Thông tin từ Sở Y tế TPHCM ngày 18/3 cho biết, căn cứ trên thực tế số ca bệnh nặng và nguy kịch đã giảm sâu sau khi cân nhắc phương án, TPHCM đã chính thức ngừng nhận bệnh tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 quy mô 1.000 giường đóng tại Bệnh viện Ung Bướu, cơ sở 2 trên địa bàn thành phố Thủ Đức.
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đi vào hoạt động từ tháng 7/2021 ở thời điểm dịch bùng phát trên diện rộng tại TPHCM. Đây là bệnh viện chuyên tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng và nguy kịch có quy mô lớn nhất cả nước. Giai đoạn cao điểm, bệnh viện đã điều trị cho hơn 700 bệnh nhân.
Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong cuộc chiến với đại dịch |
Cơ sở y tế được xem là tuyến phòng thủ cuối cùng trong hệ thống điều trị COVID-19 này được Bệnh viện Chợ Rẫy chịu trách nhiệm chính về mặt chuyên môn trên cơ sở phối hợp với các bệnh viện khác trên địa bàn TPHCM và lực lượng y bác sĩ hỗ trợ chống dịch trong giai đoạn cao điểm. Nỗ lực của các y bác sĩ đã góp phần đặc biệt quan trọng cứu chữa, giữ lại sinh mạng cho người bệnh, góp phần đẩy lùi và khống chế dịch COVID-19 mang lại sự bình an cho cộng đồng.
Sau khi ngừng nhận bệnh tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, ngành y tế TPHCM vẫn duy trì bệnh viện dã chiến và các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 của quận, huyện và thành phố Thủ Đức để tiếp nhận, chăm sóc và điều trị người bệnh mắc COVID-19 trên địa bàn. Các Bệnh viện Dã chiến số 13, 14, 16, đa tầng Tân Bình, Bệnh viện 175, Bệnh nhiệt đới và Chợ Rẫy tiếp tục duy trì giường hồi sức để điều trị người bệnh mắc COVID-19 nặng.
Bên cạnh đó, để chủ động ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra, Sở Y tế đã đề nghị tất cả các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn phải thành lập khoa hoặc đơn vị điều trị COVID-19 để tiếp nhận những trường hợp có bệnh lý cấp tính kèm xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2.