Theo Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), thu ngân sách nhà nước tới hết tháng 11, ước đạt 1,38 triệu tỷ đồng, vượt hơn 3% so với dự toán và tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số thu vượt kế hoạch chủ yếu ở ngân sách địa phương, với số vượt thu trên 9%, trong khi ngân sách trung ương mới đạt 98,5% dự toán cả năm.
Trong đó, thu nội địa 11 tháng ước đạt trên 1,13 triệu tỷ đồng, vượt nhẹ dự toán cả năm và tăng 6% so với cùng kỳ. Có 8/12 khoản thu nội địa đã cơ bản đạt và vượt kế hoạch, gồm: Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, thuế thu nhập cá nhân, thu thuế nhà và đất, thu cấp quyền khai thác khoáng sản, thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản, một số khoản thu khác.
Các khoản thu chưa đạt kế hoạch, gồm: Từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động xổ số, thuế bảo vệ môi trường, các loại phí và lệ phí...
Các khoản thu tăng cao khác như dầu thô (vượt 64% kế hoạch), thuế xuất nhập khẩu (vượt 18% dự toán).
Bộ Tài chính lý giải, số thu tháng 11 đạt khả quan nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi, sau giai đoạn ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4. Bên cạnh đó, các khoản thuế, tiền thuê đất gia hạn trong các tháng trước đó đã tới kỳ thu hồi.
Ước tính có 55/63 địa phương thu nội địa 11 tháng đảm bảo tiến độ dự toán (đạt trên 90%).
Về chi ngân sách, trong 11 tháng qua, tổng chi ước đạt 75,2% dự toán cả năm. Trong đó, sát tiến độ nhất là chi thường xuyên (hơn 84% dự toán), trong khi chi đầu tư phát triển mới đạt hơn 63% kế hoạch (vẫn còn 3 cơ quan chưa giải ngân đồng vốn kế hoạch nào dù chỉ còn 1 tháng là hết năm: Ủy ban dân tộc, Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật).
Với hoạt động phòng chống dịch, trong 11 tháng qua, ngân sách đã chi trên 56,2 nghìn tỷ đồng, trong đó hỗ trợ người dân gặp khó khăn gần 22 nghìn tỷ đồng. Trung ương đã chi trên 25 nghìn tỷ đồng mua vắc xin và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh.
Tới nay, Quỹ vắc xin phòng COVID-19 đã chi trên 7,94 nghìn tỷ đồng để mua và tài trợ nghiên cứu vắc xin, số tiền quỹ kết dư chỉ còn hơn 1.200 tỷ đồng.
Ngân sách nhà nước bội thu, nhưng chủ yếu tập trung ở ngân sách địa phương, còn ngân sách trung ương vẫn bội chi. Tính đến ngày 26/11, trái phiếu Chính phủ đã phát hành thu về 288 nghìn tỷ đồng, kỳ hạn hơn trên 13 năm, lãi suất bình quân còn 2,2%/năm.