Bệnh nhân COVID-19 phải thở máy kể lại hành trình 'từ cõi chết trở về'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Lúc mới tỉnh dậy, các bác sĩ thay nhau ngồi bóp chân, bóp tay cho tôi như người thân trong nhà. Tôi muốn ngồi dậy nói câu cảm ơn cũng bất lực vì khi đó chân tay như dính liền vào gường, không cử động được, nói không ra hơi, ra tiếng”, - anh Giáp bồi hồi nhớ lại.

Ngày 26/6, tỉnh Bắc Ninh quyết định áp dụng biện pháp cách ly xã hội (theo Chỉ thị số 16) sang giãn cách xã hội (theo Chỉ thị số 19) đối với toàn bộ huyện Thuận Thành. Xã Mão Điền (huyện Thuận Thành) là ổ dịch đầu tiên và lớn nhất tỉnh Bắc Ninh, có thời điểm riêng Mão Điền có hơn 300 F0 đang dần thích nghi với cuộc sống “bình thường” mới.

Theo chỉ dẫn của người dân, PV Tiền Phong tìm đến nhà của anh Nguyễn Hữu G. ở thôn Công, xã Mão Điền. Anh G. là bệnh nhân từng được đánh giá chỉ còn 30% khả năng cứu sống. Dù trước đó, anh G. nặng gần 80 kg, không hề có tiền sử bệnh nền.

Bệnh nhân COVID-19 phải thở máy kể lại hành trình 'từ cõi chết trở về' ảnh 1
Anh Nguyễn Văn G.

Chia sẻ về tình hình sức khỏe, anh G. cho biết, anh đã đỡ được 7, 8 phần. Mọi sinh hoạt, ăn uống anh đã tự chủ động được. Hàng ngày, anh vẫn chịu khó vận động quanh nhà, uống thuốc kê đơn theo chỉ dẫn của bác sĩ.

“Mặc dù xét nghiệm 4 lần âm tính rồi, nhưng vẫn chưa hết hạn 14 ngày cách ly nên tôi vẫn phải hết sức cẩn thận. Tôi đặt lọ sát khuẩn ngoài cửa phòng; dặn vợ con sinh hoạt, vệ sinh tất cả xuống dưới tầng 1 với ông bà ”, anh G. nói với chất giọng khàn khàn.

Tâm sự về thời gian gần hai tháng chống chọi với bệnh tật, anh Nguyễn Hữu G. cảm tưởng như mình từ “cõi chết trở về”. Anh kể, sau khi được phát hiện dương tính (ngày 7/5), anh được đi điều trị như các ca bệnh nhẹ khác tại Bắc Ninh. Khi đang điều trị, anh vẫn tự tắm giặt được. Tuy nhiên, sau một hôm tắm nước lạnh, anh về phòng và liên tục sốt cao 40 – 41 độ C. Lúc đó, anh cảm nhận thấy rõ cơ thể mình đã yếu hơn rất nhiều. "Cứ nằm xuống là khó thở, ho liên tục. Tôi phải ngồi dậy mới thở được" - anh G. kể.

Sau đó, anh được đưa đi chữa trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (ở Hà Nội) chữa trị trong 40 ngày. Tại đây, anh phải sử dụng máy thở, nhiều ngày bị hôn mê.

“Tỉnh dậy sau 1 tuần hôn mê, tôi không tài nào nói được. Cứ nằm là ho. Các bác sĩ nội soi nói tôi bị nấm xâm nhập dây thanh quản. Thời gian này, đối với tôi, ngày cũng như đêm. Cơ thể hao mòn đi trông thấy, trông rất thảm hại”, anh G. nói.

“Lúc mới tỉnh dậy, tôi thấy các bác sĩ thay nhau ngồi bóp chân, bóp tay, lo từng miếng ăn giấc ngủ cho tôi như người thân trong nhà. Tôi muốn ngồi dậy nói câu cảm ơn các anh chị cũng bất lực vì khi đó chân tay như dính liền vào giường, không cử động được, nói không ra tiếng”, anh G. bồi hồi nhớ lại.

Được xe của bệnh viện đưa về đúng ngày Gia đình Việt Nam (28/6), từ ngoài ngõ thấy các con ríu rít ra đón bố, anh G. "thấy mình như được sống lại lần thứ hai".

Bệnh nhân COVID-19 phải thở máy kể lại hành trình 'từ cõi chết trở về' ảnh 2

Những ngày qua, chị K. vợ anh G. gần như mất ăn, mất ngủ vì lo lắng cho bệnh tình của chồng.

Chị Ngô Thị K., vợ anh G. cho biết, anh là F0 nên cả gia đình đều là F1 phải đưa đi cách ly tại Trường Đại học Kỹ thuật Hậu cần Công an nhân dân (ở Thuận Thành, Bắc Ninh). Bé H.A., con gái anh G và chị Khuyên ngày thường hay quấn bố. Khi ở khu cách ly cùng gia đình, được các chú ở trung tâm cách ly tặng quyển vở với cái bút chì, cháu ngồi vẽ ảnh gia đình mình và nói “để khi nào dán lên tường nhà, bố sẽ trông thấy”.

Bệnh nhân COVID-19 phải thở máy kể lại hành trình 'từ cõi chết trở về' ảnh 3
Bức tranh của cháu H. A. vẽ tặng bố tại khu cách ly


“Có hôm buổi trưa, tôi nghe phòng bên kia tiếng H. A. gọi bố. Tôi liền chạy sang tưởng chồng về thật, nào ngờ cháu ngủ mơ. Khi ấy nước mắt tôi lại chảy ra”, chị K. kể.

Hiện nay, nguồn tài chính gia đình đều trông chờ vào anh G. và đồng lương giáo viên mầm non của chị K. để nuôi ba đứa con nhỏ. Nói về dự định sắp tới, anh G. cho biết sẽ cố gắng tập luyện lấy lại sức khỏe để trở lại làm việc bình thường.

Bệnh nhân COVID-19 phải thở máy kể lại hành trình 'từ cõi chết trở về' ảnh 4

Hiện, nhà anh G. vẫn thường xuyên "đóng cửa, then cài" do bản thân anh chưa hết thời gian cách ly 14 ngày.

Theo ông Nguyễn Hữu Tân, trưởng thôn Công (nơi gia đình anh G. sinh sống cho hay), thôn có hơn 100 ca F0. Hiện nay, đời sống tinh thần người dân đã bắt đầu được cải thiện khi việc sản xuất cơ bản đã phục hồi. Trong thôn có khoảng 200 người làm công nhân trong các khu công nghiệp đã được quay trở lại nhà máy; vụ thu hoạch lúa Xuân đã đạt kết quả thành công tốt đẹp. “Thôn Công chúng tôi có đặc thù là rất nhiều gia đình làm kinh doanh tự do những mặt hàng như bánh cuốn, bánh tráng, mành rèm. Do dư âm của dịch bệnh nên hiện việc buôn bán chưa được thuận lợi như trước kia”, ông Tân cho hay.

Clip anh G. kể về quá trình mắc COVID-19 và được chữa khỏi

MỚI - NÓNG