Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn đối thoại trực tuyến về công tác thanh niên

Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn đối thoại trực tuyến về công tác thanh niên
Vào 9 giờ sáng nay (22/3), Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Đắc Vinh đối thoại trực tuyến với đoàn viên, thanh niên và nhân dân cả nước trên Cổng TTĐT Chính phủ.

Cuộc đối thoại được tổ chức nhân kỷ niệm 82 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (1931 - 2013) và Tháng Thanh niên năm 2013, sẽ tập trung vào một số vấn đề liên quan mật thiết đến đoàn viên thanh niên, được hơn 25 triệu thanh niên Việt Nam và nhân dân quan tâm.

Cuộc đối thoại nhằm làm rõ hơn chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác thanh niên trong bối cảnh hiện nay.

Cùng tham dự đối thoại có các đồng chí là Bí thư Trung ương Đoàn; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban khối phong trào trung ương Đoàn, Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Trưởng Ban thanh niên Quân đội, Bí thư đoàn Thanh niên Bộ Công An, Bí thư Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đoàn khối các cơ quan Trung ương.

Cuộc đối thoại được truyền hình trực tiếp trên Cổng TTĐT Chính phủ và phát trên VTC1 (Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC), kênh InvestTV (Đài Truyền hình Việt Nam) đăng phát trên nhiều phương tiện truyền thông khác.

Kính mời bạn đọc quan tâm đến công tác thanh niên đặt câu hỏi gửi về địa chỉ email doithoai@chinhphu.vn hoặc gọi điện thoại về đường dây nóng của chương trình theo số: 080.48113.

BTV: Câu hỏi đầu tiên xin dành cho đồng chí Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn là của bạn Trần Thế Cường (Sóc Trăng):

Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X được xem là Đại hội của “hành động”. Xin Anh cho biết, tính “hành động” của Đại hội này thể hiện ở những điểm nào? Trong thời gian mấy tháng sau Đại hội, Đoàn đã thể hiện tính “hành động” này như thế nào?

Cá nhân anh đã “hành động” như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Xin cảm ơn câu hỏi rất thú vị của bạn Cường. Trong lịch sử, thanh niên Việt Nam có vai trò quan trọng trong lịch sử. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tính hành động của thanh niên thể hiện ngay ở trên mặt trận. Trên tiền tuyến thanh niên là những người trực tiếp cầm súng chiến đấu; ở hậu phương, thanh niên lao động sản xuất. Khi hòa bình lập lại thanh niên có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, những nơi cần sự xung kích và cần tính hành động cao.

Đại hội 10 lần này, chúng tôi tổng kết lại tinh thần hành động đó của thanh niên. Một lần nữa muốn nhấn mạnh với các bạn thanh niên là tuổi trẻ phải hành động. Sự hành động đó diễn ra ở mỗi con người, thể hiện ở công việc ở mỗi con người trong việc làm hàng ngày, làm sao khơi dậy tinh thần hành động đó.

Thực chất sau ĐH, chúng tôi cảm nhận được không khí hành động trong thanh niên rất cao, các cơ sở đoàn đã thể hiện tinh thần nói đi đôi với làm, những việc đề ra đã được bắt tay vào giải quyết. Tháng thanh niên hoàn toàn cảm nhận không khí hành động đó.

ĐH đã quyết định thông qua NQ, có nghĩa là cả hệ thống đoàn, trực tiếp cá nhân tôi phải thực hiện, trăn trở hàng ngày, suy nghĩ làm sao tổ chức triển khai khi quỹ thời gian 5 năm 1 nhiệm kỳ, công việc tiến hành đầu tiên phải đạt được những kết quả tốt nhất.

BTV: Tại sao Trung ương Đoàn lại chọn chủ đề Tháng Thanh niên năm nay là “Tuổi trẻ chung tay xây dựng văn minh đô thị”? và phương châm hành động là “Ứng xử văn hóa, hành động văn minh”?; những điểm nổi bật của Tháng Thanh niên năm nay đền thời điểm hiện tại là gì?

Tôi được biết là trong Tháng Thanh niên hằng năm đều được Trung ương Đoàn chỉ đạo triển khai theo chủ đề nhất định, và những hoạt động trong tháng thanh niên đều mang lại hiệu quả xã hội rất tích cực.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Chủ đề của tháng này không chỉ được thực hiện trong tháng 3 mà còn được thực hiện xuyên suốt trong năm nay. Chủ đề này tiếp nối chủ đề năm ngoái là tập trung xây dựng nông thôn mới. Tại địa bàn dân cư nông thôn đã đi vào nề nếp.

Còn tại thành phố, đa số bạn trẻ có nhận thức và tri thức cao, ứng xử văn hóa, văn minh. Tuy nhiên, thực tế triển khai phong trào thanh niên tại khu vực đô thị thời gian qua còn nhiều bất cập, hạn chế khi tốc độ phát triển kinh tế còn chưa đồng đều giữa các địa phương, kéo theo một bộ phận không nhỏ thanh niên nông thôn di cư ra khu vực đô thị để tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, cộng với việc mở rộng địa giới đô thị cũng kéo theo một bộ phận thanh niên nông thôn trở thành thanh niên đô thị. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng “quá tải” tại một số đô thị lớn, gây nhiều bức xúc trong xã hội như: giao thông đô thị, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị, việc làm cho thanh niên đô thị, phòng – chống tệ nạn xã hội…

Trước thực tế đó, thời gian qua, tổ chức Đoàn, đặc biệt là Đoàn trên địa bàn đô thị đã tổ chức nhiều hoạt động cho thanh niên tham gia xây dựng văn minh đô thị, góp phần cùng chính quyền địa phương giải quyết những bức xúc nói trên.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng - Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Để trả lời cụ thể xin mời đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng:

Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng: Hơn 20 ngày qua, chúng ta được chứng kiến nhiều hoạt động của các bạn thanh niên như xây dựng đô thị văn minh, các tuyến đường tự quản, đảm bảo an toàn giao thông, xây dựng đô thị, đặc biệt là mô hình thắp sáng đường quê (Khánh Hòa, Hà Tĩnh), đối thoại với các lãnh đạo đoàn địa phương (vừa qua hơn 2000 đoàn thanh niên công an đối thoại với lãnh đạo đoàn).

Bạn Trần Trọng Đại (TP. Hồ Chí Minh): Tôi thấy ở trong trường học, Đoàn thanh niên có rất nhiều chương trình, cuộc vận động hỗ trợ, động viên, tiếp sức cho học sinh, sinh viên trong học tập, rèn luyện.

Nhưng dường như việc hỗ trợ, phát huy học sinh, sinh viên trong nghiên cứu khoa học chưa được quan tâm đúng mức và kết quả chưa được nhiều.

Trung ương Đoàn có giải pháp gì mới, đột phá để khắc phục tình trạng trên trong nhiệm kỳ này?

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Xin cảm ơn câu hỏi của bạn. Chúng tôi thấy đánh giá của bạn đi đúng vào vấn đề và Đoàn thanh niên rất quan tâm, tuổi trẻ gắn liền với sáng tạo và một trong những biển hiện của sáng tạo là nghiên cứu khoa học.

Trong các trường học, Đoàn đã cố gắng triển khai một số giải pháp, ví dụ chúng tôi khuyến khích trong tất cả các trường đại học, cao đẳng thành lập câu lạc bộ học thuật. Đây là nền tảng sinh hoạt nghệ thuật của các bạn sinh viên, mời các chuyên gia, các thầy cô có kinh nghiệm, hướng dẫn trao đổi phương pháp nghiên cứu khoa học. Mô hình này cũng giúp đỡ và khuyến khích rất nhiều bạn sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học.

Chúng tôi đã kết hợp với Bộ GD-ĐT trong việc tổ chức Giải thưởng SV nghiên cứu khoa học. Về vấn đề này, Đoàn thanh niên ở trường ĐH, CĐ cũng có sự chủ động trong vận động thanh niên nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, hiện nay kết quả còn khác nhau, chưa đồng đều. Ở một số trường có truyền thống, phong trào SV nghiên cứu khoa học phát triển mạnh mẽ, ví dụ như tại Đại học Quốc gia, nơi tôi từng công tác. Tuy nhiên, trên diện rộng thì chưa đạt kết quả mong muốn.

Về cơ chế, chúng tôi đã tham mưu cho Bộ KH-CN về chính sách quan tâm hơn đến vấn đề nghiên cứu khoa học của thanh niên. Gần đây, Bộ KH-CN có quỹ riêng để khuyến khích các nhà khoa học trẻ.

Trong nội dung của Năm xung kích và phát triển KT-XH lần nay, chúng tôi có đề ra nội dung xung kích là thanh niên phải làm chủ KHCN, đi đầu trong lao động, sáng tạo. Đây là nội hàm chúng tôi hết sức quan tâm và hy vọng với sự quyết tâm đó, trong nhiệm kỳ ĐH 10 này, lĩnh vực nghiên cứu KH của HS, SV, hay đoàn viên, thanh niên nói chung khởi sắc hơn nữa.

BTV: Hiện nay, Đoàn tổ chức rất nhiều hoạt động tôn vinh, tuyên dương, trao giải thưởng cho các tài năng trẻ, gương mặt trẻ tiêu biểu. Đoàn cần có những chính sách, việc làm cụ thể gì để sử dụng, phát huy những tài năng trẻ này sau khi họ được tuyên dương?

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Một trong những biện pháp để xây dựng, khuyến khích phong trào là tuyên dương những cá nhân xuất sắc. TƯ đoàn đã xây dựng hệ thống giải thưởng để tuyên dương các bạn thanh niên có thành tích trong đó có giải thưởng lớn nhất của Đoàn TN là 10 gương mặt trẻ tiêu biểu. Dự kiến, hôm nay, là ngày công bố giải thưởng 10 gương mặt thanh niên tiêu biểu của năm 2012. Ngoài ra, trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học có giải thưởng Quả cầu vàng, trong lĩnh vực giáo dục, đối với HS, SV có Giải thưởng Sao tháng giêng dành cho cán bộ đoàn xuất sắc, giải thưởng Sinh viên “5 tốt” dành cho các bạn SV, giải thưởng Học sinh “3 rèn luyện” dành cho các bạn học viên trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, giải thưởng Lý Tự Trọng dành cho các bạn học sinh cấp 3 có thành tích học tập xuất sắc và công tác đoàn xuất sắc, giải thưởng Lương Đình Của dành cho các bạn thanh niên nông thôn, giải thưởng Người thợ trẻ giỏi dành cho các bạn thanh niên công nhân, giải thưởng Sao Vàng Đất Việt dành cho doanh nhân trẻ, giải thưởng Liên đội trưởng giỏi cho các bộ Đội. Có thể nói hệ thống giải thưởng của Đoàn đã bao trùm được các lĩnh vực. Tới đây, chúng tôi nghiên cứu giải thưởng cho các bạn công chức trẻ, các bạn phóng viên. Việc tuyên dương đã được làm khá tốt, đã phát hiện nhiều gương mặt tốt. Qua theo dõi, nhiều gương mặt được tuyên dương có sự trưởng thành..

Tuy nhiên, khi đánh giá, tổng kết tại Đại hội Tài năng trẻ vừa qua, thấy rằng, việc xây dựng hệ thống dữ liệu để kết nối các tài năng trẻ, giúp đỡ, hỗ trợ các bạn khi cần nhất, khi lập nghiệp, thì thực sự tổ chức Đoàn chưa làm được nhiều, mới chỉ dõi theo bước đi của các bạn… Chúng tôi đang tiếp tục suy nghĩ về vấn đề này. Đây thực sự là câu hỏi hóc búa.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn - Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Bạn Phạm Hùng Sơn (Đà Nẵng): Trẻ em tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, học tập, thậm chí nhiều em phải bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Xin hỏi, Trung ương Đoàn có kế hoạch gì để giúp đỡ những đối tượng này trong thời gian tới?

Đề nghị đồng chí bí thư thứ nhất có thể chia sẻ cụ thể để chúng tôi ở cơ sở có thể chủ động tổ chức thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Cám ơn câu hỏi của bạn. Chúng tôi đi công tác miền núi rất nhiều, chúng tôi đã chứng kiến trực tiếp những hình ảnh này và để lại cho chúng tôi nhiều suy nghĩ. Vì vậy Trung ương Đoàn đã có những giải pháp hết sức cụ thể trong lĩnh vực này. Tôi muốn mời anh Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng ban Thanh niên nông thôn nói thêm về việc xây dựng nhà bán trú dân nuôi cho trẻ em nông thôn.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn: Trẻ em luôn là đối tượng rất quan trọng, là chủ nhân tương lai của đất nước. Trong thời gian qua, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp với các cấp, các ngành đã tổ chức quyên góp ủng hộ xây dựng nhà bán trú dân nuôi cho các em thiếu nhi ở các tỉnh miền núi phía Bắc, chương trình đạt hiệu quả cao, giúp các em đến trường, ổn định nơi ăn chốn ở, yên tâm trong học tập. Trong thời gian tới, cùng với Đoàn khối doanh nghiệp Trung ương, Đoàn khối cơ quan Trung ương, Ban quân đội sẽ tiếp tục tích cực triển khai chương trình.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Tôi sẽ nói kỹ hơn về câu hỏi này. Đối với đối tượng học sinh miền núi khó khăn, chúng tôi có chương trình “tiếp sức đến trường”. Đây là chương trình gồm nhiều nội dung, đầu tiên là cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo phổ cập các bậc học, xóa mù chữ. Nhiệm vụ chủ yếu của cấp cơ sở đoàn là vận động học sinh đến trường. Ngoài việc vận động này thì việc hỗ trợ học sinh là rất cần thiết, trong nhiệm kỳ vừa qua việc huy động các nguồn lực, học bổng để hỗ trợ học sinh miền núi khó khăn trong thời gian qua thu được kết quả hết sức khả quan.

Đối với trẻ em miền núi đi học rất xa, thường phải ở bán trú nhưng chúng ta chưa có điều kiện xây dựng khu nhà trọ cho các em, nên bố mẹ các em phải xây dựng các lán, trại với điều kiện ăn ở rất khó khăn, ở trên triền núi. Với hoàn cảnh như vậy sẽ có rất nhiều em bỏ hoc. Đó là những điều chúng tôi không mong muốn. Chính vì vậy Trung ương đoàn phát động trong toàn quốc, tất cả các tỉnh, thành đoàn tham gia đóng góp. Mỗi nhà họp bán trú dân nuôi xác định giá trị 50 triệu đồng, tuy nhiên chỉ đủ phần nguyên vật liệu, quan trọng là cơ sở đoàn và đoàn viên thanh niên ở khu vực đó bỏ công bỏ sức, thậm chí chính quyền hỗ trợ để xây dựng nhà bán trú dân nuôi. Hiện nay chúng tôi xây dựng được ở Điện Biên, Lai Châu là nhiều nhất. Ngoài ra ở khu vực miền núi ở Thanh hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị đã triển khai xây dựng nhà bán trú dân nuôi.

Tất nhiên chưa được nhiều trong toàn quốc nhưng chúng tôi hy vọng với những việc làm của Đoàn thanh niên cộng sản HCM sẽ góp phần kêu gọi thêm lực lượng trong xã hội và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước để các em học sinh nghèo ở miền núi, vùng sâu, vùng xa được thụ hưởng quyền đi học như các bạn trẻ khác.

Nếu cơ sở đoàn ở nơi khó khăn khi có hỗ trợ về nguồn lực thì các bạn tham gia góp sức xây dựng, các bạn ở cơ sở khác hoàn toàn có thể đóng góp qua thành đoàn để tạo quỹ ủng hộ những bạn ở nơi vùng sâu, vùng xa.

Bạn Nguyễn Thành Tâm – sinh viên tốt nghiệp Đại học ngành Kinh tế nhưng chưa có việc làm:

Hiện nay, học sinh, sinh viên ra trường tìm kiếm việc làm rất khó khăn. Nhiều người sau khi tốt nghiệp 4-5 năm mà vẫn thất nghiệp hoặc tìm được việc làm không như mong muốn. Xin hỏi, Trung ương Đoàn có chương trình, chính sách gì hỗ trợ, giúp thanh niên trong vấn đề này hay không?

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Nếu tổng kết tại các đại hội, 3 nhu cầu lớn nhất của thanh niên là: học tập, nghề nghiệp và nơi vui chơi giải trí lành mạnh. Tạo cơ hội để thanh niên có công việc ổn đinh là vấn đề TW Đoàn hết sức quan tâm. Cả Đại hội 9 và Đại hội 10 trong nội dung đồng hành cùng thanh niên đều có nội dung về nghề nghiệp và việc làm. Chúng tôi đã tham mưu Chính phủ xây dựng Đề án “Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm” giai đoạn 2008 - 2015 (gọi tắt là Đề án 103), tập trung vào các nội dung tư vấn, truyền thông và đào tạo khởi sự doanh nghiệp. Các Ngày hội việc làm, sàn giao dịch việc làm… được tổ chức Đoàn tổ chức cũng là cơ hội để các bạn tìm kiếm việc làm. Bên cạnh đó, đề án 1956 hỗ trợ việc dạy nghề. Đặc biệt hiện nay chúng tôi cũng đang nghiên cứu nhân rộng mô hình Chiến dịch “Tiếp sức người lao động” tại TP. HCM (xây dựng các điểm GTVL miễn phí cho người dân tại các Bến xe ô tô) trong cả nước.

Mời chị Hương nói thêm về những giải pháp cụ thể hơn.

Đồng chí Vũ Thị Giáng Hương
Đồng chí Vũ Thị Giáng Hương.

Bạn có thể truy cập Cổng thông tin giới thiệu việc làm đối với thanh niên (mywork.vn), vào các website do Đoàn TN hỗ trợ thực hiện để tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp.

Ngoài ra hệ thống 35 Trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm thanh niên/32 tỉnh, thành phố với chức năng tư vấn, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên cũng có thể hỗ trợ các bạn. ở Hà Nội bạn có thể liên hệ trực tiếp với Trung tâm giới thiệu việc làm TW Đoàn 347 Đội Cấn - Hà Nội, Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội 88 Trần Nhật Duật - Hà Nội.

Bạn cũng có thể tiếp cận các chương trình vay vốn hỗ trợ thanh niên học nghề, sản xuất kinh doanh do tổ chức Đoàn đảm nhận thực hiện như: chương trình cho vay tín dụng với Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam; vốn 120; nguồn vốn cho vay khởi nghiệp tại một số tỉnh, thành phố…

Hiện nay, chúng tôi cũng đang xác lập và tính toán đẩy mạnh việc phát triển các mô hình HTX thanh niên, Tổ hợp tác thanh niên, thành lập các đội nhóm kinh doanh, dịch vụ tại các thành phố nhằm giúp các bạn thanh niên trong quá trình lập nghiệp.

Bạn Nguyễn Hoài Nam (du học sinh tại Cộng hòa Liên bang Nga): Được biết anh Nguyễn Đắc Vinh từng du học và làm luận án tiến sĩ hóa học ở nước ngoài. Tại sao Anh lại quyết định về nước công tác trong khi điều kiện ở nước ngoài rất tốt để phát huy được hết khả năng của mình?

Và từ thực tế của bản thân, Anh có gợi ý hay nhắn nhủ gì đối với những du học sinh Việt Nam đang học tập tại nước ngoài?

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Tôi được nhà nước cử đi học nước ngoài sau khi có kết quả cao khi thi tuyển đi du học. Chúng tôi xác định khi được Đảng, Nhà nước đi học ở nước ngoài, thì trách nhiệm của chúng tôi là học tập thật tốt, rồi trở về phục vụ đất nước. Lúc đó, Nhà nước còn khó khăn nhưng vẫn dành kinh phí để tạo điều kiện cho thanh niên trẻ đi học. Chúng tôi thấy đây là trách nhiệm, nghĩa vụ và cũng là yêu cầu.

Đối với nhiều bạn trẻ bây giờ, đi học ở nước ngoài được sự hỗ trợ của gia đình, sự vận động của bản thân.

Đất nước đang tiến hành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nguồn nhân lực đang rất thiếu nên rất cần các bạn trẻ có năng lực, trình độ, được đào tạo về giúp cho đất nước.

Với góc độ thanh niên, chúng tôi mong muốn các bạn sẽ trở về đóng góp cho đất nước. Còn đối với các trường hợp cụ thể, các bạn đang tham gia các dự án, đề tài dở dang thì về VN, các bạn khó có thể theo đuổi và ở nơi các bạn công tác, có thể giúp đỡ các bạn mạnh mẽ, nhanh chóng hơn thì chúng tôi thấy, các bạn có thể tiếp tục theo đổi để trưởng thành hơn. Có nhiều cách để các bạn cống hiến cho đất nước, miễn làm sao trong tâm mình luôn nhớ mình là người Việt Nam, cố gắng bằng mọi cách đóng góp cho đất nước mình. Đó là điều rất đáng quý.

Bạn Cù Đức Phúc, Phú Thọ: Điểm hạn chế của thanh niên Việt Nam khi đi xuất khẩu lao động là thiếu hiểu biết pháp luật, văn hóa nước sở tại, ý thức tổ chức kỷ luật kém… Đoàn có biện pháp gì để giúp thanh niên khắc phục những hạn chế đó?

Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng: Đúng là có thực trạng thanh niên đi lao động ở nước ngoài thiếu hiểu biết về pháp luật của nước sở tại và những kỹ năng về lao động.

Trong thời gian vừa qua, thực hiện đề án của Chính phủ hỗ trợ đoàn thanh niên ở huyện nghèo xuất khẩu lao động, Đoàn đã có nhiều hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho các bạn thanh niên. Trong thời gian tới, đoàn sẽ triển khai tích cực hơn những hoạt động này để đồng hành hỗ trợ các bạn thanh niên những kỹ năng cần thiết khi đi lao động ở nước ngoài. Bên cạnh đó các trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm như 35 trung tâm của Thành đoàn cũng sẽ tích cực tổ chức các hoạt động để các bạn có những nghề, kỹ năng khi đi xuất khẩu lao động.

Đối với việc hỗ trợ pháp luật, Đoàn cũng sẽ tích cực hơn,tìm hiểu rõ nước sở tại nơi thanh niên đi xuất khẩu lao động.

Có thể nói vừa rồi Đoàn đã có một số hỗ trợ đối với thanh niên đi lao động ở Hàn Quốc. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành để làm tốt nội dung này.

Bạn Hiệp Vũ- Du học sinh tại Canberra – Australia: Nhiều du học sinh có thành tích học tập tốt, tham gia tích cực các hoạt động cộng đồng và các phong trào thanh niên ở nước ngoài.

Xin hỏi đồng chí Bí thư thứ nhất, Trung ương Đoàn đã và sẽ có các hình thức khen thưởng gì để khích lệ, tôn vinh các du học sinh có đóng góp xuất sắc?

Đồng chí Phương Chi
Đồng chí Phạm Phương Chi.

Đồng chí Phạm Phương Chi – Trưởng ban Quốc tế (Trung ương Đoàn): Trung ương đoàn rất quan tâm ghi nhận, tôn vinh thanh niên, sinh viên Việt Nam có thành tích xuất sắc trong học tập và công tác ở nước ngoài. Hiện nay Trung ương Đoàn thường xuyên tổ chức trao Bằng khen của Trung ương Đoàn cũng như giải thưởng Sao Tháng giêng của Trung ương Hội sinh viên VN cho các cá nhân tiêu biểu này.

Chúng tôi rất quan tâm mời những cá nhân tiêu biểu ngoài nước về nước tham gia các hoạt động lớn ở trong nước, như các hoạt động tôn vinh tài năng trẻ, tôn vinh những gương mặt xuất sắc làm theo lời Bác, mời tham dự các hoạt động trong nước như trại hè cho thanh niên, kiều bào và thanh niên, sinh viên ở ngoài nước về nước có nhiều thời gian tìm hiểu thêm ở trong nước, có hoạt động giao lưu gắn bó với thanh niên ở trong nước.

Hệ thống báo chí của Đoàn thanh niên rất mạnh, thường xuyên tuyên truyền những tấm gương thanh niên, sinh viên VN có thành tích xuất sắc ở nước ngoài trên báo chí của Trung ương Đoàn.

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Tôi cũng muốn nói thêm về định hướng giáo dục cho thanh niên ở nước ngoài. Hiện nay cộng đồng du học sinh và thanh niên VN ở nước ngoài có xu hướng liên kết, nhiều nơi tổ chức Hội sinh viên, thanh niên ở nước ngoài.

Chúng ta có Hội sinh viên VN ở Anh, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Hàn Quốc. Chúng ta cũng kết nối được Hội sinh viên VN ở Nhật, Singapore và Hội du học sinh ở Mỹ. Có nhiều cộng đồng thanh niên, sinh viên ở nước ngoài kết nối được với nhau và đã kết nối được với tổ chức Đoàn và Hội sinh viên ở trong nước.

Chúng tôi thấy rằng qua đó công tác giáo dục của đoàn phải xuất phát từ các hoạt động, sinh hoạt. Ví dụ, trong sinh hoạt truyền thống giới thiệu về văn hóa Việt Nam thì người quảng bá chính là các bạn thanh niên ở nước ngoài, nhưng ở trong nước chúng ta giúp các bạn về trang phục, điều kiện, tư vấn về nội dung, như vậy có sự kết hợp giữa hai bên là điều rất tốt.

Ở đây có đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên là Chủ tịch Hội sinh viên VN tại Anh, trực tiếp tham gia phong trào thanh niên, sinh viên VN ở nước ngoài, cũng là một minh chứng về hoạt động của Đoàn, Hội. Anh Nguyễn Minh Triết sau khi trưởng thành từ những hoạt động của Đoàn, Hội trở về nước có nguyện vọng công tác ở Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản HCM. Tôi thấy đó là sự kết nối giữa tổ chức Đoàn, Hội trong nước với các bạn thanh niên trong nước và ở nước ngoài.

Bạn Trần Hồng Hoa (Hải Dương): Ở các khu công nghiệp, đời sống văn hóa tinh thần của thanh niên công nhân rất nghèo nàn, rất khó để được hưởng thụ các chương trình ca nhạc miễn phí, được đọc sách, báo hàng ngày… nên rất thiếu thông tin, hiểu biết. Đoàn có việc làm cụ thể nào để giúp nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho thanh niên công nhân?

Đồng chí Dương Văn An - Ảnh VGP/Nhật Bắc
Đồng chí Dương Văn An - Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Đồng chí Dương Văn An, Bí thư Trung ương Đoàn: Cùng với sự phát triển kinh tế đất nước, các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện ngày càng nhiều, và đảm bảo nhu cầu vui chơi giải trí cho các thanh niên ở các khu công nghiệp là tương đối khó khăn. Nắm bắt được tình hình đó, thời gian qua các cấp bộ đoàn đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên công nhân nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần, trong đó, một số hoạt động được triển khai đã thu được hiệu quả tích cực như:

- Ngày hội thanh niên công nhân, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí, bán hàng giá rẻ, tuyên truyền kiến thức về pháp luật, nhất là luật lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp qua các hình thức sân khấu hóa. Qua đó, góp phần giúp bổ sung các kiến thức cần thiết, đồng thời tạo sân chơi lành mạnh cho thanh niên công nhân.

- Thông qua các câu lạc bộ sở thích, câu lạc bộ khu nhà trọ, đoàn thanh niên thường xuyên tổ chức diễn đàn văn hóa, giao lưu văn nghệ thể dục thể thao, một số quận huyện đã có những mô hình mới như: tặng báo chí, các ấn phẩm văn hóa cho thanh niên công nhân tại các khu nhà trọ.

- Tại các doanh nghiệp đã thành lập được tổ chức Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên, các cơ sở đoàn đã phối hợp với công đoàn, lãnh đạo đơn vị tổ chức các hội thi, hội diễn văn nghệ nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thanh niên công nhân.

Tại các địa phương ví dụ như Hà Nội, Vĩnh Phúc thời gian qua đã tổ chức lễ cưới cho thanh niên công nhân để họ có niềm vui trọn vẹn trong ngày cưới. Còn tại Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các tour du lịch giá rẻ cho công nhân thanh niên, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho thanh niên công nhân.

Ở góc độ là tổ chức đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, chúng tôi cũng kiến nghị Nhà nước cần có những văn bản quy phạm pháp luật để doanh nghiệp đầu tư vào VN phải đảm bảo yếu tố để thanh niên công nhân được hưởng thụ điều kiện văn hóa tinh thần vui chơi giải trí như sân bóng, khu sinh hoạt văn hóa văn nghệ, tạo điều kiện cho anh em được xem truyền hình, đọc báo được , như vậy mới đảm bảo hài hóa tái tạo sức lao động, nâng cao dân trí, đời sống văn hóa tinh thần.

Bác Nguyễn Đức Thuận (Bắc Ninh): Hiện nay, nhiều bạn trẻ chỉ thích hát nhạc trẻ, nhạc nước ngoài chứ không còn mặn mà với các làn điệu cổ truyền dân tộc như quan họ, hát then, ca trù, chầu văn, chèo, tuồng…. Đoàn làm thế nào để vận động thanh niên giữ gìn các giá trị văn hóa đặc sắc này của dân tộc?

Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh: Đây cũng là vấn đề mà thanh niên rất trăn trở. Có 2 việc Đoàn đã làm rõ nét. Thứ nhất là trong phong trào xây dựng trường học thân thiện học sinh thiết thực, Hội đồng Đội đã phối hợp với Bộ GD-ĐT đưa trò chơi dân gian vào nhà trường.

Tôi đã chứng kiến khi đi khai trương trường cấp 1 ở Thái Bình, các bạn thiếu nhi hát chèo rất hay hoặc là khi chúng tôi đi thăm một làng cổ ở Quảng Ninh và thấy những nghệ nhân trên 80 tuổi dạy các bạn học sinh cấp 3 hát chèo.

Tôi cũng đã hỏi lại và biết đây là những việc không đơn giản, ví dụ như với những cái đàn, chỉ những người lớn tuổi biết đánh và phải đi tìm mua ở những hàng đồ cổ, mà khi mang về còn phải sửa.

Thứ 2, thấy các nghệ nhân hát thì tưởng dễ nhưng với các bạn trẻ, tập mấy tháng mà hát vẫn thấy khó, nên đòi hỏi phải có sự kiên trì, có tình yêu với văn hóa dân tộc. Chúng tôi thấy, ngoài việc đưa văn hóa dân gian vào trường học thì các hoạt động sinh hoạt đoàn ở các địa phương, nhà văn hóa thôn là rất cần thiết có những chất văn hóa ở nơi đó, để tận dụng chính hiểu biết, niềm đam mê của người dân nơi đó.

Đối với loại hình dân ca được UNESCO công nhận và những loại hình dân gian khác, tôi nghĩ cơ sở Đoàn cần phải chú ý.

Đồng chí Dương Văn An: Khi đất nước đổi mới, phát triển và hội nhập, bên cạnh thành tựu, chúng ta cũng có những thách thức đan xen. Xu hướng âm nhạc của thanh niên cũng có sự thay đổi. Tôi thấy đây là sự tất yếu, tuy nhiên nhìn chung, tôi đồng thuận với ý kiến của đồng chí Bí thư thứ nhất là thanh niên vẫn còn yêu thích làn diệu dân ca và các ca khúc cách mạng. Tôi đến các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long thì thấy bạn nào cũng biết hát ca cổ; đến vùng Kinh Bắc thì thấy bạn nào cũng biết hát quan họ, đi miền núi Tây bắc, Đông Bắc thì trong bất cứ hoạt động, buổi sinh hoạt thanh niên nào, các bạn cũng có thể mang đến những làn điệu của địa phương mình. Tôi thấy đó là điều đáng quý, tuy nhiên những nội dung đó chưa trở thành phong trào sâu rộng. Theo tôi, rất cần có sự tham gia của các ngành, đặc biệt là ngành văn hóa.

Ở góc độ của đoàn thanh niên, cũng thường xuyên tổ chức hội diễn, hội thi dàn hát dân ca và khuyến khích các đoàn thanh niên cơ sở thành lập các CLB thanh niên, mở các hội thi, đặc biệt trong thời gian tới, phát huy những điểm mạnh trong tổ chức phong trào hát ca khúc cách mạng trong thanh niên, vào cuối năm nay và sang năm 2014 chúng tôi sẽ tổ chức hội thi toàn quốc các đội tuyên truyền ca khúc cách mạng trong thanh niên.

Hiện Trung ương Đoàn đang giao cho các trung tâm thanh thiếu niên ở 3 miền và các đơn vị khác nghiên cứu để phổ biến một số điệu nhảy dân tộc, tạm gọi là dân vũ để khơi dậy sự vui vẻ trẻ trung, tinh thần đoàn kết trong thanh niên. Chúng tôi đang nghiên cứu tập trung vào vấn đề này.

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Bệnh viện thiếu thuốc: Chúng ta tự làm khổ mình
Bệnh viện thiếu thuốc: Chúng ta tự làm khổ mình
TPO - Đại biểu Quốc hội phản ánh, có những người đặt câu hỏi, tại sao bao nhiêu năm không thiếu thuốc mà bây giờ lại thiếu thuốc? Chúng ta không thể đổ thừa hết cho COVID-19 hay chuyện này, chuyện kia, mà phải nhìn thấy rõ ràng chúng ta tự làm khó, tự làm khổ mình.