra nước ngoài thì phải qua A18. Khi tôi đưa hộ chiếu lên thì visa xuất cảnh được cấp ngay. Sau đó tôi mang hộ chiếu lên sứ quán Mỹ, cô tham tán phụ trách lãnh sự nói: “Chúng tôi vừa nhận được lệnh của Bộ ngoại giao là phải cấp visa cho ông ngay”.
Khi gặp Kissinger, tôi hỏi tại sao mời tôi. Ông ấy bảo: “Tôi muốn quốc tế hóa buổi gặp mặt này và tôi cần một người Việt Nam. Tôi đặt câu hỏi với trung tâm thông tin của ngân hàng thế giới. Kết quả là họ đưa ra mỗi tên của ông và do đó tôi mời ông”.
Xuân Ba: Cuộc gặp gỡ diễn ra như thế nào?
Nguyễn Trần Bạt: Đấy là một hội thảo quốc tế quan trọng. Thấy một đoàn chủ tịch gồm các Bộ trưởng tài chính và khoa học, tôi nói với trợ lý của Kissinger là tôi muốn có một chỗ ngồi cho một bộ trưởng Việt Nam trên đoàn chủ tịch. Ông ta nói: “Năm nào chúng tôi cũng tổ chức buổi như thế này. Năm nay ông Kissinger chủ trì, sang năm là ông Colin Powell, sang năm nữa là bà Thatcher…”. Năm bà Thatcher tổ chức tại HongKong tôi có dự. Tổ chức tạo ra những cuộc hội thảo như vậy là tổ chức chuyên về các sự kiện quốc tế lớn. Năm Kissinger chủ trì, ông ta muốn có một người Việt Nam và tôi lọt vào danh sách tuyển chọn ấy.
Xuân Ba: Ấn tượng lần gặp ấy là gì?
Nguyễn Trần Bạt: Phát triển. Tôi có đóng góp một ý trong buổi gặp riêng với Kissinger. Tôi nói rằng: “Toàn cầu hóa là một hiện tượng tự có của thế giới, nó hoàn toàn không phụ thuộc vào tôi, ông hay bất kỳ ai. Nhưng vấn đề là toàn cầu hóa về kinh tế hoàn toàn không đủ điều kiện để làm cho thế giới trở nên an toàn, bởi vì những kẻ đến chợ và những kẻ dẫn gia đình mình đến chợ là hai loại người khác nhau. Những kẻ đến chợ như là một cuộc phiêu lưu chợ búa thì họ có thể làm nhiều điều xấu. Còn những kẻ đến chợ với tư cách là đại diện cho một nền văn hóa thì họ sẽ giữ gìn tư cách của mình hơn vì họ phải giữ gìn danh dự cho một nền văn hóa. Do đó, tôi xem toàn cầu hóa như một nhu cầu để đảm bảo tính an toàn của quá trình toàn cầu hóa”. Năm sau đó, Colin Powell có tổ chức một cuộc thảo luận về vai trò của văn hóa ở Paris.
Xuân Ba: Ông nghĩ thách thức lớn nhất của chúng ta là gì?
Nguyễn Trần Bạt: Chúng ta đã thắng phong kiến Trung Quốc hàng nghìn năm trước, thắng cả Thành Cát Tư Hãn là tên đế quốc hàng đầu thế giới vào thời kỳ của họ, nhưng chúng ta vẫn là chúng ta cho đến bây giờ. Tất cả mọi chân lý đều phải được trải nghiệm, không trải nghiệm không thể kết luận gì được. Chúng ta đã có trải nghiệm lịch sử và thắng tất cả những kẻ đến đây, nhưng chúng ta vẫn chưa đi lên được. Một thách thức khủng khiếp.
Xuân Ba: Xin cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị nhân ngày Doanh nhân Việt. Đặc biệt là hương vị của nồi khoai đang nấu chờ cơm chín…
Tôi nghĩ với lịch sử cũng như tôn chỉ mục đích tờ báo. tôi nghĩ tờ Tiền Phong cần phải có một chuyên mục mách bảo con người các quy tắc cơ bản của đời sống. Cần phải duy trì sự trẻ trung của đời sống, duy trì sự đẹp đẽ của đời sống và duy trì sự hợp lý của đời sống. Và nữa, người Việt trẻ phải điềm đạm, nghiêm túc và học hành cho tử tế. Đừng mua bằng cấp, đừng làm tiến sĩ nhiều quá. Doanh nhân Nguyễn Trần Bạt Chúng ta không nhận thức được vẻ đẹp mà cuộc sống đòi hỏi tức là không tôn trọng cái đẹp. Phải mách bảo con người các quy luật của đời sống. Con người ngày nay mải mê đi tìm tiền, tìm quyền lực do sự xui dại của cuộc đời. Cả hai thứ ấy nếu nhiều hơn nhu cầu thì nó trở thành thuốc độc. Nguyễn Trần Bạt Cạnh tranh là quy luật cơ bản và gần như duy nhất của thị trường, cái còn lại là kiểm soát cạnh tranh như thế nào để tôn trọng sự bình đẳng giữa con người trong phát triển kinh tế. Muốn có một sự cạnh tranh tốt thì phải có một hệ thống nhà nước đảm bảo sự trong sáng, minh bạch và tử tế.