Bé gái phá bỏ hệ thống phân biệt chủng tộc trong trường học

0:00 / 0:00
0:00
Ruby Bridges được đặc vụ liên bang hộ tống từ trường tháng 11/1960
Ruby Bridges được đặc vụ liên bang hộ tống từ trường tháng 11/1960
TP - Năm 1960, Ruby Bridges vượt qua đám đông biểu tình để trở thành đứa trẻ da đen đầu tiên học tại một trường học ở bang Louisiana (Mỹ) - và rồi ngồi học một mình một năm ròng. Giờ đây bà hồi tưởng lại cuộc chiến của bà vì một tương lai tốt đẹp hơn kể từ ngày định mệnh đó.

Năm nay, Ruby Bridges xem lại tài liệu video quay lại hồi bà mới sáu tuổi, và cảm thấy sợ thay cho cô bé ấy. Đoạn quay ngày 14/11/1960, một ngày đã thay đổi cuộc đời của Bridges và cả lịch sử Mỹ. Vào ngày ấy, em là đứa trẻ da màu đầu tiên theo học một trường tiểu học toàn người da trắng ở bang Louisiana.

Nhìn lại những bức ảnh chụp lại ngày đầu tiên đi học của Bridges tại trường tiểu học William Franz ở New Orleans, đó là một cảnh tượng lạ lùng. Chờ đợi em ở cổng trường là đám đông biểu tình đầy tính thù địch, hầu hết là các bậc phụ huynh và trẻ con da trắng, cùng với nhiếp ảnh gia và phóng viên. Họ gọi em những tên gọi xúc phạm, và vẫy những tấm biểu ngữ. Một tấm ghi: “Tất cả những gì chúng tôi muốn Giáng Sinh này là một ngôi trường da trắng sạch sẽ”. Một người phụ nữ giơ cao một quan tài nhỏ với một con búp bê màu đen nằm bên trong. Nó đã trở thành một trong những hình ảnh tiêu biểu của phong trào dân quyền, và trở nên phổ biến hơn nữa khi Norman Rockwell tái hiện lại nó trong bức tranh The Problem We All Live With (Vấn đề chúng ta phải sống chung) năm 1964 của ông.

Phản ứng tiêu cực ấy không phải bất ngờ. Ba năm trước khi Bridges được sinh ra, Tòa án tối cao đã ban hành phán quyết cấm phân biệt đối xử trong các trường học trên toàn quốc. Tuy nhiên, sáu năm sau, nhiều bang phía Nam vẫn từ chối tuân theo. Việc chín trẻ em người Mỹ gốc Phi đăng kí vào trường Little Rock ở bang Arkansas năm 1957 đã tạo một làn sóng phản đối. Tổng thống Eisenhower đã phải gọi quân đội liên bang đến hộ tống bọn trẻ vượt qua một đám đông tụ tập ngoài cổng trường. Ba năm sau đến lượt Louisiana. Bridges là một trong sáu đứa trẻ da màu đỗ bài kiểm tra để được học một trường trước đây toàn da trắng. Nhưng rồi hai em bỏ học, ba em chuyển sang trường khác, và thế là Bridges chỉ có một mình.

“Lúc đó, tôi không biết là tôi sẽ đi học ở một ngôi trường toàn người da trắng”, bà nói. “Bố mẹ không bao giờ giải thích cho tôi. Nhưng chẳng có lý do gì tôi phải sợ nó cả”.

Xem đoạn video 60 năm sau, phản ứng của Bridges giờ rất khác. “Nó thực sự rất đáng sợ”, bà nói. “Và tôi không thể hình dung tôi, giờ là một người mẹ và một người bà, có thể đưa con mình vào một môi trường như thế”.

Nhưng Bridges, giờ đã 66 tuổi, có thể hiểu vì sao bố mẹ bà đã làm vậy. Họ là nông dân làm thuê ở Mississippi trước khi chuyển đến New Orleans vào năm 1958. “Họ không được phép đến trường”, bà nói. “Họ đều không được giáo dục bài bản. Nên cả hai rất muốn cho con những cơ hội mà họ không được phép có”.

Nhưng cuộc sống học đường của Bridges không hề dễ dàng. Trong suốt năm đầu tiên, hàng ngày bà cần sự bảo vệ của liên bang vì đám đông biểu tình luôn đứng trước cổng trường, bao gồm cả người phụ nữ với con búp bê trong quan tài. “Tôi gặp ác mộng nhiều về cái đó”, bà nói. “Tôi từng mơ là quan tài ấy bay quanh giường tôi mỗi đêm”. Bridges phải mang bữa trưa của riêng mình mỗi ngày để đề phòng nguy cơ bị đầu độc. Các bậc cha mẹ da trắng đều rút con họ ra khỏi trường, còn các giáo viên từ chối dạy Bridges, trừ một người duy nhất: cô giáo Babarba Henry. Cả một năm trời, cô Henry dạy Bridges một mình, chỉ có hai người họ trong lớp học. “Chúng tôi biết là chúng tôi phải ở đó vì nhau”, Bridges nói.

Mọi thứ thay đổi dần dần trong năm tiếp theo. Trong năm đầu tiên ấy, một vài phụ huynh bắt đầu cho con họ quay lại trường. “Nhưng hiệu trưởng, hồi bấy giờ thuộc phe chống đối, giấu bọn trẻ ở một chỗ khác để chúng không bao giờ tiếp xúc với tôi”. Đến cuối năm đầu, nhờ sự năn nỉ của cô giáo Henry, Bridges cuối cùng cũng được ngồi trong một lớp nhỏ cùng các bạn đồng trang lứa. “Lúc đó, một cậu con trai nói với tôi: “Mẹ mình bảo không được chơi với bạn vì bạn là dân mọi”, Bridges kể lại. “Và ngay khi cậu ta nói thế, cảm tưởng như mọi thứ đều bỗng dưng có nghĩa. Nó là một sự thức tỉnh rất tàn nhẫn. Tôi thường nói đó là ngày đầu tiên tôi biết đến phân biệt chủng tộc”.

Bà đã có cái nhìn sâu sắc về nguồn gốc vấn nạn này. “Điều này dẫn đến quan điểm của tôi rằng phân biệt chủng tộc là một hành vi được dạy. Chúng ta truyền nó cho con cái của chúng ta, rồi nó cứ thể tiếp tục từ thế hệ này sang thế hệ khác”.

Bé gái phá bỏ hệ thống phân biệt chủng tộc trong trường học ảnh 1

Bridges cùng Barbara Henry ở lễ ra mắt tượng vinh danh bà tại trường tiểu học William Frantz năm 2014

Vào thời điểm Bridges quay lại trường năm thứ hai, làn sóng phản đối đã lắng xuống. Không còn đám đông biểu tình, bà được học trong một lớp học bình thường, phần lớn là trẻ em da trắng nhưng giờ thêm một vài em Mỹ gốc Phi. Tình hình nói chung đã cải thiện, mặc dù Bridges khá buồn bực vì cô giáo Henry đã rời trường (họ vẫn tiếp tục làm bạn cho tới giờ). Mỗi năm kể từ đó, càng thêm nhiều học sinh da màu đăng kí vào trường. Vào thời điểm bà tốt nghiệp, các trường trung cấp đã ngưng chính sách phân biệt gần một thập kỷ, nhưng học sinh da trắng và da màu vẫn chưa hòa hợp với nhau.

Bridges cho biết bà đã không có kế hoạch nghề nghiệp gì khi học xong. Đầu tiên bà xin làm tiếp viên hàng không, sau đó trở thành nhân viên đại lý du lịch cho American Express trong 15 năm tiếp theo và đi khắp thế giới.

Vào giữa tuổi 30, Bridges đã thỏa mãn tính phiêu lưu và của mình và quyết định kết hôn và có bốn con trai. Nhưng bà vẫn chưa cảm thấy yên lòng. “Tôi thường tự hỏi mình đang làm gì. Rằng tôi có đang làm gì thực sự có ý nghĩa không? Tôi muốn biết mục đích sống của mình là gì”. Vài năm sau, Disney đã làm một bộ phim tiểu sử về Bridges, thành công đưa bà trở lại với công chúng. “Tôi nghĩ rằng mọi người bắt đầu nhận ra rằng tôi chính là cô bé trong bức tranh của Norman Rockwell”.

Bé gái phá bỏ hệ thống phân biệt chủng tộc trong trường học ảnh 2

Mẹ của Ruby Bridges, Lucille, bên cạnh bức tranh “Vấn đề chúng ta phải sống chung” của Norman Rockwell

Bà tiếp tục ghé thăm các trường học trên khắp đất nước để kể câu chuyện của mình và thúc đẩy nhận thức văn hóa. Sau đó, vào năm 2005, cơn bão Katrina tấn công New Orleans và trường William Franz bị hư hại nặng nề. Đã có kế hoạch phá bỏ nó. “Tôi cảm thấy nếu ai đó cứu ngôi trường này, thì đó sẽ là tôi”, bà nói. Bridges đã vận động thành công để đưa nó vào Sổ đăng ký Địa danh Lịch sử Quốc gia và giúp khôi phục lại ngôi trường. “Vậy nên giờ nó đã được mở lại. Trẻ em được trở lại lớp học. Và tôi thực sự tự hào rằng tôi đã có phần đóng góp”. Một bức tượng vinh danh Bridges giờ đứng giữa sân trường.

Khi Barack Obama trở thành tổng thống, Bridges đề nghị bức tranh được treo trong Nhà Trắng để kỷ niệm 40 năm sự kiện này. Obama đồng ý, và mời Bridges cùng gia đình đến dự buổi giới thiệu. “Đó là một khoảnh khắc rất xúc động”, bà nói. “Khi chúng tôi ôm nhau, tôi thấy mọi người trong phòng rưng rưng nước mắt và nhận ra đó không chỉ là mỗi chuyện tôi và ngài ấy gặp nhau; nó là về những khoảnh khắc đáng nhớ. Và tất cả những hy sinh của ngài ấy và tôi”.

Trớ trêu thay, ngày nay 100% học sinh của trường William Frantz là người da màu. Bridges giải thích, dân số da trắng đã bắt đầu di cư vào giữa những năm 60, một phần do thiệt hại do cơn bão Betsy gây ra năm 1965, nhưng cũng do sự thay đổi nhân khẩu trong quận. Ngày nay, nó là một trong những nơi nghèo nhất trong thành phố, với tỷ lệ tội phạm tương đối cao. Không chỉ ở New Orleans, hiện tượng "chuyến bay trắng" đã đem hình thức phân loại học sinh một lần nữa quay trở lại các trường học trên khắp nước Mỹ.

Sau đó ngài Tổng thống Barack Obama quay sang tôi và nói: “Bạn biết đấy, công bằng mà nói thì nếu không có giây phút đó, hay không có bạn, tôi có thể đã không ở đây ngày hôm nay”, và đó là một lời nhắc nhở về cách mà tất cả chúng ta đang đứng trên vai người khác. Một ai đó đã mở cửa và mở đường.

Bridges coi đây là trận chiến tiếp theo: “Trước hết chúng ta phải thấy được tầm quan trọng của việc đấu tranh. Bởi vì chúng ta đang phải đối mặt với sự chia rẽ trong đất nước này, nhưng điều đó bắt nguồn từ đâu? Nó bắt đầu từ bé. Vì vậy, tôi tin rằng những đứa trẻ của chúng ta nên có cơ hội để tìm hiểu về nhau: cùng nhau phát triển, vui chơi và học hỏi. Thời gian trẻ em ở trường chỉ sau ở nhà, vì vậy các trường học của chúng ta phải được mở cửa cho mọi người”.

MỚI - NÓNG