Hiện nay, dư luận Pháp đang quan tâm nhất đến 4 ứng viên dẫn đầu, những người có tỷ lệ ủng hộ sít sao được thể hiện qua các cuộc thăm dò dư luận. Đó là ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron; Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen; cựu Thủ tướng François Fillon, và nhà lãnh đạo của phong trào “Nước Pháp bất khuất” Jean-Luc Mélenchon.
Cơ hội lọt vào vòng hai đang được chia đều cho cả 4 ứng viên, vì càng gần đến ngày bỏ phiếu, khoảng cách giữa các ứng cử viên này càng được rút ngắn.
Khoảng cách giữa người đứng đầu "tốp 4" với người đứng cuối chỉ là 5%, đang khiến mọi dự đoán đều có thể bị đảo ngược và cuộc bầu cử tổng thống năm nay được cho là cuộc đua chứa đựng nhiều nhân tố bất ngờ.
Điều này cho thấy tới giờ phút này không ứng cử viên nào giành ưu thế vượt trội, xét dưới các góc độ khác nhau. Mỗi ứng cử viên đều có những điểm mạnh và điểm yếu nhất định.
Nhân vật từng được đánh giá cao nhất khi mở màn cuộc đua, cựu Thủ tướng Fillon với 30 năm kinh nghiệm trên chính trường cùng chương trình tranh cử được xem là “đúng hướng” với các cải cách có thể thúc đẩy kinh tế Pháp tăng trưởng trở lại, đã bất ngờ bị "gió đổi chiều" vì bê bối biển thủ công quỹ trong vụ "làm giả, hưởng lương thật”.
Ứng viên Marine Le Pen mặc dù là người luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò và được cho là chắc chắn sẽ lọt vào vòng 2 cũng đang bị điều tra vì lạm dụng công quỹ của Nghị viện châu Âu (EP).
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Kinh tế, ứng cử viên Emmanuel Macron được nhìn nhận là năng động, nhưng lại chưa có nhiều kinh nghiệm lãnh đạo.
Ứng cử viên Mélenchon đã có sự vươn lên ấn tượng thời gian qua khi ngày càng giành được sự yêu mến từ các cử tri cánh tả. Tuy nhiên, các quan điểm cực tả của ông được cho là khó được triển khai trong thực tế.
Những diễn biến đầy bất ngờ của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp cùng những chỉ trích gay gắt giữa các ứng cử viên khiến cho cử tri Pháp hết sức bối rối và mất phương hướng, thậm chí không đặt niềm tin vào ứng cử viên nào.
Theo giới phân tích, trong chặng đua nước rút, vẫn sẽ có những yếu tố có thể làm xoay chuyển cục diện cuộc đua. Đặc biệt tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 30% cử tri Pháp tuyên bố chưa quyết định bỏ phiếu cho ai.
Hơn nữa, những cuộc "khẩu chiến" trước ngày bỏ phiếu đang khiến cho nước Pháp bị chia rẽ sâu sắc hơn. Trong bối cảnh như vậy, tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu sẽ là nhân tố làm xoay chuyển cục diện cuộc đua.