“Đã có nhiều yêu cầu được đưa ra. Đây là việc không thể tránh khỏi, và đó là lí do vì sao chúng tôi phải lựa chọn cách này”, ông Min Aung Hlaing nói trong cuộc họp nội các đầu tiên.
Ngay sau cuộc đảo chính, lãnh đạo quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm, chuyển giao mọi quyền lực cho Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing, bổ nhiệm Phó Tổng thống Myint Swe - một cựu tướng quân đội - làm quyền tổng thống.
24 bộ trưởng của chính quyền bà Suu Kyi đã bị loại bỏ, và thay thế bằng 11 người khác có nhiệm vụ giám sát các bộ bao gồm tài chính, quốc phòng, đối ngoại và nội vụ.
Trong một diễn biến liên quan, tòa án Myanmar đã buộc tội Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi vi phạm luật xuất nhập khẩu, phát ngôn viên đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cho biết hôm thứ Tư.
“Chúng tôi nhận được nguồn tin đáng tin cậy rằng tòa án Dakhinathiri đã cáo buộc bà Suu Kyi tội vi phạm luật xuất nhập khẩu”, Kyi Toe, nhân viên phụ trách truyền thông của NLD cho biết.
Theo cơ quan tố tụng, bộ đàm đã được tìm thấy trong quá trình khám xét nhà của bà Suu Kyi ở thủ đô Nay Pyi Taw. Chiếc bộ đàm này bị cho là đã được nhập khẩu bất hợp pháp, và chủ nhân của nó đã sử dụng khi chưa được cấp phép.
Cùng lúc đó, cảnh sát Myanmar cũng đã đệ đơn kiện Tổng thống Win Myint, cáo buộc ông vi phạm Luật Xử lý thiên tai vì tham gia vào một sự kiện vận động cùng hàng trăm người hồi tháng 9/2020 bất chấp dịch COVID-19.
Ngày 1/2, sau cuộc đảo chính, Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm, và quyền điều hành đất nước được trao cho Tổng Tư lệnh Bộ Quốc phòng - Tướng Min Aung Hlaing.
Các lãnh đạo Myanmar, bao gồm bà Suu Kyi, ông Win Myint và quan chức nhiều địa phương bị quân đội bắt giữ.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức một cuộc họp kín về tình hình Myanmar vào hôm thứ Ba với nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho sự ổn định của Myanmar và giải quyết vấn đề một cách hòa bình.