Biển đang 'nuốt' dần nhiều khu du lịch

Một đoạn bờ biển Xuyên Mộc bị biển xâm thực
Một đoạn bờ biển Xuyên Mộc bị biển xâm thực
TP - Những đồi cát lớn, cây xanh, cơ sở hạ tầng… bị thủy triều cuốn dần xuống biển trước sự tiếc nuối của nhiều người. Hiện tượng biển xâm thực đất liền đang diễn ra ngày càng trầm trọng ở các khu du lịch (KDL) ven biển từ cửa Lộc An đến khu vực Hồ Tràm, Hồ Cốc khu vực Trại Nhái, phường 12, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Một đoạn bờ biển Xuyên Mộc bị biển xâm thực
Một đoạn bờ biển Xuyên Mộc bị biển xâm thực. Ảnh: T.H - L.M

Theo chân cán bộ Ban quản lý các KDL huyện Xuyên Mộc, chúng tôi đến KDL Hồng Hà (ấp Bến Cát, xã Phước Thuận), nơi vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của đợt triều cường hồi tháng 12-2010. Khu vực bãi biển của KDL Hồng Hà đã được dọn dẹp sạch sẽ, các ao xoáy gần bờ cũng được san phẳng làm nơi vui chơi, tắm biển cho khách du lịch.

Nhưng dấu vết của đợt triều cường cuối năm 2010 vẫn còn đó. Chỉ tay về phía bức tường đã sập gần hết, chỉ còn một đoạn chưa đầy 2m và một cây dương sắp bật gốc, ông Phan Hưng, Trưởng phòng Hành chính Cty Du lịch Hồng Hà cho biết: Cách đây gần 3 tháng, đây là khu rừng dương và khu chòi lá phục vụ khách du lịch. Nhưng bây giờ chỉ còn trơ bãi đất trống, khu giải khát cách bãi biển gần 100m nay nằm sát mép nước.

“Cuối năm ngoái, gió mạnh, sóng lớn đẩy nước dâng cao bất thường. Chúng tôi dùng tấm bạt, bao cát và cây cối phủ lên các chân đồi mong giữ được rừng dương nhưng cứ sau mỗi đêm lại sạt lở vài mét đất. Chỉ sau một tuần, toàn bộ diện tích bãi biển khoảng 5.000m2 gồm rừng dương hơn 200 gốc, các chòi lá và bức tường bê tông dài 100m ngăn bãi biển với khu nhà nghỉ bị vùi xuống biển”, ông Hưng nhớ lại.

Có mặt tại bãi biển Hồ Tràm (đoạn bãi tắm Thanh Thanh và đồn Biên phòng 482), chúng tôi thấy khá nhiều cây dương chiều cao từ 5- 10m bật gốc nằm chỏng chơ trên bãi biển. Anh Mai Văn Ba, chủ bãi tắm cho biết: “Tuần trước, khu nhà kho (đã bỏ hoang) của đồn Biên phòng 482 đã bị cuốn xuống biển.

Đêm qua, tôi nghe tiếng nước đập vào bờ ì oạp, sáng nay thức dậy thấy mấy cây dương cao to cũng đổ rạp. Từ năm 1996 đến nay, mỗi năm khu vực này bị xói lở ít nhất 30m. Khu bãi tắm trước đây cách mép nước gần 300m thì nay đã ngập hoàn toàn mỗi khi thủy triều lên”.

Cam go chống xâm thực

Ông Đỗ Hùng Lam, Giám đốc Ban quản lý các KDL huyện Xuyên Mộc cho biết, hiện tượng biển xâm thực đất liền trên địa bàn huyện Xuyên Mộc diễn ra từ nhiều năm nay, khu vực bị xâm thực dịch chuyển mỗi năm mỗi khác.

Nhưng năm nay, hiện tượng biển lấn đất liền diễn ra khốc liệt hơn. Khu vực cửa Lộc An, mũi Hồ Tràm, Hồ Cốc bị sóng biển tấn công mạnh nhất. Hiện có ít nhất 7 KDL, bãi tắm đã đi vào hoạt động chịu ảnh hưởng nặng nề của việc biển xâm thực.

Sở Khoa học và Công nghệ BR-VT cho hay: Nếu không có biện pháp ngăn chặn hiện tượng xói lở, tuyến đường ven biển từ TP Vũng Tàu đi Xuyên Mộc sẽ bị phá hủy. Theo đó, những công trình dân sinh như cảng cá, cơ sở sản xuất, khu du lịch, nhà dân, các dự án du lịch nằm dọc bờ biển cũng đứng trước nguy cơ “tuột” xuống biển.

Trước nguy cơ trên, nhiều doanh nghiệp du lịch đã tự xây kè chắn sóng thủ công. Các công trình chắn sóng mỗi nơi mỗi kiểu đang làm mất mỹ quan bãi biển và có thể gây nguy hiểm cho khách tắm biển.

Để hạn chế thiệt hại do biển xâm thực vào khu vực Trại Nhái (phường 12, TP Vũng Tàu) làm đổ sụp nhiều nhà dân, UBND BR-VT yêu cầu dừng nạo vét tại Cửa Lấp, giao sở Khoa học và Công nghệ chủ trì triển khai giải pháp chống xói lở.

Theo các chuyên gia, nếu không tính toán kỹ, các công trình chắn sóng có thể ảnh hưởng đến dòng chảy và địa mạo vùng bờ biển, làm xuất hiện nhiều cửa biển mới, dòng chảy mới xâm thực mạnh hơn.

Sạt lở, xâm nhập mặn đe dọa ĐBSCL

Tại diễn đàn Biến đổi khí hậu tại ĐBSCL-Các thiệt hại liên quan sông Mê Công năm 2010 tổ chức tại TP Cần Thơ hôm qua (25-2), nhiều nhà khoa học và quản lý cho biết, sạt lở và xâm nhập mặn đang đe dọa nghiêm trọng ĐBSCL.

Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Trần Văn Thức cho biết, bờ biển phía Tây của Cà Mau thường xuyên xảy ra sạt lở (năm 2010 sạt lở 2.650m). Bờ biển này trước kia luôn được phù sa bồi lắng lấn ra biển, nhưng từ năm 2008 đến nay tình hình ngược lại.

Nguyên nhân chính là nước biển liên tục dâng dẫn tới đỉnh triều cường tăng. Đỉnh triều cường năm 2007 là 1,5m, năm 2010 tăng lên 1,85m. Ông Thức cho biết, dù hằng năm tỉnh bỏ ra hàng chục tỷ đồng cải tạo các tuyến đê xung yếu, đồng thời vận động nhân dân tự gia cố bờ bao nhưng nước biển vẫn dâng cao, tràn qua các tuyến đê”. Nước biển gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp mỗi năm một lớn (năm 2010 thiệt hại 15.832 ha).

Ông Trần Văn Hải, cán bộ Phòng Tài nguyên nước và Khí tượng Thủy văn của Sở TN-MT tỉnh An Giang, cho biết, sạt lở bờ sông đã trở thành nỗi lo của cư dân sống ven sông Tiền, sông Hậu, sông Vàm Nao, Bình Di… và các kênh rạch lớn.

Theo TS Lê Anh Tuấn - Trường Đại học Cần Thơ, nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông giảm là nguyên nhân gia tăng sạt lở bờ sông.

Nước sông Mê Kông giảm còn dẫn tới xâm nhập mặn tăng. Tại tỉnh Sóc Trăng, theo Sở TN-MT, năm 2010 do dòng chảy trên sông Mê Kông thấp hơn mức trung bình nhiều năm trước 10-20cm nên dòng chảy đổ ra biển thấp, làm mặn xâm nhập sớm và lấn sâu vào đất liền gần 40km. Những ngày triều cường kết hợp gió chướng thổi mạnh, mặn xâm nhập đến 80km.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng nhóm Tư vấn quốc gia, nhóm Nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược các đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông, biến động dòng chảy ở hạ lưu sông Mê Kông có nguyên nhân từ tác động ở thượng lưu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.