Thu giữ hàng nhập lậu ở cửa khẩu Chi Ma. Ảnh: Duy Chiến |
Không chủ quan
Chiều tối, thị sát vùng biên giới thuộc khu vực cửa khẩu Tân Thanh (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn), chúng tôi đi trên con đường nhỏ uốn lượn thẳng đứng ngược lên những quả núi đá vôi hiểm trở. Xung quanh là từng bụi lau lách trắng xóa. Hơi lạnh ở khí núi và tiết trời mùa đông từ phương Bắc phả lạnh buốt.
Đi cùng chúng tôi là cán bộ, chiến sỹ Biên phòng và Hải quan Tân Thanh hướng tới Đồi Cao (xã Tân Thanh), cách biên giới 600m, nơi từng là điểm nóng về vận chuyển hàng lậu, bởi các đối tượng chỉ cần ném hàng từ biên giới sang, có đội quân “cửu vạn” đón sẵn, sau đó vác xuống núi, ẩn nấp vào các nhà lán ven đường rồi nhanh chóng đưa vào nội địa.
Len qua nửa quả núi là tới khu vực Khe Choóng - nơi có mốc 1088/2. Điểm này bắt đầu từ con đường đấu nối cửa khẩu Tân Thanh sang Khả Phong (Trung Quốc). Để ngăn chặn buôn lậu, một tổ công tác được thành lập gồm lực lượng Hải Quan, Biên phòng xây dựng lán chốt ở những địa điểm nhạy cảm, phức tạp của tình hình xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới Việt- Trung. Lán này, có 3-4 cán bộ, chiến sỹ túc trực 24/24 giờ.
Tôi nhác thấy phía dưới thấy những đoàn xe ô tô trọng tải lớn nối đuôi nhau chầm chậm đi trên con đường nhỏ hướng về phía Bắc.
Anh Bế Thái Hưng, Phó Chi cục Hải quan Tân Thanh giải thích: Mấy tháng nay, phía Trung Quốc lo ngại dịch bệnh COVID-19 phức tạp nên đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người và hàng qua biên giới dẫn đến hàng thông quan chậm, ùn ứ. Còn tại khu vực đường mòn, đường “xương cá”, ngõ tắt, giữa ta và bạn đều tăng cường kiểm tra, khép chặt đường biên nhằm chống buôn lậu và người xâm nhập trái phép.
Hơn nửa tiếng leo bộ, chúng tôi lên tới vành đai biên giới. Trước mặt, phía Trung Quốc đã xây cột, dựng hàng rào dây thép gai cao khoảng 3,5m dài hàng km ngăn cách giữa hai nước.
Trên đường, chúng tôi không gặp đối tượng mang vác hàng nào, nhưng ven đường có các lều tạm bợ. Trước đây, các đối tượng vác hàng lậu thường dùng nơi đó để nghỉ chân.
“Thời gian trước, khi thiếu vắng lực lượng chức năng, vào đêm khuya, chủ cai hàng lậu sai đội quân cửu vạn mang vác hàng xuống núi với tốc độ rất nhanh và lẩn khuất vào rừng. Nếu bị động, chúng lăn hàng vào khe núi, xuống vực sâu tẩu tán rồi chạy ngược lên phía biên giới nên rất khó bắt giữ. Nhiều khi chỉ thu giữ được hàng vô chủ”, anh Bế Thái Hưng cho biết.
Theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, bây giờ khu vực này gần như không có hoạt động vận chuyển hàng lậu. Tuy nhiên, cũng có lúc, có nơi thi thoảng xuất hiện người nghiện ma túy, thất nghiệp liều lĩnh liên kết với kẻ xấu bên kia biên giới ném hàng nhỏ lẻ qua hàng rào dây thép gai.
“Anh biết tại sao vùng này lại vắng như vậy không? Vì ở đây có một lực lượng “chim lợn” (báo tin) rất hùng hậu. Họ theo dõi chúng tôi hàng ngày, hàng giờ. Hễ có tổ, đội lên biên giới là lập tức họ ngưng việc xuất nhập cảnh cũng như vận chuyển hàng lậu”, anh Hưng cho biết thêm.
Theo báo cáo của Chi cục Hải quan Tân Thanh, bằng sự nỗ lực, quyết liệt nên trong năm qua (tính từ đầu năm đến 7/12), đơn vị đã chặn bắt 247 vụ buôn lậu, tổng trị giá gần 4 tỷ đồng, trong đó có cả vụ bắt 40 kg pháo nổ nhập lậu từ Trung Quốc.
Buôn lậu “bóng chuyền”
|
Tại cửa khẩu Chi Ma (huyện Lộc Bình), lực lượng chức năng túc trực 24/24 giờ tại 17 lán, chốt ở các đường mòn lối tắt biên giới. Ngoài ra, Biên phòng cửa khẩu còn thành lập thêm tổ kiểm soát cơ động, tăng cường tuần tra ở những điểm mốc mà các đối tượng buôn lậu thường thực hiện vận chuyển hàng lậu.
Ở Chi Ma, các tổ chốt dã chiến được dựng trên những quả đồi lúp xúp, những cung đường nhạy cảm mà dân buôn lậu hay vác hàng qua. Nơi này, không nhiều núi cao như ở Tân Thanh nhưng lại là “túi gió” phương Bắc.
Chỉ tay về phía xa, Trung úy Dương Thanh Lương, sỹ quan công tác tại Đồn Biên phòng Chi Ma giới thiệu: Chúng tôi được biên chế vào tổ đội công tác tại lán dã chiến gần khu vực mốc 1246 thuộc thôn Bản Phải, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình. Trước đây, buôn lậu hoạt động khá rầm rộ vào dịp cuối năm. Thời điểm này, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới Chi Ma thoạt nhìn có vẻ yên ắng hơn so với những năm trước do không phát sinh điểm “nóng”, ít vụ việc có quy mô lớn.
Thiếu tá Nguyễn Đức Bính, Đồn trưởng Biên phòng Chi Ma cho biết thêm: Nói chung, tình hình mang vác hàng lậu qua khu vực đã giảm rất nhiều. Tuy nhiên, lợi dụng khi lực lượng chức năng thay đổi ca trực hoặc đi tuần biên giới thì một số kẻ xấu vẫn lén lút ném gói hàng nhỏ lẻ từ Trung Quốc sang để dân buôn lậu đón bắt rồi ôm vác đi về khu vực hẻo lánh, thâm nhập vào nội địa.
“Dân buôn lậu thường lôi kéo dân địa phương thông thuộc địa hình để tham gia vận chuyển hàng lậu và theo dõi các hoạt động chống buôn lậu của đơn vị. Chính vì vậy, chúng tôi cử tổ công tác tới các thôn bản tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân không, tiếp tay cho kẻ xấu; đồng thời lên kế hoạch đấu tranh. Kết quả, thời gian qua, Biên phòng Chi Ma đã chặn bắt thành công 46 vụ hàng hóa nhập lậu, thu giữ 1.785 kg nầm lợn, 1.260kg nguyên liệu thuốc bắc, 22.200 con gà con giống, 2.000 điếu thuốc lá điện tử cùng nhiều hàng hóa khác với tổng trị giá 972 triệu đồng”, Thiếu tá Dương Đức Bính cho biết.
(Còn nữa)
Kỳ sau: Nóng bỏng cuộc chiến tuyến nội địa