Theo Tech Insider, các nhà khoa học đoán màu sắc của hồ có thể là kết quả của một loại tảo ưa muối. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học xác nhận sự hiện diện của nhiều vi khuẩn dị hình khác, góp phần tạo nên màu sắc khác thường trong hồ. Những sinh vật này có thể phát triển mạnh trong môi trường khắc nghiệt nhất như hồ có độ mặn cao.
Hồ nước màu hồng lần đầu tiên được đề cập trong chương trình SciShow vào năm 2013, thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu quốc tế tại Dự án Vi sinh vật Kỳ lạ. Các nhà khoa học tiến hành tìm hiểu để xác định nguyên nhân tạo ra màu hồng ở hồ Hillier. Họ thu thập trầm tích và nước từ hồ để xác định từng loại tảo, vi khuẩn cổ đại và vi khuẩn sống. Sau đó, họ phân tích ADN trích xuất từ mẫu vật nhằm xác định loài cụ thể.
Trong số nhiều vi khuẩn thu thập ở hồ Hillier, nhóm nghiên cứu tìm thấy tảo Dunaliella salina, một loại tảo dài được cho là thủ phạm khiến nước hồ chuyển màu hồng. D. salina tạo ra các hợp chất sắc tố gọi là carotenoid để giúp nó hấp thụ ánh sáng Mặt Trời. Các hợp chất này làm cho tảo có màu đỏ - hồng. Nhưng D. salina không phải là yếu tố duy nhất dẫn đến màu sắc độc đáo cho hồ Hillier. Các nhà khoa học còn tìm thấy những vi khuẩn khác cũng mang màu đỏ, gồm cả một số loài vi khuẩn cổ đại, cùng với một loại vi khuẩn sống mang tên Salinibacter ruber.
Hệ vi sinh vật hồ Hillier cũng hé lộ lịch sử của nó ở đầu thế kỷ 20. Nhóm nghiên cứu xác định một loài vi khuẩn tên Dechloromonas aromatica có khả năng phá vỡ các hợp chất như benzen và toluen, các hợp chất thường thấy trong dung môi hóa học. Với thông tin này, nhóm nghiên cứu có thể truy nguyên nguồn gốc hồ Hillier, và phát hiện hồ màu hồng này từng được sử dụng như một cơ sở thuộc da đầu những năm 1900.