Trong 3 nhóm thu chính vào ngân sách, thu từ dầu thô và thuế xuất nhập khẩu tới nay đã vượt dự toán cả năm. Riêng thu nội địa mới bằng 88% dự toán, do ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước bị gián đoạn và các chính sách giảm thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Thông tin thêm tại cuộc họp công tác tháng 11 của Bộ Tài chính vừa diễn ra, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết, tổng thu ngân sách ngành thuế quản lý trong tháng vừa qua đạt 121.482 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với tháng 9. Lý giải về số thu tăng mạnh trong tháng 10, theo ông Tuấn, dịch COVID-19 dần được kiểm soát trên toàn quốc nên hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, đi lại bắt đầu phục hồi, đặc biệt các địa phương trọng điểm về kinh tế như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội… (những địa phương này chiếm phần lớn số thu ngân sách). Bên cạnh đó, ngân sách đã thu hồi khoảng 20.000 tỷ đồng từ số thuế, tiền thuê đất hết thời gian gia hạn; số thu phát sinh tăng cao (riêng thu thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ trong tháng 10 tăng hơn gấp đôi so với 2 tháng trước đó)…
Số thu thuế năm nay cũng hưởng lợi một phần từ dư địa từ kinh tế phục hồi những tháng cuối năm 2020 (nhưng nộp ngân sách trong đầu năm 2021). Trong đó, một số ngành tăng trưởng nóng giúp số tiền nộp ngân sách tăng mạnh, như: Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, sản xuất lắp ráp ô tô... Cũng theo ông Tuấn, ngành thuế cũng tăng cường các hoạt động chống thất thu, như qua hoạt động thanh kiểm tra thuế đã kiến nghị xử lý hơn 36.900 tỷ đồng; thu hồi nợ đọng trên 23.100 tỷ đồng; tăng thu từ hoạt động thương mại điện tử, nội dung số, sản xuất phần mềm…
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, ngành tài chính đã chủ động tham mưu, đề xuất Chính phủ nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, như miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất… Trong 2 tháng cuối năm, ông Phớc khẳng định, ngành tài chính phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao.