Biến tướng đi lễ đầu năm thành cuộc ‘chạy đua tâm linh’

TPO - Theo chuyên gia Ngô Hương Giang, sự cuồng tín hay mê tín của nhiều người khiến hoạt động đi lễ đầu năm biến tướng thành “cuộc chạy đua tâm linh” hay “buôn thần bán thánh”.

Cuộc chạy đua tâm linh, buôn thần bán thánh

Chia sẻ với Tiền Phong, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho biết việc đi lễ nói chung và đi lễ đầu năm nói riêng là một tín ngưỡng văn hóa đã tồn tại cả nghìn năm cùng dân tộc.

Chuyên gia nhận định việc tồn tại tín ngưỡng ấy trong đời sống văn hóa Việt Nam là điều tất yếu. Song với sự phát triển kinh tế xã hội như ngày nay, tín ngưỡng thờ cúng, tế lễ đã đã có nhiều thay đổi, thậm chí biến tướng theo chiều hướng tiêu cực, xa dần ý nghĩa tích cực buổi ban đầu khi mới hình thành.

Biến tướng đi lễ đầu năm thành cuộc ‘chạy đua tâm linh’ ảnh 1Biến tướng đi lễ đầu năm thành cuộc ‘chạy đua tâm linh’ ảnh 2Biến tướng đi lễ đầu năm thành cuộc ‘chạy đua tâm linh’ ảnh 3Biến tướng đi lễ đầu năm thành cuộc ‘chạy đua tâm linh’ ảnh 4

Hình ảnh người dân chen chân đi lễ hội dịp đầu năm. Ảnh: Duy Phạm.

Người xưa quan niệm, đi lễ đầu năm là để thỏa mãn niềm tin của con người về một thế giới “siêu nhiên” vượt ngoài tầm nhận thức thông thường, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, người người bình an, hạnh phúc.

“Theo ý nghĩa đó, đi lễ đầu năm cũng chính là một hình thức đón vận khí của năm mới. Theo văn hóa truyền thống, ngoài các nghi thức tế lễ tại các thiết chế văn hóa, tôn giáo quen thuộc như đình, chùa, miếu mạo thì con người cũng xem đây là dịp để vãn cảnh, du xuân, tìm đến cái an nhiên cuộc sống. Ý nghĩa nhân văn trong tín ngưỡng thờ cúng chính là ở điểm này”, ông Ngô Hương Giang nói.

Chuyên gia cho rằng ý nghĩa nguyên khởi của tín ngưỡng, tế lễ đầu năm của văn hóa Việt Nam luôn mang giá trị nhân văn tích cực, chọn chung sống hài hoà với thiên nhiên thay vì đối đầu, cưỡng chế như văn minh phương Tây.

Điều này phản ánh nếp sống văn hóa quen thuộc của nền sản xuất nông nghiệp Á Đông, trọng tình, lấy nối kết tập thể làm nền tảng.

Tuy nhiên với sự du nhập của nền kinh tế thị trường, trọng vật chất khiến việc đi lễ đầu năm không còn giữ được “nếp” văn hóa truyền thống, ban sơ, thay vào đó là các yếu tố “mê tín”, thậm chí “cuồng tín” lên ngôi.

“Có đoàn người sắm sanh vật phẩm tế lễ lên đến cả tỷ đồng, thậm chí có nơi con người còn mang vác cả cặp trâu, bò làm vật tế tại phủ, đình, kèm theo đó là ước vọng giàu có, của cải phồn vinh, với đủ hình thức ‘xin vía’.

Có đoàn người đi từ Bắc vào Nam cũng chỉ để đi lễ tại một ngôi đền, chiếc phủ được đồn thổi là thiêng liêng, hiển linh tức thời… vừa tốn kém, vừa chứa đựng nhiều rủi ro do giao thông, dẫm đạp, chen chúc. Do đó, hoạt động này không còn là giá trị tín ngưỡng đã đóng đinh vào văn hóa Việt nữa, mà là ‘cuộc chạy đua tâm linh’, là ‘buôn thần bán thánh’ rồi”, chuyên gia phân tích.

Biến tướng đi lễ đầu năm thành cuộc ‘chạy đua tâm linh’ ảnh 5

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang.

Xin lộc, cướp lộc là biến tướng của hoạt động mê tín dị đoan

Theo ông Ngô Hương Giang, các hình thức như “xin lộc, cướp lộc” thực chất là sự biến tướng của hoạt động “mê tín dị đoan”, “thần thánh hóa tín ngưỡng”, thậm chí là “thương mại hóa tâm linh” chứ không phải là giá trị nhân văn thu nhận được từ di sản văn hóa truyền thống của dân tộc.

Chuyên gia nhận định hiện tượng này đã trở thành tâm điểm nhức nhối của báo chí, truyền thông và dư luận từ lâu, song càng ngày có xu hướng phức tạp và khó kiểm soát.

“Xin lộc, đón lộc là một quan niệm tự nhiên, thuận thiên mà có, là dạng thức của sự khai thông vận khí trong năm mới và không nhất thiết phải đến đình, đến chùa mới có. Thậm chí bạn có thể đón lộc tại chính ngôi nhà của mình mà chẳng cần đi đâu xa. Quan trọng con người có đủ tâm để hướng lấy khí lành của đất trời hay không mà thôi. Tâm thanh tịnh thì ‘lộc trời’ tự nhiên đến”, ông Ngô Hương Giang nhấn mạnh.

Trước câu hỏi làm thế nào để việc đi lễ đầu năm, du xuân vừa đủ sự thành tâm lại không theo hướng thương mại hóa tâm linh, mê tín dị đoan, chuyên gia gợi ý cần nhận thức đúng và trúng về hoạt động du xuân, tế lễ.

Theo chuyên gia, du xuân là để tâm thư thái, đi lễ là để cầu an. Vậy nên trước hết hãy du xuân bằng cái tâm an chứ không phải là ‘tâm động’, ẩn chứa nhiều dục vọng, ham muốn.

Thứ hai, cần khẳng định Phật, Thánh là một biểu tượng của tín ngưỡng, tâm linh, giúp con người tự soi, tự sửa các hành vi của mình, từ đó hướng thiện, chứ Phật và Thánh không phải là ‘đấng cứu thế’, hay ‘vị thần ban phát định mệnh’ giàu - nghèo, sướng - khổ, u sầu - hạnh phúc cho con người. Giàu nghèo, sướng khổ, bi kịch hay hạnh phúc, là xuất phát từ nhận thức, hành vi ứng xử xã hội của con người. Nhận thức văn hóa đúng sẽ quyết định hành vi văn hóa đúng.

Thứ ba, các cơ quan quản lý văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu về giá trị đích thực đối với tín ngưỡng, tôn giáo mà con người đang theo đuổi.

Tín ngưỡng hay tôn giáo nào, dù có khác nhau về cách thức thể hiện thì tất cả vẫn phải hướng con người đến cái thiện. Vì vậy, khơi dậy trong con người giá trị bao dung, nhân ái và sống nhân bản mới chính là mục tiêu cao cả nhất của tín ngưỡng, tôn giáo.

Tin liên quan