Mật phục
Kiên Giang là tỉnh có đường biên giới dài, vùng biển rộng, nhiều đường mòn, lối mở. Trong khi đó, lực lượng đấu tranh phòng chống buôn lậu còn mỏng, kinh phí hoạt động còn hẹp, trang thiết bị chưa đáp ứng so với yêu cầu nhiệm vụ… Bên cạnh đó, tình hình dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng đến đời sống và việc làm của người dân. Thực trạng đó khiến nhiệm vụ chống buôn lậu khó khăn hơn. “Dịch bệnh ảnh hưởng đến công việc, nhiều người dân khu vực biên giới mất thu nhập. Lợi dụng việc này, các đối tượng dụ dỗ thuê người dân vận chuyển thuốc lá lậu. Nếu thành công trót lọt, họ sẽ nhận từ 500.000 - 1.000.000 đồng/chuyến. Do lợi nhuận cao nên các đối tượng vận chuyển thuốc còn tấn công lực lượng chức năng để cướp hàng gây thương tích cán bộ chiến sĩ”, một lãnh đạo Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế (CKQT) Hà Tiên cho biết.
Để hiểu rõ hơn về công tác phòng chống buôn lậu, phóng viên Tiền Phong đã có mặt tại tuyến biên giới Tây Nam để ghi nhận tình hình.
Nhá nhem tối ngày 14/12, phóng viên theo chân các chiến sĩ của Đồn biên phòng CKQT Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, mật phục truy bắt buôn lậu như kế hoạch đã đề ra. Để tránh bị lộ, mọi việc đi lại các chiến sĩ được giữ bí mật tuyệt đối.
Trung tá Nguyễn Tấn Dương - Phó Đồn trưởng, Đồn biên phòng CKQT Hà Tiên kể, các đối tượng buôn lậu rất cẩn trọng, trước cửa đồn luôn có người cảnh giới. Họ có thể là người lái xe ôm, làm thuê… mỗi khi các chiến sĩ đi ra khỏi đồn là lập tức có người thông báo. Do đó, mọi việc triển khai ngăn chặn bắt các đối tượng buôn lậu phải được tổ chức cẩn trọng và kín đáo.
“Chúng tôi phải dùng xe biển trắng hoặc mặc thường phục trước khi rời đồn. Có hôm anh em di chuyển đơn lẻ đến một căn nhà hoang gần khu vực biên giới làm điểm tập kết, chuẩn bị tác chiến. Phải như vậy mới đánh lừa tai mắt của bọn buôn lậu”, Trung tá Dương nói.
Khi đã tập trung đủ tổ công tác 6 người, Trung tá Nguyễn Tấn Dương chỉ đạo tất cả sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Hơn 21h, chiếc xe bán tải chở tổ công tác rời điểm tập kết tiến vào khu vực giáp ranh biên giới tại cột mốc 311 (thuộc phường Mỹ Đức, TP Hà Tiên) cách đồn hơn 3km. Địa điểm mật phục tại một cánh đồng cỏ năng, xung quanh trời tối như mực, gió bắt đầu rít mạnh liên hồi. Các chiến sĩ nín thở lặn ngụp giữa cánh đồng năng dõi mắt về mọi phía.
Đại uý Trương Hồng Lướt - Đội trưởng đội vũ trang - Đồn biên phòng CKQT Hà Tiên cho hay, đây là một trong những vị trí mà các đối tượng lợi dụng để chuyển hàng lậu qua biên giới. Sáu chiến sĩ được trang bị công cụ hỗ trợ tiến vào từng vị trí khác nhau, bắt đầu làm nhiệm vụ.
Chiến sĩ Đồn BPCKQT Hà Tiên mật phục |
Cánh đồng cỏ năng rộng bao la, nước ngập đến tận cổ nhưng tất cả đội đều tỉnh táo trầm mình dưới dòng nước lạnh buốt. Là người có thâm niên trong việc truy bắt buôn lậu, đại uý Lướt cho biết, nếu mật phục ở chỗ trống thì dễ bị phát hiện, phải mật phục dưới nước, hoặc trên cây, trong bụi rậm mới dõi theo được đường đi của hàng lậu.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn (An Giang) kiểm đếm tang vật vụ buôn lậu thuốc lá số lượng lớn |
Gần 1 giờ sáng, tiếng chó sủa khu vực giáp biên giới liên tục vang lên, nhiều ánh đèn xa xa rọi ra cánh đồng. Lúc này, chỉ huy Dương bảo mọi người im lặng, không bật đèn, lặn sâu xuống nước. Sau một lúc, ánh đèn dần dần vụt tắt, chỉ còn tiếng côn trùng kêu trong đêm. Sau khi quan sát và nhận định tình hình, Trung tá Dương thông báo với anh em: “Tối nay các đối tượng có thể không qua khu vực này và ra lệnh rút quân sang vị trí khác”. Trắng đêm đó, trong bộ quần áo ướt sũng các chiến sĩ lại tiếp tục tuần tra tại khu vực biên giới được giao; bảo đảm kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu và khép kín mọi đường mòn, lối mở, kênh rạch thông qua biên giới. Chỉ huy Dương cho biết, việc tuần tra, mật phục như trên diễn ra thường xuyên nhưng không phải lúc nào “cất vó” cũng có “cá”.
Vừa chống dịch vừa chống buôn lậu
Tại An Giang, khác với mọi năm, khi bùng dịch lực lượng biên phòng ở đây thêm nhiệm vụ kép nên hết sức vất vả.
An Giang có gần 100km đường biên giới giáp Campuchia, xen lẫn trong đó là kênh rạch, đường mòn lối mở. Điều kiện này khiến tình hình buôn lậu qua biên giới thường phức tạp và ngày càng “nóng”, nhất là trong thời điểm cuối năm.
Thuốc lá lậu là mặt hàng số một được các đối tượng tập trung “đánh” vào nội địa. Thủ đoạn của nhóm đối tượng này ngày càng tinh vi, đa dạng và thay đổi theo diễn biến tình hình. Để qua mắt biên phòng, các đối tượng không vận chuyển ồ ạt mà chuyển sang nhỏ lẻ để dễ ngụy trang hoặc khi bị bắt thì chưa đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Có rất nhiều cách để những đối tượng buôn lậu sử dụng hòng qua mắt lực lượng chức năng như cho hàng vào túi nylon rồi dùng dây kéo qua biên giới hoặc thả trôi theo sông, kênh, rạch, sau đó điện báo đồng bọn đón nhận hàng. Hoặc tinh vi hơn, chúng giấu hàng trong các bao cỏ, lùm cây sau đó rời đi và thông báo địa điểm để đồng bọn đến nhận hàng mà không cần phải gặp nhau. Như vậy, bằng nhiều cách, hàng lậu cứ thế xâm nhập vào nội địa.
Đại tá Lý Kế Tùng - Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng (BĐBP) An Giang cho biết, lợi dụng đường phèn có cơ chế nhập khẩu, các đối tượng đã dùng đường cát để nấu đường phèn tại Campuchia sau đó chuyển về nước. Đường được vận chuyển bằng ghe và neo giữa sông, chỉ chờ lực lượng chức năng thiếu kiểm soát là tổ chức vận chuyển về Việt Nam vào ban đêm. Hành vi này diễn ra nhanh chóng khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát. Còn tại Kiên Giang, hàng lậu được trà trộn vào phương tiện tàu khách, chở hàng hóa để qua mặt lực lượng chức năng.
Để phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh An Giang yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các Đồn Biên phòng phải chịu trách nhiệm về kết quả đấu tranh chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thuộc địa bàn đơn vị quản lý cũng như các sai phạm, vi phạm trong đơn vị.