Theo Reuters, những người phản đối đảo chính đã tuần hành trở lại hôm thứ Hai ở Mandalay và thị trấn Myingyan.
“Họ bắn về phía chúng tôi”, một người biểu tình 18 tuổi ở Myingyan nói. “Một cô gái bị bắn vào đầu và một cậu bé bị bắn vào mặt ... Tôi nghe nói rằng họ đã chết.”
Quân đội Myanmar hiện chưa xác nhận thông tin này.
Người biểu tình vẫn xuống đường bất chấp việc chính quyền sử dụng bạo lực để đàn áp. Ít nhất 38 người biểu tình và một cảnh sát đã thiệt mạng hôm Chủ nhật, 14/3, ngày đẫm máu nhất ở Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính.
Một người bị thương ngày 14/3 khi cảnh sát nổ súng về phía người biểu tình. Ảnh: Reuters
Các cuộc đốt phá nhằm vào nhà máy Trung Quốc hôm Chủ nhật đã khiến Bắc Kinh phải mạnh mẽ lên tiếng phản đối.
Đại sứ quán Trung Quốc cho biết nhiều công nhân nước này đã bị thương và mắc kẹt trong các nhà máy. Bắc Kinh kêu gọi các tướng lĩnh cầm quyền của Myanmar chấm dứt bạo lực, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của Trung Quốc.
Nhật Bản – quốc gia từ lâu đã cạnh tranh ảnh hưởng ở Myanmar với Trung Quốc, cho biết đang theo dõi tình hình và xem xét các biện pháp ứng phó về kinh tế.
Trong một nỗ lực rõ ràng để ngăn chặn tin tức về tình trạng hỗn loạn, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã được lệnh chặn toàn bộ dữ liệu di động trên toàn quốc, hai nguồn tin am hiểu về vấn đề này cho biết. Telecom Telenor cho biết trong một tuyên bố rằng "Internet di động không khả dụng".
Trong một diễn biến liên quan, bà Aung San Suu Kyi – cựu Cố vấn Nhà nước Myanmar, người đứng đầu chính phủ dân sự sẽ trở lại tòa hôm nay, 15/3. Bà Suu Kyi đối mặt với ít nhất 4 tội danh, bao gồm sử dụng bộ đàm nhập khẩu bất hợp pháp, và vi phạm quy định phòng dịch COVID-19.