Khoảng 7 năm trước, do gặp tai nạn nghiêm trọng, ông N.N.T (61 tuổi, ngụ tại TPHCM) bị gãy đốt sống lưng (L1), chèn ép vùng chóp tủy. Bệnh nhân đã được phẫu thuật đặt ốc vít cố định kết hợp giải ép tủy sống. Sau phẫu thuật bệnh nhân hồi phục vận động và đi lại được.
Tuy nhiên, ông thường xuyên phải đối mặt với những cơn đau vùng mông và hai chân, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống.
Hình ảnh minh họa thiết bị phát xung điện sẽ được đặt vào cơ thể người bệnh để điều trị đau |
Bệnh nhân cho biết, ông đã điều trị ở nhiều nơi bằng các phương pháp sử dụng thuốc chống đau thần kinh, vật lý trị liệu, phong bế thần kinh… Tuy nhiên, các giải pháp trên đều không mang lại hiệu quả khả quan. Thời gian gần đây, những cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn khiến bệnh nhân không thể tự ngồi được, sinh hoạt cá nhân phải lệ thuộc vào người thân.
Ông đã được gia đình đưa đến thăm khám tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM. TS.BS Phạm Anh Tuấn, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh cho biết, bệnh nhân có di chứng của tổn thương tủy sau chấn thương với biểu hiện đau tê nhiều vùng mông và chân hai bên rất nặng nề. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ xác nhận người bệnh có tình trạng đau thần kinh mạn tính kháng trị với các biện pháp điều trị hiện tại.
Các bác sĩ đã đặt thành công bộ điện cực và máy phát xung cho người bệnh |
Giải pháp cứu cánh cuối cùng hiện nay để điều trị đau cho người bệnh là phẫu thuật đặt điện cực kích thích tủy. Tuy nhiên, bệnh viện cho biết phương pháp trên có chi phí rất tốn kém do thiết bị và dịch vụ chưa được bảo hiểm chi trả nên tổng số tiền bệnh nhân phải thanh toán là 50 triệu cho phẫu thuật kích thích thử để đánh giá khả năng đáp ứng của thiết bị với người bệnh. Chi phí cho cuộc mổ cấy bộ điện cực và máy vĩnh viễn lên đến 800 triệu đồng.
Với mục đích giúp người nhà thoát khỏi những cơn đau, tìm lại cuộc sống bình thường, sau khi bàn bạc, gia đình đã quyết định chi số tiền khủng để thực hiện kỹ thuật trên.
Ngày 23/11, BS Anh Tuấn cho biết, ê kíp phẫu thuật đã đưa một điện cực vào ngoài màng cứng tủy sống, sau đó nối với máy phát xung đặt dưới da nhằm kích thích sừng sau tủy sống bằng xung điện để kiểm soát các cơn đau ở cột sống hay đau theo rễ thần kinh.
Sau 7 ngày mở hệ thống kích thích, tình trạng đau của người bệnh được cải thiện hơn 50% và hệ thống điện cực này được rút bỏ. Hai tháng sau, bệnh nhân được phẫu thuật cấy điện cực vĩnh viễn nối với máy phát xung điện đặt dưới da vùng hông lưng bên phải.
Hình ảnh kiểm tra cho thấy thiết bị điều trị đau có tổng chi phí lên tới 850 triệu đồng trong cơ thể người bệnh |
Bằng điện cực vĩnh viễn phát xung điện, người bệnh sẽ tự điều chỉnh cường độ kích thích tùy theo nhu cầu giảm đau thông qua một thiết bị cầm tay. Sau phẫu thuật, tình trạng đau của bệnh nhân giảm hơn 70%, ông đã có thể tự ngồi và vận động nhẹ.
Theo TS.BS Phạm Anh Tuấn, phẫu thuật kích thích tủy sống là phương pháp hiện đại trong điều trị đau mạn tính. Phương pháp này được thực hiện nhiều ở các nước phát triển. Năm 2013 Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, đã được chuyên gia của Pháp chuyển giao kỹ thuật trên.
Tuy nhiên, phương pháp xung điện kích thích tủy để điều trị đau liên tục bị gián đoạn do không có hệ thống điện cực kích thích và máy phát xung. Mặt khác, chi phí quá lớn, chưa được bảo hiểm y tế chi trả nên vượt quá khả năng tài chính của hầu hết bệnh nhân.