Hé lộ điểm hạ cánh của tàu vũ trụ Rosetta trên sao chổi

Hé lộ điểm hạ cánh của tàu vũ trụ Rosetta trên sao chổi
TPO - Trong tháng này, điểm hạ cánh của tàu vũ trụ châu Âu mang tên Rosetta trên một ngôi sao chổi sẽ được tiết lộ sau nhiều tuần xem xét kỹ lưỡng.

Các nhà khoa học thuộc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) sẽ công bố vị trí hạ cánh trên sao chổi của Philae – một tàu đổ bộ đi kèm với tàu Rosetta – vào ngày 15/9. Nếu mọi việc suôn sẻ, tàu đổ bộ Philae sẽ đáp xuống mục tiêu sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko vào ngày 11/11.

Sự kiện này sẽ đánh dấu lần đầu tiên một cơ quan vũ trụ thực hiện hạ cánh mềm trên một ngôi sao chổi, mặc dù trước đây tàu Deep Impact của NASA đã từng cố ý dùng một tàu thăm dò nhỏ đâm vào một ngôi sao chổi vào năm 2005.

Tàu Rosetta đã tiến hành theo dõi sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko, hay còn gọi là sao chổi 67P trong suốt một tháng vừa qua nhằm giúp các nhà khoa học ESA tìm hiểu thêm về thành phần kỳ lạ của sao chổi này. Ngôi sao có hai phần riêng biệt, và có hình dạng giống như một con vịt, theo miêu tả của các nhà khoa học.

Vào cuối tháng 8, các nhà nghiên cứu đã thu hẹp danh sách những địa điểm hạ cánh tiềm năng xuống còn 5 địa điểm, hầu hết đều thuộc thùy nhỏ của ngôi sao. Vào thời điểm đó, các quan chức ESA đã cho biết rằng cần phải điều tra thêm để tìm hiểu xem khu vực hạ cánh này có an toàn hay không, cả về địa hình lẫn điều kiện ánh sáng.

Tàu Philae sẽ hoạt động trên bề mặt sao chổi 67P trong thời gian ít nhất là vài tuần, móc cố định vào bề mặt của sao nhằm ngăn không cho tàu rời khỏi trọng lực thấp của thiên thể có kích thước chỉ 4 km này. Rosetta dự kiến sẽ truyền dữ liệu về ít nhất là cho đến hết tháng 8 năm 2015, khi sao chổi 67P ở gần mặt trời nhất, nằm giữa quỹ đạo của Trái Đất và sao Hỏa.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã phóng tàu vũ trụ Rosetta vào năm 2004 trên chuyến hành trình 10 năm tới sao chổi 67P. Rosetta và tàu đổ bộ Philae đã hoàn thành quãng đường gần 6 tỷ km để tiếp cận sao chổi này.

Mục tiêu chính của tàu Rosetta là nhằm tìm hiểu thêm về sự hình thành của các sao chổi – thiên thể được coi là một trong những đơn vị cấu thành các hành tinh trong hệ mặt trời. Ngoài ra, các nhà khoa học còn muốn nghiên cứu về những phản ứng của sao chổi khi tới gần mặt trời.

Việc dự đoán độ sáng của sao chổi là rất khó khăn, bởi thành phần của chúng rất đa dạng, khiến cho các nhà nghiên cứu khó có thể tính toán được lượng khí và bụi trôi đi khi nhiệt lượng của mặt trời làm ấm bề mặt sao chổi.

MỚI - NÓNG