Mẹt cơm nắm rải khắp vỉa hè Hà Nội
Cơm nắm muối vừng là món ăn đặc trưng, phổ biến ở các làng quê cách đây 20-30 năm về trước. Nay, nó thành món ăn sáng hay ăn xế phổ biến của dân thành thị.
Những người bán cơm nắm lâu năm cho biết, từ 2007, vỉa hè Hà Nội bắt đầu xuất hiện những gánh hàng rong bán cơm nắm. Khi ấy, một vắt cơm nắm muối vừng chỉ 2.000 đồng, cơm nắm ruốc giá 3.000 đồng.
Về sau, cơm nắm càng ngày càng nở rộ. Trên vỉa hè khắp các tuyến phố như Thái Hà, Chùa Bộc, Thanh Xuân, Lê Trọng Tấn, Xuân Thủy, Trần Cung,... người đi đường có thể dễ dàng bắt gặp biển quảng cáo "cơm nắm, bánh dày giò”. Thậm chí, trước những khu chung cư, khu đô thị, bệnh viện hay cổng trường đại học, không chỉ 1 mà còn có tới 3-4 hàng cơm nắm ngồi bán trên vỉa hè.
Bán cơm nắm vỉa hè khá đơn giản, chỉ cần quẩy gánh hàng rong hay để thúng cơm nắm trên xe đạp, xe máy đứng bán. Có người ngồi bày bán ngay dưới vỉa hè. Một số người bán rong tay xách làn to, tay kia bê mẹt cơm nắm ngang thắt lưng đi bộ khắp các ngõ phố bán cơm.
Để hợp với thời cuộc, cơm nắm hiện không chỉ ăn với muối vừng mà chủ yếu ăn kèm ruốc, giò bò hoặc giò lợn. Những nắm cơm trắng mịn, được chủ hàng cắt sẵn thành những miếng nhỏ hình con chì, ăn cho tiện. Giá mỗi nắm cơm ruốc hoặc giò giờ tăng lên 10.000 đồng, riêng cơm nắm muối vừng là 5.000 đồng.
Dù giá đã tăng lên gấp 3, song cơm nắm vẫn là quà ăn sáng lý tưởng của các cô cậu sinh viên, chị em công sở hay dân lao động tự do. Bởi, nó dễ ăn, không ngán và quan trọng hơn là ăn cơm chắc dạ. Đặc biệt, so với các món ăn sáng khác, cơm nắm vẫn là món ăn có giá cả phải chăng.
Đút túi 50 triệu tiền lãi mỗi tháng
Ngồi bán cơm nắm trước một khu chung cư lớn trên đường Nguyễn Xiển (Hoàng Mai, Hà Nội), mới gần 9 giờ sáng mà chị Đoàn Thị Xuân đã lắc đầu khi khách hỏi mua cơm nắm ruốc và trả lời chỉ còn bánh dầy giò nữa thôi.
Chị Xuân kể, chị quê ở Hưng Yên, ngồi bán cơm nắm vỉa hè đã được 4 năm nay. Ngày trước, chị bán ở khu Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội), nhưng hơn một năm nay chị chuyển hẳn về đây khu này vì đông dân, đắt khách hơn.
Mặt hàng chính chị bán vẫn là cơm nắm, bánh dầy giò. Ngoài ra còn thêm bánh khoai, bánh rán. Chị Xuân cho biết, quê chị có nghề làm mấy loại bánh trái trên, đặc biệt là cơm nắm. Do đó, hàng ngày chị dậy từ 4h sáng, qua mấy nhà làm nghề lấy đủ lượng hàng cần thiết rồi chạy xe máy lên đây bán.
Cơm nắm hiện đã trở thành món ăn sáng phổ biến, xuất hiện khắp phố phường Hà Nội.
Chị cho hay, cơm nắm ruốc dễ ăn lại chắc dạ, giá cả phải chăng nên là món ăn sáng được rất nhiều người ưa chuộng. Nhờ đó, mỗi ngày chị bán được 150 nắm cơm nắm ruốc, 100 cặp bánh dày giò; bánh khoai và bánh rán chỉ bán phụ thêm với khoảng 50 cái. Cứ thế, chị ngồi bán bao giờ hết hàng thì về.
“Mùa hè, những loại này dễ ăn hơn mùa đông nên chỉ bán khoảng đến 9 giờ, còn mùa đông thì phải qua bữa trưa mới hết”. Chị Xuân tiết lộ, suốt 4 năm qua, ngày nào chị cũng chạy xe ra Hà Nội bán cơm nắm, bánh dày, trừ các ngày lễ Tết.
Cụ thể, mỗi nắm cơm lấy buôn giá 1.500 đồng, muối lạc và ruốc hết 1.500 đồng nữa, bán ra 10.000 đồng, chị lãi 7.000 đồng/nắm. Tương tự, bánh dày giờ lấy buôn giá 2.000 đồng/cặp, giò hết 2.000 đồng nữa nhưng bán ra được 10.000 đồng/cặp, lãi 6.000 đồng/cặp. Tính ra, một ngày chị thu lãi hơn 1,6 triệu đồng, một tháng chị có lãi gần 50 triệu đồng.
Tuy nhiên, để kiếm được số tiền đó, quanh năm ngày tháng không quản trời mưa gió, rét buốt hay nắng đổ lửa, mỗi ngày chị lang thang ngoài đường bán cơm nắm từ 8-12 tiếng đồng hồ liên tục mới về nhà nghỉ.
"Ở khu này, khá nhiều người bán cơm nắm bánh dày nhưng không phải ai cũng bán được nhiều như tôi. Có người ngồi từ sáng tới trưa cũng chỉ bán hết 60-70 nắm cơm là nhiều. Còn tôi, hàng khá đắt khách, chắc cũng là do tôi có cái duyên buôn bán", chị Xuân cười nói.
Tương tự, chỉ ngồi bán đúng hai loại là cơm nắm và bánh dày giò trên phố Trần Điền, chị Lê Thị Lan quê ở Hoài Đức (Hà Nội) tiết lộ có ngày chị bán cả 100 nắm cơm nắm, bánh dầy 80 cặp. Lãi cũng được triệu đồng chứ không ít.
Chị Lan tâm sự, mấy năm nay cơm nắm vỉa hè nở rộ, hầu như phố nào cũng có người bán, còn tại các khu chung cư, trước cổng bệnh viện hay trường học thì có tới 2-3 hàng ngồi sát nhau nên số lượng cơm nắm bán được giảm mất 1/3 so với cách đây 3 năm.
“Ngày trước chỉ cần ngồi một điểm bán 3 tiếng buổi sáng là hết hàng, giờ thì phải qua trưa. Sáng tôi ngồi ở trước cổng chung cư, hơn 8h sáng thì gánh ra khu vực trước cổng bệnh viện ngồi bán nốt mới hết”. Chị Lan cho hay, dù khó bán hơn nhưng so với những nghề khác thì việc bán cơm khá nhẹ nhàng, lãi lại cao nên chị theo nghề đã gần chục năm nay.