Bế mạc Hội sách Hà Nội: Tiếc vì quá ngắn

TP - TPHCM đã tổ chức tới 8 hội sách “nội bộ”, với Hà Nội, đây là lần đầu tiên. Sài Gòn luôn dành cả năm để chuẩn bị một hội sách, Hà Nội thì cứ sát nút. Tuy nhiên, từ ban tổ chức tới các đơn vị tham gia đều thở phào nhẹ nhõm với hiệu ứng Hội sách Hà Nội 2014.
Bế mạc Hội sách Hà Nội: Tiếc vì quá ngắn ảnh 1

Biển gỡ rồi mà khách vẫn đông. Ảnh: Trung Dũng

Qúa ngắn

Tại buổi lễ bế mạc, ông Nguyễn Mạnh Hùng, TGĐ Thái Hà Book, khoe tối trước nhận tới 117 tin nhắn hỏi sao hội sớm kết thúc thế?! Bên ngoài khách vẫn đến dù nhiều quầy đã tháo biển, đóng gói chuẩn bị mang sách về.

Xem ra người Hà Nội (người sống và làm việc tại Hà Nội chứ không chỉ dân gốc) luôn quan tâm tới sách, nhất là các em nhỏ. Em Vân Anh nói thấy rất vui, nhìn mọi người hạnh phúc khi cầm quyển sách trên tay. Cơm áo gạo tiền như bị quẳng ra sau.

“Là người trực tiếp tham mưu chỉ đạo hoạt động xuất bản nhiều năm, cứ mỗi lần đi dự Hội sách TPHCM tôi lại chạnh lòng, mơ một ngày Hà Nội làm được một hội sách đúng với tầm cỡ Thủ đô văn hiến. Lần này… đã làm được”.

Ông Nguyễn An Tiêm - Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản

Theo thống kê của ban tổ chức, doanh thu 6 ngày (26/9 - 1/10) cỡ 5 tỷ đồng. Mồng 2 - bế mạc coi như “tháo khoán” không tính.

“Bán tốt mà anh. Hội chợ này rất là đông người. Ban tối đông khách hơn ban ngày. Giảm giá 30, 40, 50%. Gần như tất cả đầu sách”, đại diện Trí Việt cho biết.

Ông Nguyễn Kim Sơn, TGĐ NXB Hà Nội, nói: “Thành công lớn nhất là được người dân chờ đợi và đón nhận”. Mà để làm được việc đó hoàn toàn phụ thuộc vào khâu quảng bá. Sách hay không cần quảng cáo nhưng không giới thiệu ai biết là sách hay?

Qua trao đổi, phía nhà sách Tiền Phong cũng đồng quan điểm trên. Nhà sách có doanh thu rất ổn trong đợt này. Đặc biệt so với các kỳ hội chợ gần đây. Vấn đề chính ở khâu quảng cáo, tiếp thị. Chung của hội sách, riêng của nhà sách. Từ tờ rơi đến Facebook. Kết quả từ sách đến văn phòng phẩm cùng bán được, bán đều.

Bế mạc Hội sách Hà Nội: Tiếc vì quá ngắn ảnh 2

Địa điểm nhận sách tặng bà con vùng cao

Đôi điều ghi nhận

Chê trước khen sau. Chê vì trong không gian văn hóa Hoàng thành vẫn phải có ông cầm loa ra rả: “Đông người đề nghị bảo quản tư trang”. Trớ trêu cảnh đã cầm sách mà móc mãi không được ví. Một lúc mất liền nhiều thứ.

Chê thêm xin nhường cho độc giả Hoàng Cúc (Đống Đa): “Có một điều rất phản cảm xin được chỉnh ngay. Đó là việc quảng cáo qua míc (micro) gây ồn ào không cần thiết. Hãy trả lại cho độc giả sự bình yên lịch lãm khi thưởng sách và chọn sách” - ghi trong sổ cảm tưởng.

Tới hội sách này, người ta thường dừng lại trước một ngôi nhà mái lá nơi nhận sách tặng bà con vùng cao. Đọc dòng cảm nhận, mới thấy hết tình người.

Một cậu bé gửi những người bạn chưa gặp bao giờ viết: “Tớ là Đoàn Nhật Thắng, lớp 4A2 trường Đoàn Thị Điểm. Tớ chưa bao giờ được thăm các bạn nên hôm nay tớ tặng 6 quyển truyện. Các cậu nên nhận đi”.

Tình cảm trân trọng của người lớn: “Mình đến hội sách tới ba lần. Lần này còn hào hứng hơn hai lần trước bởi mình ủng hộ sách cho các em vùng cao, các vùng khó khăn. Dù sách của mình đã cũ nhưng đều là những cuốn mình rất thích từ khi còn nhỏ, là những cuốn đưa mình vào con đường mê sách. Mong rằng những cuốn sách này thêm một lần nữa chắp cánh ước mơ cho các em nhỏ như mình ngày xưa” - Trần Việt Hà (Hà Nội).

Không ít độc giả hào hứng xông vào đám đông để mua cho được mấy quyển sách rồi mang ra “nhà lá” tặng lại. Vài chục, vài trăm nghìn đồng cộng thêm chút mồ hôi mong đổi lấy một chân trời cho những cô bé, cậu bé hằng ngày vẫn phải nghe lá rừng kể chuyện.

“Chờ mong mãi rồi hội sách cũng tới. Hối hả cập rập nhưng háo hức xốn xang. Gần một tuần đi qua nhanh quá, ngày nào cũng đông nghịt dòng người già trẻ gái trai tìm sách mới. Ai cũng tìm sự sẻ chia mách bảo, tìm một người thầy người bạn tâm giao.

Hội sách thành công không phải vì số lượng mà trước hết đã khơi dậy truyền thống của đất văn vật Thăng Long. Mong hội sách sẽ còn tiếp trong những năm tới, ngày càng thành công hơn”.

Ông Nguyễn Kiểm - nguyên Cục trưởng Cục Xuất bản, ghi sổ cảm tưởng của hội sách

MỚI - NÓNG