Bình Dương chi gần 5.000 tỷ đồng đầu tư trục thoát nước cho cả khu vực Đông Nam Bộ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dự án nạo vét, gia cố suối Cái (Bình Dương) khi hoàn thành sẽ là trục thoát nước quy mô lớn, đáp ứng cho cả khu vực Đông Nam Bộ.

Ngày 23/2, Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên (Bình Dương) Đoàn Hồng Tươi cho biết, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ để sớm thực hiện dự án nạo vét, gia cố suối Cái. Theo ông Tươi, đây là công trình lớn mà địa phương mong đợi từ rất lâu nhằm phòng, chống ngập, tạo cảnh quan đô thị.

“Trước đó, từ 2006, địa phương đã đánh giá sự cần thiết phải tạo ra trục thoát nước lớn nhằm chống ngập úng. Thời điểm đó, dự tính nếu nạo vét cả trục thoát nước Suối Cái, sẽ cần kinh phí trên 2.000 tỷ đồng, nhưng lúc đó tỉnh chưa đủ điều kiện. Đến nay, khi được Trung ương ủng hộ, địa phương đang triển khai, đồng thời đang xây dựng cầu Bạch Đằng 2 băng sông Đồng Nai nối Bình Dương và Đồng Nai. Chúng tôi ước ao mở được trục thoát nước Suối Cái, đây là hệ thống thoát nước rộng chưa từng có, thu được cả miền Đông Nam Bộ", Chủ tịch thị xã Tân Uyên chia sẻ.

Được biết, Dự án Nạo vét, gia cố suối Cái có tổng mức đầu tư hơn 4.942 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Bình Dương chi gần 5.000 tỷ đồng đầu tư trục thoát nước cho cả khu vực Đông Nam Bộ ảnh 1

Phối cảnh dự án trục thoát nước suối Cái và cầu đường

Cụ thể, nạo vét, mở rộng gia cố và xây dựng các công trình hoàn thiện gồm: Tuyến suối Cái nhánh chính (ra cầu Tổng Bảng): Chiều dài khoảng 14.500 m, từ cầu Thợ Ụt (K0+000) theo hướng cầu Tổng Bảng đến K14+500 (sông Đồng Nai). Tuyến suối Cái nhánh phụ (ra cầu Bà Kiên): Chiều dài khoảng 4.700 m, K0 bắt đầu từ K11+250 trên tuyến suối Cái chính theo hướng cầu Bà Kiên đến K4+700 (sông Đồng Nai). Đất đào được tận dụng để đắp bờ; Đường giao thông dọc kênh và vỉa hè, cây xanh giáp bờ kênh, khu dân cư.

Bình Dương chi gần 5.000 tỷ đồng đầu tư trục thoát nước cho cả khu vực Đông Nam Bộ ảnh 2

Phối cảnh trục thoát nước suối Cái và đường giao thông bên cạnh

Công trình trên kênh: Giữ nguyên các cầu hiện trạng (Thợ Ụt, Bến Sắn, Khánh Vân, Tổng Bảng), nạo vét tối đa kênh hiện trạng dưới cầu, xây dựng cống qua đường hai bên đầu cầu. Đầu tư các cống băng đường để kết nối vào các tuyến suối.

Nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 187,32 ha, trong đó đất sông rạch khoảng 40,33 ha. Tổng số hộ giải tỏa trắng khoảng 92 hộ; dự kiến bố trí tái định cư vào các khu tái định cư trên địa bàn thị xã Tân Uyên.

Bình Dương chi gần 5.000 tỷ đồng đầu tư trục thoát nước cho cả khu vực Đông Nam Bộ ảnh 3

Vị trí dự án trục thoát nước suối Cái (đường màu tím và xanh) nhìn từ vệ tinh

Ông Đoàn Hồng Tươi – Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên cho biết thêm, về giao thông, địa phương có 2 tuyến đường trọng yếu đi ngang qua là đường vành đai 4 (8,5 km) và cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một - Chơn Thành (18,5 km). Theo ông Tươi, hai tuyến đường này sẽ mở ra động lực phát triển, đột phá cho địa phương.

Người đứng đầu chính quyền thị xã Tân Uyên cũng tiết lộ, vào tháng 4 tới đây, thành phố Tân Uyên sẽ chính thức được công bố, trên cơ sở nguyên trạng 191,76 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 466.053 người, 10 phường và 2 xã của thị xã Tân Uyên. Đây là địa bàn có cơ cấu kinh tế, công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 90%; thu ngân sách khoảng 4.000 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.