Lời kêu gọi tham gia biểu tình và ủng hộ phong trào bất tuân dân sự ngày càng lớn mạnh và được tổ chức tốt hơn kể từ sau cuộc đảo chính ngày 1/2.
“Chúng tôi, những nhân viên y tế, đang đi đầu trong phong trào này để thúc giục tất cả nhân viên chính phủ tham gia phong trào bất tuân dân sự”, Aye Misan, một y tá làm việc tại một bệnh viện công nói khi đang tham gia biểu tình ở TP Yangon. “Thông điệp của chúng tôi là phải xoá bỏ hoàn toàn chế độ quân sự và chúng ta phải chiến đấu vì sứ mệnh của mình”, Misan nói.
Cảnh sát ở thủ đô Naypyidaw hôm nay dùng vòi rồng phun vào một nhóm người biểu tình, theo video ghi lại hiện trường.
Hàng ngàn người cũng xuống đường ở thành phố ven biển Dawei ở vùng đông nam và ở TP Kachin ở phía bắc.
Tại Yangon, một nhóm nhà sư mặc áo choàng màu nhuỵ hoa nghệ tây đi đầu trong đoàn người biểu tình cùng với các công nhân và sinh viên. Họ giương cờ Phật giáo cùng băng-rôn đỏ giống như màu của đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi.
“Hãy thả các lãnh đạo của chúng tôi, hãy tôn trong lá phiếu của chúng tôi, bác bỏ đảo chính quân sự” là một trong những khẩu hiệu được giương lên.
Đợt biểu tình cuối tuần qua có quy mô lớn nhất kể từ “Cách mạng hoa nghệ tây” do các sư thầy dẫn đầu hồi năm 2007 để thúc đẩy cải cách dân chủ.
Cho đến nay, phong trào biểu tình vẫn diễn ra một cách hoà bình, không như đợt truy quét đẫm máu trong phong trào đấu tranh năm 1988 và 2007. Một đoàn xe quân sự được trông thấy khi đang đi trên đường phố Yangon vào chiều qua, khiến nhiều người lo ngại tình hình có thể sắp thay đổi.
Việc chính phủ cắt mạng internet vào cuối tuần qua càng khiến người dân Myanmar lo ngại nguy cơ quay lại thời kỳ bị cô lập và nghèo khổ trước khi đất nước bắt đầu chuyển giao dân chủ năm 2011.
Ngoài biểu tình trên phố, phong trào bất tuân dân sự đang thu hút nhiều người tham gia, trước tiên là các bác sĩ rồi đến một số giáo viên và các nhân viên chính phủ khác.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả nhân viên các bộ ngành của chính phủ không đi làm từ thứ Hai này”, nhà hoạt động Min Ko Naing, người từng tham gia phong trào biểu tình năm 1988, nói.
Bà Suu Kyi vẫn chưa được liên lạc với bên ngoài kể từ khi tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing chiếm quyền lực hôm 1/2.
Bà Suu Kyi đang đối mặt với cáo buộc nhập lậu 6 bộ đàm và đang bị cảnh sát giam giữ để điều tra cho đến ngày 15/2. Luật sư của bà cho biết vẫn chưa được gặp bà.
Úc đang yêu cầu thả ngay lập tức một công dân của họ vốn là cố vấn kinh tế của chính quyền Suu Kyi đã bị bắt từ cuối tuần qua.
Liên Hợp quốc tiếp tục thúc giục quân đội Myanmar khôi phục dân chủ.