Dị ứng thời tiết là hiện tượng xảy ra đối với cơ thể vào những thời gian chuyển mùa, do thay đổi nhiệt độ đột ngột nóng-lạnh hoặc độ ẩm ảnh hưởng đến sự phát triển của dị nguyên nấm mốc hoặc là thay đổi nồng độ phấn hoa trong không khí, tác động đến hệ miễn dịch. Rối loạn hệ miễn dịch trong cơ thể là nguyên nhân chính dẫn đến dị ứng thời tiết. Từ đó sẽ xuất hiện các phản ứng dị ứng, sản sinh ra hàng loạt các kháng thể, chất hóa học trong cơ thể nhằm chống lại các yếu tố kích thích từ môi trường bên ngoài, gây hại tới cơ thể. Cơ chế sản sinh histamin là hoạt động quan trọng trong hệ miễn dịch cũng gây ảnh hưởng nhất định đến tình trạng dị ứng. Người bị dị ứng thời tiết khi tiếp xúc với các yếu tố bất lợi sẽ xuất hiện các triệu chứng dị ứng rất nhanh.
Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?
Dị ứng thời tiết đặc trưng bởi những dấu hiệu như dị ứng thời tiết nổi mề đay và dị ứng thời tiết nổi mẩn đỏ. Dị ứng thời tiết bao gồm dạng cấp tính và mạn tính. Nếu bệnh ở trạng thái cấp tính, sẽ kéo dài trong khoảng thời gian từ 24 giờ đến dưới 6 tuần, biểu hiện lâm sàng là những triệu chứng ngứa, gây khó chịu cho khổ chủ.
Theo bác sĩ Vũ Thái Hà (Bệnh viện Da liễu TW), nếu những dấu hiệu này không được chữa trị kịp thời và đúng cách, sẽ chuyển sang giai đoạn dị ứng thời tiết mãn tính có thể gây nguy hiểm cho cơ thể với biểu hiện phù nề, nhiễm trùng da, tụt huyết áp, sốc phản vệ, trường hợp xấu nhất sẽ dẫn đến tử vong.
BS. Vũ Thái Hà (người bên phải) tại một hội thảo quốc tế tại Monaco, 2023. |
Điểm danh các bệnh dị ứng thường gặp trong mùa xuân
Nổi mề đay: Nổi mề đay là một tình trạng phản ứng của các mạch máu ở da, gây phù tại chỗ làm cho da nổi các nốt đỏ, láng và ngứa nhiều. Mề đay xuất hiện trên da là do phản ứng miễn dịch của cơ thể, khi tiếp xúc với chất gây dị ứng thì lập tức cơ thể sẽ xảy ra phản ứng miễn dịch qua tế bào trung gian. Các chuỗi phản ứng này làm phóng thích histamin trong da, từ đó làm cho các mạch máu giãn nở, đồng thời làm gia tăng tính thẩm thấu của thành mạch, lớp bì sưng lên tạo các nốt ở ngoài da. Tại các vùng da khô trên tứ chi bỗng xuất hiện các vùng đỏ, cảm giác ngứa ngáy, nóng, lúc có lúc không. Thời tiết mùa đông hoặc đông xuân là một điều kiện thuận lợi cho người có cơ địa dị ứng dễ bị mề đay.
Mẩn, mụn ngoài da: Vào mùa xuân, cơ thể dễ dị ứng với tia tử ngoại hơn khiến các tế bào da dễ bị tổn thương, làm xuất hiện các nốt mẩn, mụn. Những thay đổi về thời tiết từ nóng sang lạnh và ngược lại đặc biệt là khi trời chuyển lạnh, lúc này độ ẩm trong không khí thấp, khả năng tiết mồ hôi và các chất hữu cơ của da giảm hẳn. Khi tới giới hạn an toàn của cơ thể, da không căng giãn thêm, không tiết mồ hôi và các axit hữu cơ để bảo vệ da thì lớp biểu bì ngày càng mỏng, mất đàn hồi khiến da bị nứt, nẻ, nổi sần và khô ngứa. Người bệnh có cảm giác ngứa từ ít đến nhiều, gây khó chịu và gãi theo phản xạ tự nhiên. Càng gãi các vết đỏ càng lan rộng ra thành từng mảng nổi lên khắp da nhưng vẫn không hết ngứa.
Viêm mũi dị ứng: triệu chứng này dễ gặp ở những người bệnh có cơ địa dị ứng thời tiết. Khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ cảm thấy khô vùng mũi họng, ngứa ngáy vùng mũi, mắt khó chịu, hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi, mất ngủ, buồn ngủ ngày, mệt mỏi, kém tập trung... Người bệnh sẽ thường xuyên cảm thấy khó chịu vùng mũi theo từng đợt, kéo dài khoảng từ 20-30 phút. Tùy thuộc vào mức độ dị ứng nặng nhẹ khác nhau mà tần suất xuất hiện các đợt viêm mũi dị ứng cũng khác nhau.
Chàm bội nhiễm: các bệnh nhân sẽ có dấu hiệu dị ứng, nổi mẩn đỏ có thể kèm mụn nước li ti, chảy dịch vàng, có nhiều vảy gầu ở đầu, khuỷu tay, đầu gối và mặt. Mỗi đợt chàm bội nhiễm xuất hiện thường kéo dài và ảnh hưởng tới làn da của người bệnh. Để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và ngăn ngừa chàm bội nhiễm tiến triển nặng hơn cần phải can thiệp sớm.
Việc đầu tiên để phòng chống dị ứng là phải tránh tiếp xúc với các dị nguyên. |
Khò khè, ho hoặc khó thở: đặc biệt hay gặp ở trẻ hoặc những người được chẩn đoán hen phế quản trước đó nhưng chưa kiểm soát bệnh tốt. Các triệu chứng thường tái diễn nhiều lần mỗi khi thay đổi thời tiết hoặc chuyển mùa.
Viêm kết mạc dị ứng: Đây là một bệnh dị ứng ở mắt. Các triệu chứng thường gặp là đỏ cả hai mắt, chảy nước mắt, ngứa mắt, sợ ánh sáng. Thời tiết càng ẩm, hoặc không khí càng ô nhiễm thì bệnh càng nặng, đặc biệt thường xuyên tái phát vào mùa xuân. Nguyên nhân, do mùa xuân hoa nở nhiều, phấn hoa phát tán, phấn hoa hoặc bụi rơi vào mắt có thể gây dị ứng dẫn tới viêm kết mạc.
Để ngăn ngừa dị ứng mùa xuân, chúng ta cần làm gì?
Việc đầu tiên để phòng chống dị ứng là phải tránh tiếp xúc với các dị nguyên. Trong mùa xuân, những người dễ bị dị ứng với phấn hoa nên tắm gội thường xuyên để rửa sạch phấn hoa bám trên tóc hoặc rơi trên cổ, ngực, áo quần. Bạn cũng phải tránh hoặc hạn chế đến các vườn hoa, là nơi dễ phát tán nhiều phấn hoa. Tuyệt đối không phơi quần áo ngoài trời vào những ngày có nhiều phấn hoa khuếch tán. Khi cần hoạt động ngoài trời, bạn phải đeo khẩu trang để tránh hít phải phấn hoa. Thực phẩm hay dược phẩm đã từng gây dị ứng cho bạn thì phải nhớ để tránh dùng nó. Đối với trẻ còn bú mẹ, sữa mẹ là thức ăn có tác dụng phòng chống dị ứng tốt nhất, nhờ tác động bảo vệ của các kháng nguyên chống dị ứng có trong sữa mẹ.
Việc đầu tiên để phòng chống dị ứng là phải tránh tiếp xúc với các dị nguyên.
Hạn chế mở cửa sổ để ngăn bụi và phấn hoa bay vào phòng ngủ. Bạn cũng phải thường xuyên lau chùi bụi bặm trên bàn, ghế, kệ, tủ, sàn nhà… Chuẩn bị sẵn các thuốc chống dị ứng thông thường như loratadin (dùng theo chỉ định), thuốc xịt cắt cơn hen nếu bạn hay người nhà bị hen. Để phòng chống dị ứng gây ngứa và đỏ mắt, cần chuẩn bị một số thuốc nhỏ và rửa mắt. Đối với các bệnh dị ứng nặng như hen suyễn, nổi mề đay nhiều, ngứa nhiều, khó thở... hoặc người cao tuổi, bị dị ứng lần đầu, bạn phải đến khám và điều trị ở bác sĩ ngay khi mới có dấu hiệu bệnh.