Câu chuyện ông Thanh kể lại một lần nữa cho thấy sự bất nhất của Bộ Giáo dục-Đào tạo.
"Đẻ" ra hệ tại chức cũng là bộ, tuyên bố cử nhân chính quy hay tại chức có giá trị như nhau về mặt trình độ và khuyến khích xã hội làm theo nhưng ngay tại văn phòng bộ, bằng tại chức lại bị cấm cửa.
Dẫn chuyện trên để thấy rằng, tiền hậu bất nhất không phải là lần đầu trong cách điều hành của Bộ Giáo dục -Đào tạo khi vừa rồi, báo chí đề cập câu chuyện các trường đại học giành giật "miếng bánh" thí sinh hoặc thậm chí "thôn tính" trường trung cấp.
Cụ thể, tháng 12-2011, Bộ Giáo dục-Đào tạo quy định, kể từ năm 2012, các đại học, học viện không đào tạo trình độ Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).
Thế nhưng đến tháng 6-2012, Bộ sửa lại quy định. Theo đó, các trường đại học không phải ngừng tuyển sinh hệ TCCN ngay từ năm 2012 mà giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh TCCN để dừng tuyển sinh trước năm 2017.
Không chỉ tiền hậu bất nhất, quy định này không tương thích với Luật Giáo dục Đại học vừa được thông qua hồi tháng 6 và sẽ có hiệu lực đầu năm 2013. Luật quy định rất rõ, chức năng và nhiệm vụ của các trường đại học là đào tạo theo hướng nghiên cứu. Các trường đại học được đào tạo từ bậc cao đẳng cho đến đại học, nhưng không hề đề cập đến việc tuyển sinh và đào tạo bậc TCCN.
Thông tư sửa đổi quy định về tuyển sinh TCCN của Bộ Giáo dục- Đào tạo không đưa ra lý do cho sự thay đổi. Nhưng Bộ phải chịu sức ép từ "nhóm lợi ích" nào đó là điều công chúng có thể nghĩ đến.
Bởi khá dễ hiểu, việc các trường đại học không muốn nhả "miếng bánh TCCN" là bởi hoạt động đào tạo này giúp tăng nguồn thu, bù đắp chỉ tiêu cho hệ đại học, cao đẳng và tạo nguồn tuyển sinh ổn định cho các năm học tới bởi chính sách liên thông, thứ có khả năng hút thí sinh hơn cả.
Nhưng nếu chỉ vì lý do các trường đại học trót đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và nhân lực để đào tạo bậc TCCN nên khó dừng ngay hoạt động "ngoài ngành" của họ, Bộ Giáo dục - Đào tạo nghĩ sao với tình cảnh thê thảm của cả hệ thống trường TCCN, vốn được chính bộ "đẻ" ra để thực hiện chức năng đào tạo TCCN?