Đặt ra câu hỏi với Ban tư vấn tuyển sinh, nam sinh này thắc mắc "ăn óc heo có lợi gì?" bởi mấy tháng gần đây do phải ôn thi ĐH nên mỗi ngày mẹ cậu đều mua óc heo về bắt ăn đến nỗi phát ngán.
Chia sẻ với câu chuyện của nam sinh này, bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh - Phó giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP HCM - cho biết, nhiều người quan niệm "ăn gì bổ nấy" nên nhiều phụ huynh thường cho con mình ăn óc heo nhằm cải thiện trí thông minh. Tuy nhiên, trên thực tế óc heo và các loại óc khác không có tác dụng như mọi người vẫn nghĩ mà ngược lại có nhiều cholesteron.
Một nữ thí sinh đến từ An Giang cũng khiến các thành viên ban tư vấn bật cười khi đặt câu hỏi: "Em tham gia kỳ thi để vừa xét tốt nghiệp vừa xét ĐH, CĐ nhưng nếu thi xong điểm thi 3 môn của khối xét tuyển đủ để đậu đại học nhưng bị rớt tốt nghiệp vì liệt ở môn còn lại thì có đậu ĐH không?".
Theo ThS. Lê Văn Hiển - Phó phòng đào tạo trường ĐH Luật - năm nay việc đăng ký xét tuyển sẽ diễn ra sau khi có kết quả thi tốt nghiệp. Nghĩa là khi thí sinh đậu tốt nghiệp thì mới được cấp phiếu để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ chứ không phải nộp hồ sơ trước như những năm trước "nên sẽ không có việc trượt tốt nghiệp mà có thể đậu ĐH".
Chia sẻ thêm, PGS. TS Trần Văn Nghĩa cho rằng, đề thi năm nay sẽ được chia thành hai phần, trong đó sẽ có khoảng 50% đề thi ở dạng cơ bản để những học sinh có học lực trung bình có thể dễ dàng đậu tốt nghiệp nên thí sinh không cần phải quá lo lắng. Ông cũng khuyên thí sinh không nên học lệch theo khối thi mà cần phải đảm bảo việc đậu tốt nghiệp trước sau đó mới nghĩ đến việc học theo khối để xét tuyển ĐH, CĐ. Ngoài ra năm nay có thể Bộ sẽ sử dụng thang điểm 20, điều này sẽ có lợi hơn cho thí sinh vì các em có thể lấy được điểm từ những ý nhỏ.
Thanh Nhi (trường THPT Tân Phú, TP HCM) lại băn khoăn với những rủi ro khi chọn ngành "hot" và nên chọn ngành như thế nào cho phù hợp với người có vóc dáng nhỏ?
Theo TS. Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM - khái niệm ngành "hot" còn tùy thuộc vào quan niệm của từng người, còn trên thực tế không có ngành nào được xem là "hot". Thí sinh cũng không nên chọn ngành theo những khái niệm này mà trước hết cần phải xét đến năng lực và sở thích của bản thân mình.
Tuy nhiên, theo ông, ở tuổi này sở thích của học trò cũng thay đổi rất nhanh nên khi chọn nghề cần phải xét đến năng lực và khả năng phù hợp của bản thân. Một khi đã chọn được ngành thì cần phải có cố gắng, đam mê để theo đuổi chứ không phải cứ chọn ngành "hot" là ra dễ xin việc.
"Vóc dáng chỉ là một yếu tố rất nhỏ trong vấn đề xin việc sau này. Đầu óc, khả năng tư suy, thái độ làm việc mới là yếu tố quyết định việc bạn có được nhà tuyển dụng lựa chọn hay không nên đừng bao giờ tự ti vì mình là người có vóc dáng thấp, nhỏ", ông nói.
Cô Trần Thị Kim, giáo viên trường THPT Thủ Khoa Huân (quận Thủ Đức, TP HCM) đặt ra câu hỏi về việc nộp phiếu đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ thì thí sinh sẽ nộp ở đâu? Trong vòng 20 ngày thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng của mình, vậy phải đến đâu để lấy lại phiếu đăng ký xét tuyển?
PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng Bộ Giáo dục - cho biết, năm nay sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT mỗi thí sinh sẽ được cấp 4 giấy xét tuyển để dùng xét tuyển trong 4 đợt khác nhau. Sau khi nộp hồ sơ xét tuyển nếu cảm thấy không có khả năng đậu vì tỉ lệ chọi cao, lượng hồ sơ nộp vào cùng ngành nhiều, thí sinh có thể rút giấy xét tuyển của mình ra để nộp vào trường khác trong vòng 20 ngày.
Tuy nhiên, việc rút hồ sơ còn tùy thuộc vào từng trường nhưng phần lớn trường ĐH, CĐ sẽ yêu cầu thí sinh tới rút trực tiếp. Nhiều em ở xa có thể gặp khó khăn và không kịp thời gian nên ông Nghĩa khuyên thí sinh nên cân nhắc cẩn trọng trước khi nộp hồ sơ.
Ông Nghĩa cũng khuyên các thí sinh nên cố gắng chọn trường, ngành phù hợp để có thể đậu ngay tại đợt tuyển sinh đầu tiên vì ở đợt này các trường đã tuyển được 60-70% thí sinh nên "cửa" vào các vòng sau sẽ khó khăn hơn.
Còn về việc nộp phiếu đăng ký xét tuyển thí sinh sẽ nộp trực tiếp cho các trường ĐH hoặc thông qua đường bưu điện.
PGS. TS Trần Văn Nghĩa giải thích, tư vấn cho thí sinh trong ngày hội. Ảnh: Nguyễn Loan (VnExpress)
Trước câu hỏi của nữ sinh đến từ Tiền Giang về việc thi vào các ngành năng khiếu sẽ thi ở đâu, việc sử dụng kết quả để xét tuyển ra sao, PGS.TS Trần Văn Nghĩa cho biết năm nay ngoài việc thi tốt nghiệp thì những thí sinh muốn xét tuyển vào các ngành năng khiếu phải tùy thuộc vào yêu cầu của từng trường. Ngoài kết quả từ kỳ thi quốc gia, trường năng khiếu sẽ tổ chức thi năng khiếu riêng, thí sinh sẽ được trường thông báo cụ thể về thời gian thi.
"Bộ Giáo dục cho phép thí sinh sử dụng kết quả thi năng khiếu của một trường xét tuyển ở nhiều trường khác. Nhưng các em phải lưu ý đến quy định tuyển sinh của từng trường vì có thể có trường sẽ chỉ nhận kết quả xét tuyển do trường mình tổ chức", ông nói.
Có mặt tại ngày hội tư vấn tuyển sinh, ông Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ Giáo dục - cho rằng việc chọn nghề cần phải dựa vào sở trường, năng lực của mình để ra trường dễ kiếm được việc làm. Năm nay, việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung sẽ có nhiều điểm mới nên các trường cần phải tư vấn kỹ cho học sinh để các em nắm được những điểm mới này.
Ông cũng động viên các thí sinh cố gắng ôn tập tốt, Bộ cũng tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều sự lựa chọn, song thí sinh cũng cần phải thận trọng không nên chọn quá nhiều môn thi. Thay vào đó, để đạt được kết quả cao nên chọn và tập trung ở những môn cần thiết. Nếu chọn thi nhiều môn thì cơ hội xét tuyển sẽ nhiều nhưng cơ hội trúng tuyển chưa chắc đã cao.
Về việc xác định tổ hợp môn để xét tuyển, năm nay Bộ đã yêu cầu các trường phải có môn Toán hoặc Văn để nâng câo yêu cầu có các môn xã hội vì với xã hội phát triển như bây giờ thì thí sinh cần phải có những kiến thức cả về xã hội lẫn tự nhiên mới đáp ứng được yêu cầu.
Dự kiến trong tháng 2 Bộ sẽ đưa ra Quy chế thi và Quy chế tuyển sinh đến tháng 3 thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi.
Theo Nguyễn Loan