Khóa chặt, thần tốc bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng
Thống kê cho thấy, những ngày qua, tỉnh Bình Dương luôn ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao, có ngày vượt cả TP.HCM. Đơn cử, ngày 27/8, địa phương này ghi nhận đến 4.187 ca mắc COVID-19 và cộng dồn số ca mới có kết quả xét nghiệm những ngày trước thêm 4.508 ca. Như vậy, nếu tính tổng sẽ có hơn 8.700 ca mắc mới công bố trong cùng một ngày. Tuy nhiên, hôm qua, Bình Dương cũng có đến gần 5.000 bệnh nhân COVID-19 xuất viện về nhà.
Tính từ đợt dịch lần thứ tư đến nay, Bình Dương ghi nhận 94.745 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 53.000 bệnh nhân xuất viện và 750 ca tử vong. Địa phương này dự báo số ca mắc trong những ngày tới còn nhiều do đang xét nghiệm toàn dân, nhất là các “vùng đỏ đậm đặc” và lên kế hoạch ứng phó với 150.000 ca (tính tổng lũy kế).
Bình Dương thu hẹp "vùng đỏ" mở rộng "vùng xanh" |
Để kiểm soát dịch bệnh, ngoài việc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ toàn tỉnh, Bình Dương thực hiện mạnh hơn với TX Tân Uyên, TP Thuận An và TP Dĩ An theo phương chậm “đông cứng, khóa chặt”.
“Bình Dương đang tận dụng thời gian vàng để thần tốc xét nghiệm, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Khoanh vùng đỏ trên tinh thần siết chặt, không cho người dân ra khỏi nhà, lượng thực sẽ được lực lượng mang đến tận nơi. Vùng đỏ sẽ dần thu hẹp và mở rộng vùng xanh. Chúng tôi quyết tâm đến giữa tháng 9 cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, trở về trạng thái bình thường mới”, đại diện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương chia sẻ với PV Tiền Phong.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà cho biết đã yêu cầu ngành Y tế và các địa phương trong quá trình thực hiện tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong công tác lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vắc xin.
Từ kết quả đánh giá nguy cơ dịch bệnh COVID-19, cùng với nguồn lực hiện có, Bình Dương thần tốc lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vắc xin nhưng phải đảm bảo tuân thủ theo đúng hướng dẫn, sử dụng trang thiết bị phòng, chống dịch phù hợp. Trong đó, người thực hiện lấy mẫu cần thực hiện đúng quy trình sử dụng khẩu trang để đảm bảo độ ôm khít với khuôn mặt; không sử dụng 2 lớp khẩu trang bao gồm khẩu trang y tế bên trong khẩu trang có hiệu lực lọc cao.
Trong quá trình lấy mẫu có thể sử dụng 1 đôi găng tay y tế (không có bột talc) và khử khuẩn găng tay bằng dung dịch sát khuẩn nhanh sau mỗi lần lấy mẫu, thay găng sau khi khử khuẩn tối đa 6 lần hoặc khi găng bị hỏng để thay thế cho việc đeo 2 đôi găng tay và thay găng sau mỗi lần lấy mẫu.
Cán bộ lấy mẫu bệnh phẩm, nhân viên y tế có tham gia hoạt động lấy mẫu tuyệt đối tuân thủ quy trình mặc và cởi phương tiện phòng hộ cá nhân; trong quá trình lấy mẫu không thực hiện các hoạt động khác.
Thực hiện đồng bộ, thống nhất trong việc tổ chức, sắp xếp lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin phải tuân thủ nghiêm quy tắc 5K của Bộ Y tế, không để lây nhiễm chéo trong quá trình lấy mẫu, tiêm; đảm bảo tuyệt đối an toàn, khoa học, chặt chẽ.
Đối với F0 tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lang thang ngoài đường hoặc ở trong khu nhà trọ, khẩn trương đưa đi cách ly, tránh lây chéo hoặc diễn biến nặng.
Cần kinh phí, nguồn lực và vắc xin khẩn
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế phân bổ vắc-xin để tiêm phòng cho hơn 2 triệu dân khu vực “vùng đỏ”. Đồng thời cấp vắc xin nhiều nhất có thể để tiêm cho công nhân “3 tại chỗ” tránh gãy chuỗi sản xuất. Lũy kế đến nay, Bình Dương cơ bản đã tiêm hết số lượng vắc xin được phân bổ tổng các đợt gần 900.000 liều. Nhiều người làm nhiệm vụ tuyến đầu chưa được tiêm mũi 2.
Bình Dương cần lượng lớn vắc xin để tiêm cho người dân "vùng đỏ" và công nhân tránh gãy chuỗi sản xuất |
Ngoài ra, hiện các đoàn chi viện ở các tỉnh, thành phố hết thời hạn quay trở về nên nhân lực điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bình Dương đang thiếu. Do đó, địa phương kiến nghị hỗ trợ nhân lực phục vụ cho 100 trạm y tế di động; hỗ trợ 50 bác sĩ hồi sức cấp cứu, 50 bác sĩ chuyên khoa, 100 điều dưỡng hồi sức cấp cứu, 100 điều dưỡng, kỹ thuật viên cùng trang thiết bị y tế.
Dựa trên kịch bản ứng phó 150.000 ca mắc trong thời gian tới (tính tổng lũy kế), Bình Dương dự kiến kinh phí lên đến 12.242 tỷ đồng. Từ kinh phí tạm tính trên, Bình Dương thiếu 7.652 tỷ đồng. Do đó, lãnh đạo tỉnh này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ ngân sách cho địa phương.
“Bộ Y tế sẽ tăng cường vắc xin để địa phương tiêm cho người dân, nhất là ở “vùng đỏ”. Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị Bình Dương vận động toàn bộ người dân đi xét nghiệm. Ai dương tính qua test nhanh thì đưa vào khu cách ly, điều trị không cần chờ kết quả PCR. Tăng cường trang thiết bị, thuốc điều trị ngay tầng 1, làm tốt tầng 2 và 3, đảm bảo đủ oxy khu vực thu dung, điều trị”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói trong chuyến công tác tại tỉnh Bình Dương hôm qua (27/8).