Vững vàng ải Bắc

0:00 / 0:00
0:00
TP - Thời tiết cuối đông chuẩn bị sang tiết xuân bỗng nhiên trời buốt giá. Trên chốt tiền tiêu biên giới, cán bộ, chiến sỹ đang đối mặt với những khó khăn, thử thách...
Vững vàng ải Bắc ảnh 1

Quân, dân tham gia bảo vệ cột mốc chủ quyền. Ảnh: Duy Chiến

Chúng tôi ngược núi đá vôi, theo con đường nhỏ men theo thớ đá lên sát biên giới Việt - Trung, nơi có cột mốc mang số 1099.

Thường niên, Trung ương Đoàn tổ chức các chuyến thăm, động viên và tặng quà cho tuổi trẻ, nhân dân với chương trình “Nghĩa tình biên giới”. Dịp này, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư trung ương Đoàn làm trưởng đoàn mong muốn được thử nghiệm trèo núi đến tận điểm giáp ranh biên giới hai nước Việt- Trung.

Lá chắn thép

Vững vàng ải Bắc ảnh 2

Đoàn cán bộ Trung ương Đoàn tặng quà, hỗ trợ cán bộ, chiến sỹ chốt 1099

Gần cột mốc chủ quyền số 1099, thuộc thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, có một lán dã chiến của lực lượng Biên phòng che bằng bạt nom khá cheo leo ở vị trí đắc địa cách biên giới chừng hơn trăm mét, án ngữ giữa con đường mòn nhỏ. Vị trí này từng là lối mòn để cánh cửu vạn vác hàng vượt biên vào nội địa về phía “tổng kho Hang Dơi” nổi tiếng ngày xưa.

Lán được lập từ khoảng 3 năm nay, kể từ khi bùng phát dịch COVID-19 nhằm ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh, buôn lậu trên đường mòn, đường “xương cá” khuất nẻo.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thắng vừa chuyển từ đồn Biên phòng Na Hình, huyện Văn Lãng đến nhận nhiệm vụ làm Trạm trưởng Biên phòng cửa khẩu Cốc Nam (thuộc đồn Biên phòng Tân Thanh, huyện Văn Lãng) mới có hai ngày. Tuy thế, anh rành rọt cho biết: Đơn vị quản lý 5,007 km đường biên với 21 cột mốc (gồm 15 cột mốc chính, 6 cột mốc phụ, trong đó có mốc 1099).

Nói đoạn anh Thắng dẫn chúng tôi đến thăm cột mốc 1099. Chúng tôi thấy giữa non cao, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc sừng sững nơi ải Bắc.

“Lán cơ động mang số hiệu của cột mốc là 1099. Nơi đây, thường xuyên có 3,4 cán bộ chiến sỹ túc trực 24/24 giờ, tất cả đều ăn nghỉ tại chỗ. Như các anh đã biết, thời tiết nơi đầu sóng, ngọn gió này rất khắc nghiệt. Mùa hè nóng như đổ lửa, leo núi chừng 20 phút đã toát mồ hôi. Mùa đông thì buốt giá kèm mưa phùn, lạnh cóng”, Thiếu tá Thắng dẫn chúng tôi ngược về lán dã chiến ngồi nghỉ rồi giới thiệu.

Chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện với những người lính còn trẻ mang quân hàm binh nhất đang gùi nước từ chân núi lên, mỗi ngày cũng phải cần đến 2,3 can nước để nấu cơm, rửa mặt, tắm giặt. Mùa đông đỡ tốn nước hơn, nhưng lại mất nhiều củi hoặc ga khi bếp mini gần hết nhiên liệu để nấu nước tắm.

Binh nhất Hoàng Đức mới tham gia lực lượng Biên phòng hơn một năm nay và ngần đấy thời gian anh có mặt tại điểm chốt 1099. Đức kể: “Khi màn đêm buông xuống, gió rét từ phương bắc ập về. Mây mù và khí núi phả lạnh cắt da, cắt thịt. Từng ngày, từng giờ chúng tôi phải cố gắng thích nghi".

Vượt khó

Vững vàng ải Bắc ảnh 3

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Thắng, Trạm trưởng Biên phòng Cốc Nam tự hào giới thiệu về

cột mốc chủ quyền. Ảnh: Duy Chiến

Tôi nhác thấy một người trẻ tuổi nhưng lại mang quân hàm màu đỏ trên ve áo. Đó là Binh nhất Nông Văn Diễn thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn. Từ ngày 19/5, anh cùng đồng đội được cấp trên điều đến nơi đây để tham gia phòng chống dịch COVID-19 theo chương trình phối hợp giữa Bộ chỉ huy Biên phòng và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn.

Anh Diễn tâm sự, để khắc phục khó khăn trong sinh hoạt, anh em ở chốt tiền tiêu bàn nhau kiếm thùng xốp mang lên lán để trồng rau cải thiện đời sống. Với bốn thùng xốp như vậy, hàng ngày cũng đủ rau tươi để ăn như: hành, xà lách, cải làn, rau mùi tàu…

Thiếu tá Thắng cho biết: Gần đây, do lực lượng chức năng hai bên biên giới phối hợp tăng cường kiểm soát chặt nên không còn hiện tượng buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép trên địa bàn. Tuy vậy, anh em vẫn nêu cao cảnh giác, thường xuyên cắt cử tổ, đội tuần tra đường biên, mốc giới. Đề phòng xấu là công dân từ vùng có dịch COVID-19 ở nước ngoài vượt biên vào nội địa Việt Nam.

Nghe báo cáo, anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn xúc động. Anh cho biết, đã hơn 12 năm nay, anh gắn bó với chương trình “Nghĩa tình biên giới”, nhưng đến địa đầu Tổ quốc ở xứ Lạng, lần này anh thực sự cảm phục trước ý chí kiên cường, bền bỉ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách của những người lính trẻ tuyến đầu.

“Các đồng chí thực sự là những người mình đồng, da sắt, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên giới, phòng chống đại dịch COVID-19. Đó là sứ mệnh thiêng liêng, thực hiện trọng trách “phên dậu” của đất nước", anh Lương chia sẻ.

Nhận những món quà ý nghĩa của các cấp bộ Đoàn, cán bộ, chiến sỹ đang nhiệm vụ tại điểm cao 1099 như tiếp thêm sức mạnh.

Chị Đinh Thị Anh Thư, Bí thư Tỉnh Đoàn Lạng Sơn nhận xét: Điều kiện công tác, sinh hoạt còn nhiều khó khăn, nhưng những người lính nơi biên cương vẫn lạc quan, yêu đời, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. Tuổi trẻ các dân tộc tỉnh Lạng Sơn luôn cùng các anh giữ vững tuyến biên giới an toàn, vững mạnh.

Tại mốc 1099, anh Nguyễn Ngọc Lương thay mặt Trung ương Đoàn trao tặng 500 chiếc khẩu trang, 5 chăn ấm, 2 quạt sưởi, góp phần cho tổ, chốt dã chiến đồn Biên phòng Tân Thanh, Lạng Sơn vững vàng trên tuyến biên giới.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.