Nhiều băn khoăn về kỳ thi quốc gia

Thí sinh dự thi đại học tại Hà Nội năm 2014. Ảnh: Như ý
Thí sinh dự thi đại học tại Hà Nội năm 2014. Ảnh: Như ý
TP - Xung quanh kỳ thi THPT Quốc gia còn nhiều vấn đề cần sớm được làm rõ nếu không sẽ gặp nhiều khó khăn cho cả người dạy lẫn người học. Đó là ý kiến của một số nhà quản lý giáo dục, học sinh và phụ huynh khi trao đổi với PV Tiền Phong.

Nhiều vấn đề chưa rõ ràng…


Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đình Độ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân (quận Tân Phú, TPHCM) cho biết: “Việc Bộ GD&ĐT chọn phương án 1 cho kỳ thi quốc gia tôi không lấy làm bất ngờ nhưng bất ngờ ở chỗ là Bộ lại không công bố năm sau có thi theo khối hay không để người dạy và học lập kế bạch học tập cụ thể”.

Ông Độ phân tích, năm 2015 sẽ còn một kỳ thi với 3 môn bắt buộc (Toán, Văn, Anh) và 1 môn tự chọn trong số các môn còn lại có thể xem là hợp lý. Tuy nhiên, kết quả của kỳ thi này có được các trường đại học sử dụng để tuyển sinh hay không vẫn còn là một vấn đề.

Đơn cử như trước đây, các em dự thi khối ngành kinh tế sẽ phải ôn thi khối A, thi ngành y ôn thi khối B… nhưng giờ các trường đại học vẫn chưa công bố đề án tuyển sinh riêng của mình sẽ thi môn gì, xét tuyển ra sao…?. Chẳng may đến lúc đó, các trường này chuyển hướng thi môn khác, xét tuyển cách khác thì hóa ra cả thầy và trò đều lạc hướng đi hay sao?

Ông Độ lấy ví dụ, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, trong đề án tuyển sinh riêng của trường, thí sinh phải thi hai môn Toán và Anh văn nhưng trong quá trình dạy và học, thầy và trò luôn mặc định thi vào trường này phải học khối A (tức là Toán, Lý, Hóa), đến lúc đó, làm sao trở tay kịp.

“Vì thế, ngay thời điểm này, Bộ phải công bố luôn là năm sau có còn thi theo khối nữa hay không và song song với đó, các trường đại học cũng phải công bố đề án tuyển sinh riêng của mình để thầy và trò cùng định hướng học tập”, ông Độ nói. 

Ở một khía cạnh khác, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GD&ĐT chủ trì. Những thí sinh này sẽ không thi chung cụm thi với những thí sinh có nguyện vọng thi đại học nhưng vẫn thi chung một đề là thừa và gây tốn kém.

“Nguyên do là chẳng mấy ai học suốt 12 năm để rồi dừng lại ở mức lấy bằng tốt nghiệp THPT mà không muốn vào đại học hay cao đẳng bởi như hiện tại, tấm bằng này hầu như không có tác dụng để làm việc, trong khi phải lập thêm một hội đồng thi để phục vụ một số rất ít các thí sinh này”, ông Độ nói.

Một vấn đề khác cũng được ông Độ băn khoản là khả năng học sinh sẽ học lệch, bởi như hiện tại chỉ cần học 4- 5 môn là thí sinh có thể phục vụ cho kỳ thi của mình rồi. 

Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) Nguyễn Quốc Bình cho rằng, Bộ GD&ĐT đã chọn phương án khả thi hơn và ít gây xáo trộn trong việc dạy học và cả tâm lí người học, cha mẹ học sinh.

Phương án này có lợi cho học sinh, vì ngoài 3 môn bắt buộc, là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, học sinh có thể chọn một môn phù hợp năng lực, cũng như giảm bớt áp lực cho người dạy học và làm công tác quản lí (các năm trước, ngoài 3 môn thi bắt buộc, Bộ còn chọn thêm 3 môn thi nữa). 

Lo lắng lớn nhất là độ chính xác của kỳ thi, làm sao kết quả đó đảm bảo hệ số chính xác cao nhất, cho phép các trường đại học, cao đẳng, làm căn cứ tuyển sinh. Đây là kì thi đầu tiên nên chắc chắn Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng cơ chế thi chặt chẽ. Rõ ràng, sẽ có nhiều khó khăn vì đây là kì thi hoàn toàn mới.

Vẫn còn nhiều băn khoăn…

Một giáo viên có lớp học luyện thi đại học y dược ở TPHCM cho biết, việc Bộ GD&ĐT chọn phương án thi và cách thi như thế nào là rất quan trọng, quyết định đến việc dạy và học của thầy và trò.

Theo giáo viên này, ở lớp học của ông có rất nhiều thí sinh năm trước rớt đại học, năm nay tiếp tục ôn thi lại nhưng giờ vẫn không biết các ngành, các trường các em muốn thi vào năm sau có còn thi các môn học này nữa không thì rõ ràng không có mấy tâm trí để học.

Em Nguyễn Thị Loan (quê Quảng Trị) vừa rồi thi vào Đại học Kinh tế TPHCM được 18 điểm trong khi trường này lấy 21 điểm đang lo lắng bởi em đang ôn thi các môn Toán, Lý, Hóa nhưng nghe phong phanh năm sau trường lại thi Toán và Anh văn.

“Giờ em không biết phải làm sao, nếu trường mà thi hai môn Toán với Anh thì coi như em mất toi công sức ôn thi mấy tháng trời rồi sau đó lại phải chuyển sang ôn thi môn khác nữa. Em lo quá”, Loan tâm sự.

Đào Mai Linh, học sinh lớp 12D0, trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết, sẽ thi khối A1 vào Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Tuy nhiên, Linh lo lắng: Không biết Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội có thay đổi phương án tuyển sinh không. 

Gửi ý kiến về tòa soạn, bạn đọc Lê Văn Hưng (Hà Nội) cho rằng, mấu chốt thành bại của phương án được Bộ GD&ĐT lựa chọn là chất lượng một kỳ thi quốc gia. Nhiều năm qua, chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT như thế nào chúng ta đã rõ. Nếu đổi mới thành một kỳ thi quốc gia trong năm tới, mà chất lượng không thay đổi, sẽ dẫn đến “vàng thau lẫn lộn”. Các trường đại học sẽ không tuyển được học sinh tốt bằng các trường tự tổ chức thi tuyển như trước. 

Bộ GD&ĐT cũng phải tính toán kỹ việc tổ chức theo cụm, trong trường hợp lên đến hàng chục ngàn thí sinh sẽ tổ chức thế nào? Theo phương án công bố, giảng viên các trường đại học cũng được huy động tham gia giám sát kỳ thi, như vậy cũng sẽ tốn kém hơn về đầu tư con người, cũng như vật chất…

Sáng 10/9, Hiệu phó Trường ĐH Cần Thơ, PGS.TS Đỗ Văn Xê đồng tình khi hay tin Bộ GD&ĐT chọn phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia theo cụm ở các trường ĐH: “Đó cũng là phương án chúng tôi kiến nghị, phù hợp điều kiện hiện nay”.

Về số lượng thí sinh tập trung về cụm ĐH Cần Thơ, TS Xê cho rằng không đông hơn bao nhiêu những kỳ thi tuyển chọn ĐH và CĐ trước đây, vì trước đây học sinh tốt nghiệp đã chiếm tỷ lệ rất cao, nay thêm tỷ lệ nhỏ; bên cạnh có số học sinh chỉ cần tốt nghiệp, không muốn xét tuyển ĐH và CĐ lại được thi tại trường, không phải đến cụm ĐH Cần Thơ.

Việc chấm thi, theo TS Xê, sẽ mời thêm những giáo viên dạy giỏi ở các trường THPT như cụm thi ĐH Cần Thơ từng làm, đảm bảo chính xác.

TS Xê nói. Tuy nhiên, TS Xê nhấn mạnh đến ưu điểm lớn nhất của phương án Bộ GD&ĐT đưa ra là “rộng đường lựa chọn tương lai cho học sinh”, không để rơi rớt mất người có năng lực. Đó là, khi đã có điểm thi tốt nghiệp, học sinh mới chọn trường ĐH và CĐ phù hợp để đăng ký xét tuyển, hạn chế được tình trạng “điểm cao mà rớt” như trước đây phải “đăng ký mù”, đăng ký nguyện vọng khi chưa biết điểm thi.

Sáu Nghệ

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.