Bí ẩn những tia nước trên sao chổi 67P

TPO - Những hình ảnh cho thấy, sao chổi F67P phát tán ra hơi nước. Thế nhưng các nhà khoa học vẫn chưa rõ lý do tại sao hơi nước lại được phun ra dưới dạng các tia.
Bí ẩn những tia nước trên sao chổi 67P ảnh 1

Sao chổi càng đến gần mặt trời thì hoạt động càng mạnh. Băng trên bề mặt sẽ tan chảy, bao phủ sao chổi bằng một lớp khí. Vì thế, các kỹ sư phải nhanh chóng lên kế hoạch hạ cánh tàu đổ bộ Philae. Nguồn: ESA

Ngay sau khi tàu vũ trụ Rosetta bay vào quỹ đạo xung quanh sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko trong tháng 8 vừa qua, các nhà khoa học đã phải khẩn trương tìm một địa điểm hạ cánh cho tàu đổ bộ Philae. Nguyên do họ lo ngại sao chổi sẽ hoạt động mạnh hơn và có khả năng thải ra các loại khí độc hoặc phát tán các mảnh vỡ khi tới gần mặt trời.

Công việc tìm bãi đáp cho Philae đã được các nhà khoa học hoàn thành, và điểm hạ cánh đã được công bố từ ngày 15/9.

Những hình ảnh của 67P cho thấy sao chổi này thực sự đang phát tán ra hơi nước – nhưng các nhà khoa học vẫn chưa rõ lý do tại sao hơi nước lại được phun ra dưới dạng các tia.

Những tia nước này được ông Emily Lakdawalla, thuộc Hiệp hội Hành tinh, phát hiện ra bằng cách tăng độ tương phản trên các bức ảnh sẵn có của sao chổi 67P. Các nhà khoa học hy vọng có thể nghiên cứu những tia nước này kỹ càng hơn khi sao chổi tiếp cận gần với mặt trời.  Sau đó, họ sẽ tìm hiểu chính xác quá trình hình thành cũng như thành phần của các tia nước.

Lakdawalla cho biết, tàu Rosetta càng dành nhiều thời gian ở mặt tối của sao chổi, thì các tia nước lại càng dễ phát hiện hơn, bởi như vậy bề mặt sao chổi sẽ không quá sáng.

“Sao chổi đang ngày một tiến gần hơn tới mặt trời và nó sẽ hoạt động mạnh dần lên. Chứng kiến điều này rất thú vị, nhưng cũng là một thách thức cho tàu vũ trụ Rosetta. Những tia nước và luồng khí xung quanh sao chổi sẽ ảnh hưởng tới đường đi của Rosetta. Điều này khiến việc điều khiển cũng như hạ cánh tàu đổ bộ Philae trở nên khó khăn. Chính vì thế chúng ta phải nhanh chóng chọn địa điểm và tiến hành hạ cánh Philae – càng trì hoãn, công việc sẽ càng khó thực hiện hơn,” ông Emily Lakdawalla tuyên bố.

Bí ẩn những tia nước trên sao chổi 67P ảnh 2

Đầu tuần này, các nhà khoa học lựa chọn điểm J (được đánh dấu trên hình) làm điểm hạ cánh cho Philae. Điểm J có rủi ro thấp nhất trong số các lựa chọn. Nguồn: ESA

Ngoài ra, thiết bị Miro của Rosetta đã phát hiện ra những dấu hiệu của ammonia và methanol trong những tia nước của sao chổi. Ngoài ra, những tia nước còn mang theo các tinh thể băng và đốm bụi từ bề mặt sao chổi.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng bất ngờ khi thành phần các tia nước thiếu chất carbon monoxide.

Các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được vì sao hơi nước lại được phát tán ra bên ngoài sao chổi dưới dạng tia. Trong quá trình sao chổi tiến gần tới mặt trời, các chất trên bề mặt của nó sẽ thăng hoa. Khi đó nước đá sẽ chuyển sang dạng khí, tạo thành một lớp vật liệu bay lơ lửng xung quanh sao chổi.

Việc sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko lại chỉ phát tán vật chất tại một số điểm nhất định dưới dạng tia nước chứ không phải trên toàn bộ bề mặt, vẫn còn là một bí ẩn.

“Đó là một trong số những câu hỏi chưa có câu trả lời về sao chổi sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko Chúng ta hy vọng rằng các dữ liệu khoa học có thể lý giải. Lượng băng được giải phóng thông qua các vết nứt bề mặt đến từ bên trong sao chổi, và chúng ta cũng chưa giải thích được quá trình này. Bằng cách bay quanh sao chổi trong nhiều tháng và theo dõi nó hoạt động mạnh hơn, Rosetta có thể trở thành nhiệm vụ đầu tiên trả lời được những câu hỏi này,” Lakdawalla cho biết.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.