Thí sinh hối hả "chạy nước rút" luyện thi đại học

Chỉ còn 4 ngày nữa, kỳ thi đại học năm 2014 sẽ chính thức bắt đầu. Để tăng tốc cho kỳ thi được coi là quan trọng nhất, thời điểm này, lịch học của các sỹ tử dày đặc cả ngày lẫn đêm.

Thí sinh hối hả "chạy nước rút" luyện thi đại học ảnh 1 Ảnh minh họa: TTXVN
Miệt mài ngày đêm

Vuốt vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt, em Dương Ngọc Mai (ngõ 23, phố Nguyễn Thị Định, Hà Nội) chia sẻ: “Ngày em học 6 tiếng ở trung tâm luyện thi, có hôm 3 ca thì 9 tiếng, cộng với từ 2 đến 3 tiếng tự học ở nhà hoặc lên thư viện”

Năm nay Mai thi vào Đại học Thương mại. Em cho biết, nội dung ôn tập chủ yếu theo đề thi đại học mà các thầy cô soạn với phần kiến thức trọng điểm theo chuyên đề ôn cấp tốc.

“Em lo nhất môn lý, nhưng hầu như các bạn ai cũng lo cả vì môn này khá hóc búa. Bây giờ ôn cấp tốc rồi nên em cũng chỉ chăm chú làm các đề thi là chính và không nghĩ ra cách học nào hiệu quả hơn nữa,” Mai chia sẻ.

So với Mai, thời gian biểu cho học tập của cậu học trò người Phố Hiến Nguyễn Minh Đạt (trường Trung học phổ thông Minh Khai, Hưng Yên) còn kín hơn nữa. Đạt cho biết, ngoài việc ban ngày học ở lớp ôn, mỗi tối em “cày” đến khoảng 3 giờ sáng. Sáng em vẫn thức dậy vào lúc 7 giờ để đi học ở trường. Theo Đạt, tuy thời gian ngủ ít nhưng em đã quen với việc đó nên không cảm thấy mệt mỏi.

Giống như Đạt, lịch học của thí sinh Lôi Thùy Linh (Lạng Sơn) cũng dày đặc từ sáng đến tối. Dự thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội, Linh đã phải lặn lội từ Lạng Sơn xuống Thủ đô từ khá sớm để ôn ở trung tâm luyện thi.

“Lịch ôn của em bắt đầu từ 7 giờ sáng ở trên trường, trưa tiếp tục học từ 14 giờ 30 đến 17 giờ 30, buổi tối từ 20 giờ đến 23 giờ. Việc học hầu như chiếm hết thời gian trong ngày. Có hôm em phải thức dậy sớm từ 4 giờ sáng học để tiếp thu tốt hơn bài vở. Lịch học dày nên em cũng rất muốn có một ngày ngủ thật thoải mái và không bị chi phối bởi việc thi cử,” Linh nói đầy mệt mỏi.

Theo cô học trò xứ Lạng này, những khi quá căng thẳng và áp lực, em thường thư giãn bằng cách nghe nhạc hoặc đi ăn một món nào đó mà em thích.

“Nín thở” chờ thi

Mặc dù dành rất nhiều thời gian và công sức cho việc ôn tập nhưng với các thí sinh, điều đó cũng không thể làm vơi đi cảm giác hồi hộp, căng thẳng.

“Chỉ vài ngày nữa thôi là đã bước vào kỳ thi. Kiến thức đã ôn đi ôn lại nhiều lần nhưng đôi khi em cảm thấy mình cũng chưa có đủ tự tin để đi thi,” thí sinh Lôi Thùy Linh lo lắng nói.

Lo lắng của Linh cũng là tâm trạng của cô bạn cùng quê Hoàng Ngọc Anh. Năm nay, Ngọc Anh dự thi vào Đại học Y dược Thái Nguyên theo khối A.

Ngọc Anh cho biết, vì sắp thi nên em không dám xao nhãng việc học, hôm nào cũng thức ôn đến 2 giờ sáng mới đi ngủ. “Môn ‘khó nhằn’ nhất đối với em là môn hóa, em thấy môn này khá rắc rối,” Ngọc Anh chia sẻ.

Với các sỹ tử khối C, D thì năm nay còn có thêm một lo lắng nữa là hướng ra đề thi mới ở các môn xã hội, đặc biệt là môn văn.

Em Nguyễn Hà Phương (ở Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, từ khi có thông báo thay đổi hướng ra đề, giáo viên của em cũng thay đổi đề ôn tập theo hướng mới để giúp học sinh nắm rõ hơn cách thức làm bài.

“Kiến thức em nắm khá chắc, nhưng vẫn cần phải hệ thống lại một cách khoa học hơn. Thời gian này em tranh thủ xem lại các bài đọc thêm trong năm chưa có thời gian học, dựa vào bài đọc thêm, đoạn văn mới, tập trả lời câu hỏi theo hướng mới cũng là một cách giúp em củng cố được lượng kiến thức của mình,” Hà Phương nói.

Lo lắng môn văn cũng là chia sẻ của em Nguyễn Thị Huệ Anh (học sinh trường trường Trung học phổ thông Thường Tín, Hà Nội). Dự thi khối D vào Đại học Hà Nội, Huệ Anh cho biết, ngoài buổi sáng đi học ôn thì chiều về nhà em tự luyện đề và đọc văn. Sáng sớm dậy học thuộc từ mới môn tiếng Anh.

“Em sợ nhất môn văn vì có nhiều thông tin về việc đổi mới thi giống thi tốt nghiệp năm nay. Em không hứng thú với môn văn cho lắm, đôi khi còn cảm thấy chán, có thể em chưa tìm được cách học môn này,” Huệ Anh lo lắng nói .

Còn với thí sinh Nguyễn Nhật Ánh (học sinh trường Trung học phổ thông Đan Phượng, Hà Nội), xác định đề văn sẽ ra theo hướng mở, em không chỉ ôn kiến thức trong sách giáo khoa mà còn dành thời gian xem thời sự, online đọc báo để nắm bắt nhịp sống và những sự kiện nóng hổi đang được dư luận quan tâm.

“Việc chú ý đến các vấn đề thời sự này là do cô giáo dạy văn nhắc nhở. Cô cũng dặn dò chúng em không nên cố nhồi nhét kiến thức, phải giữ sức khỏe và để tinh thần thoải mái, nhất là thời điểm sát ngày thi,” Nhật Ánh chia sẻ.

Theo lịch tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đợt 1 của kỳ thi sẽ bắt đầu vào ngày 4/7 tới, dành cho thí sinh hai khối A và A1.

Theo Theo Vietnam+
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.