'Bắt mạch' buôn lậu ngày áp Tết: Nóng ran nội địa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trò chuyện với phóng viên Tiền Phong ông Bế Thái Hưng, Phó Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết, theo thông lệ, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tập trung và diễn biến phức tạp vào cuối năm. Hoạt động này đã trở nên nóng hơn bao giờ hết với nhiều âm mưu, thủ đoạn tinh vi, khó lường và đã phát sinh các hành vi chống đối, cản trở công tác đấu tranh, bắt giữ hàng hóa xuất nhập lậu.
'Bắt mạch' buôn lậu ngày áp Tết: Nóng ran nội địa ảnh 1

Hàng buôn lậu bị lực lượng chức năng Lạng Sơn tịch thu. Ảnh: Duy Chiến

Năm 2021, cũng ghi nhận diễn biến phức tạp chưa từng có về hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên tuyến đường sông Kỳ Cùng (một phía là Việt Nam, một phía là Trung Quốc) đoạn chảy qua tại khu vực cửa khẩu phụ Bình Nghi (huyện Tràng Định, Lạng Sơn). Tuy nhiên với sự quyết liệt của các đơn vị chức năng đã ngăn chặn, bắt giữ được nhiều vụ, dập tắt toàn bộ các dấu hiệu manh nha hình thành các điểm nóng, đường dây, ổ nhóm buôn lậu trên địa bàn.

“Trong khi làm nhiệm vụ chống buôn lậu ở khu vực kiểm hóa, bến bãi xung quanh cửa khẩu, lực lượng Hải quan luôn bị những đối tượng manh động chống đối, chúng sẵn sàng đánh trả lại lực lượng chức năng để cướp lại hàng.

Tinh vi gian lận thương mại

Theo báo cáo của cục Hải quan Lạng Sơn, tại một số cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, lực lượng Hải quan đã phát hiện, nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính sách thông thoáng trong thông quan điện tử để thực hiện các hành vi khai sai tên hàng, số lượng, chủng loại, mã số, xuất xứ để gian lận, trốn thuế. Nhằm trốn tránh trách nhiệm nếu bị phát hiện, các đối tượng buôn lậu còn thành lập nhiều công ty, ghi địa chỉ sai, doanh nghiệp không có bảng hiệu, thường xuyên thay đổi trụ sở.

“Trong năm 2021, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn phát hiện, xử lý 6.142 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm (bằng 125,35% so với cùng kỳ năm 2020, xử phạt hành chính 5.387vụ. Tổng số tiền xử lý gần 76 tỷ đồng”.

Trích Báo cáo của Ban chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn

Ông Nguyễn Tiến Bộ, Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc) cho biết thêm: Sau khi bị phát hiện gian lận, doanh nghiệp từ chối nhận hàng, không hợp tác với cơ quan Hải quan. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp còn thực hiện các hành vi như: Nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, nhập khẩu hàng không đúng với khai hải quan về chủng loại, số lượng, trị giá và hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu.

“Khi dịch COVID-19 phức tạp, nhu cầu sử dụng các thiết bị phòng, chống dịch tăng cao, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã lợi dụng để nhập khẩu các mặt hàng y tế “ngoài luồng” để kiếm lời. Vừa qua, Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã lật tẩy “chiêu thức” mà Công ty TNHH Ngọc Diệp (địa chỉ tại TP Lạng Sơn) thực hiện nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Theo hồ sơ, mặc dù khai báo Hải quan là nhập gần 6 tấn găng tay mới 100% để phục vụ công nhân trong các nhà máy, nhưng Công ty TNHH Ngọc Diệp lại nhập găng tay đã qua sử dụng, có xuất xứ Trung Quốc. Ngày 17/8, Hải quan Hữu Nghị đã kiểm tra thực tế 48 mục hàng nhập khẩu của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hoa Nam (Hà Nội), qua đó phát hiện 2 mục hàng gồm 1.272 đôi dép giả mạo nhãn hiệu BOSS, trị giá trên 50 triệu đồng”, ông Bộ nói.

Lá chắn trên huyết mạch quốc lộ 1A

'Bắt mạch' buôn lậu ngày áp Tết: Nóng ran nội địa ảnh 2

Lực lượng Hải quan Lạng Sơn nỗ lực kiểm tra, phát hiện nhiều vụ gian lận thương mại. Ảnh: Duy Chiến

Trạm Kiểm soát liên hợp Dốc Quýt án ngữ trên quốc lộ 1A, thuộc xã Phú Xá, huyện Cao Lộc. Nơi đây, được ví như là “yếu hầu” của công tác ngăn chặn buôn lậu từ khu vực biên giới về nội địa.

Ông Lành Văn Nghệ, Trạm trưởng trạm kiểm soát liên hợp Dốc Quýt (gọi tắt là trạm Dốc Quýt) cho biết: Phương tiện và hàng hóa nhập khẩu vận chuyển qua Trạm Dốc Quýt năm nay chủ yếu là các loại xe bồn, xe ben, đầu kéo, xe rơ moóc kéo, máy xúc lật, máy móc, thiết bị công nghiệp và một số hàng tiêu dùng khác.

“Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các đường mòn, lối tắt cơ bản được khép kín qua biên giới nên lượng hàng hóa nhập lậu nhỏ lẻ, số lượng ít. Hàng qua trạm Dốc Quýt chủ yếu là hàng tiêu dùng được nhập khẩu từ cửa khẩu Hữu Nghị vận chuyển về Tân Thanh, sau đó được các hộ kinh doanh mua lại để bán cho khách hàng và một số hàng hóa tiêu dùng khác được mua gom trôi nổi của các hộ kinh doanh ở khu vực chợ cửa khẩu Tân Thanh xuất hóa đơn bán hàng để vận chuyển về phía sau tiêu thụ. Số khác thì được du khách xé lẻ hàng tiêu dùng vào các túi, cặp đi ôtô khách qua trạm”, ông Nghệ cho biết thêm.

Theo ông Nghệ, lực lượng liên ngành tại trạm Dốc Quýt đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ, xây dựng cơ sở báo tin nhằm kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm đối với các phương tiện, đối tượng, hàng hóa có nguy cơ và dấu hiệu vi phạm pháp luật.

“Năm nay, các đối tượng buôn lậu đã tính toán để thực hiện bài bản, chặt chẽ, lắt léo khó lường, gây nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát. Ví như, gần đây, vào chập choạng tối có một đoàn gồm ba ôtô chở khách 16 chỗ dán kính đen đi khá chậm qua trạm. Theo “thông lệ”, đây là những xe thường được các đối tượng ngụy trang để vận chuyển hàng lậu từ biên giới vào sâu nội địa. Sau khi lực lượng cảnh sát giao thông của trạm ra tín hiệu dừng xe, đoàn xe này nhanh chóng đỗ vào lề đường để cơ quan chức năng kiểm tra, nhưng cả ba xe đều không có khách và không có hàng. Bằng kinh nghiệm dày dạn, các cán bộ của trạm đã kịp đón lõng chiếc ôtô Suzuki chở đầy khách và chiếc xe công-ten-nơ đi ngay sau đoàn xe 16 chỗ. Qua kiểm tra phát hiện, trên xe Suzuki chất kín hàng lậu dưới các gầm ghế và một lượng lớn nội tạng động vật bên trong xe công-ten-nơ. Tất cả số hàng hóa nêu trên đều không có hóa đơn chứng từ hợp lệ”, Trạm trưởng Dốc Quýt kể.

Báo cáo của trạm Dốc Quýt cho biết, trong năm 2021 đơn vị đã phát hiện hàng chục vụ buôn lậu, gian lận thương mại với trị giá hàng lên đến hàng tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng cục Quản lý Thị trường tỉnh Lạng Sơn cho biết, về gian lận thương mại vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ các đối tượng lợi dụng trong vận chuyển hàng hóa qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh, thương mại điện tử; gian lận số lượng, chủng loại qua nhập khẩu hàng hóa. Chính vì vậy, lực lượng chức năng không những nắm chắc địa bàn mà còn phải tinh thông nghiệp vụ, hiểu biết nhiều lĩnh vực, mới đủ sức ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật này.

MỚI - NÓNG