Quên tháo vòng tránh thai
Bà Nguyễn Thị Nhạn 67 tuổi trú tại Bắc Ninh thấy đau bụng, ra máu ở âm đạo. Bà Nhạn đi khám phụ khoa vì lo lắng có thể mắc bệnh lý nào đó. Khi đến khám, bà tâm sự gần đây thấy ra máu có thể do bà hay thụt rửa. Khi bác sĩ cho siêu âm đầu dò không phát hiện bất thường. Bà Nhạn tiếp tục được siêu âm ổ bụng. Tại đây, bác sĩ phát hiện chiếc vòng tránh thai treo ngược lên ruột gây thủng ruột. Bệnh nhân được làm phẫu thuật lấy vòng tránh thai.
Bà Nhạn cho biết, bà đẻ lần cuối cùng vào năm 85 nên không nhớ là đã tháo vòng chưa. Sau khi sinh con được vài năm thì chồng mất. Do bận việc đồng ruộng, con cháu lớn cả và không thấy đau bụng hay làm sao nên cũng quên chuyện cái vòng tránh thai. Bác sĩ cho biết, may mắn là chiếc vòng bà đeo bằng nhựa nên khi lấy ra dù đã bị ăn mòn vẫn không gây ảnh hưởng nhiều, không gây viêm ruột.
Hình ảnh vòng tránh thai trong bàng quang bệnh nhân.
Trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị Lựu trú tại Cẩm Phả, Quảng Ninh thì khác. Bà Lựu đeo vòng đến năm 49 tuổi mất kinh. Bà tưởng đã sạch kinh nên đi tháo vòng. Ai dè bỗng dưng thấy bụng to, người mệt bà đi siêu âm phát hiện đã có thai 4 tháng.
Về nhà, chồng bà tức giận vì vợ đi tháo vòng mà không bàn bạc với chồng để biết mà tránh thai. Sau khi đến bệnh viện làm thủ thuật phá thai, bà Lựu lại quay về phòng khám để đặt lại vòng vì sợ có thai trong giai đoạn tiền mãn kinh.
Vòng tránh thai chui vào bàng quang
Bác sĩ nam khoa Nguyễn Khắc Lợi – Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, ông vừa phẫu thuật lấy vòng tránh thai tuột vào bàng quang cho bệnh nhân Nguyễn Thị Hải trú tại Hà Nam.
Bà Hải cho biết, bà thấy đau bụng nhiều ngày nhưng không rõ nguyên nhân. Siêu âm ổ bụng phát hiện bàng quang có dị vật. Khi phẫu thuật, bác sĩ lấy ra đó là chiếc vòng tránh thai chữ T.
Bác sĩ Lợi cho biết về bản chất, vòng tránh thai là một công cụ được đưa vào cơ thể để tránh mang thai ngoài ý muốn. Nhưng dù bác sỹ có tay nghề hay chỉ là cô y sĩ của trạm xá thì vẫn có nguy cơ vòng tránh thai chạy xuống bàng quang hay ghé vào ruột, leo lên dạ dày.
Bác sỹ Lợi kể, hồi công tác ở Khoa Ngoại, Bệnh viện E Trung ương, ông từng tiếp nhận một bệnh nhân có tiền sử đau bụng âm ỉ ở vùng dưới rốn nhưng khám không ra bệnh. Sau khi khai thác tiền sử bệnh nhân, biết bệnh nhân có đặt vòng tránh thai, ông thăm khám để tháo vòng thì không thấy vòng đâu. Siêu âm tử cung không thấy do vòng tránh thai đã leo lên ổ bụng.
Những trường hợp vòng tránh thai bị lạc khá nhiều. Như bệnh nhân Hoàng Thị Luyến trú tại Ba Vì, Hà Nội bị đau bụng. Khi khám ở Bệnh viện E Trung ương, qua siêu âm bác sĩ phát hiện trong ổ bụng của chị Luyến có dị vật gây thủng ruột. Khi phẫu thuật lấy dị vật, đó là chiếc vòng tránh thai hình chữ T. Chị Luyến cho biết, đã đặt vòng cách đây 9 năm, từ đó đến nay chị không đi đặt vòng lại và cũng không có đợt kiểm tra sản khoa nào.
“Thoát chết vì chiếc vòng tránh thai, chị Luyến đổ lỗi để vòng di chuyển vào ruột có thể do chồng “hoạt động” mạnh. Nhưng thực tế, khi vòng vào cơ thể nếu bệnh nhân không thường xuyên kiểm tra, tháo vòng ra đặt lại vòng khác theo “niên hạn” khuyến cáo, thì vòng tránh thai có thể ăn mòn thành tử cung. Hay nó làm thủng tử cung, đi vào bàng quang gây viêm, tạo sỏi bàng quang, hoặc chui vào ổ bụng gây đau bụng”, bác sỹ Lợi cho hay.
Các bác sĩ vẫn khuyến cáo, đặt phòng là biện pháp tránh thai hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, các nhà sản xuất thường để niên hạn sử dụng của vòng tránh thai là 5 năm. Vì thế sau 5 năm chị em phải tháo vòng đặt lại. Trong thời gian đặt vòng phải thường xuyên kiểm tra để tránh viêm nhiễm và vòng "chu du" đi chỗ khác.
Những trường hợp chống chỉ định với vòng tránh thai là, có thai hoặc nghi ngờ có thai; đang bị viêm vùng chậu, bệnh lý lây truyền qua đường tình dục hoặc mắc các bệnh này trong vòng ba tháng trước đây; viêm cổ tử cung mủ nhầy, bệnh lý ác tính đường sinh dục; dị tật bẩm sinh ở tử cung hay u xơ làm biến dạng lòng tử cung, lao vùng chậu, xuất huyết đường sinh dục bất thường chưa được chẩn đoán và điều trị; bị ung thư vú.