Bắc Kinh yêu cầu Myanmar bảo vệ công dân Trung Quốc sau vụ đốt phá nhà máy

0:00 / 0:00
0:00
Người biểu tình ở Mandalay dùng súng cao su đáp trả cảnh sát. Ảnh: Reuters
Người biểu tình ở Mandalay dùng súng cao su đáp trả cảnh sát. Ảnh: Reuters
TPO - Lực lượng an ninh đã khiến ít nhất 22 người biểu tình thiệt mạng ở khu công nghiệp ngoại ô Hlaingthaya (thành phố Yangon) sau khi các nhà máy Trung Quốc bị phóng hỏa.

Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết ngoài 22 người biểu tình nói trên, còn 16 người thiệt mạng ở nhiều nơi khác, bao gồm cả Mandalay và Bago.

Truyền hình nhà nước MRTV đưa tin một cảnh sát đã thiệt mạng vì vết thương ở ngực sau khi đối đầu với người biểu tình.

Với tổng cộng 39 người tử vong, 14/3 đã trở thành ngày đẫm máu nhất kể từ sau cuộc đảo chính ngày 1/2.

Tổng số người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình đến thời điểm hiện tại là 126 người, theo AAPP. Hơn 2.150 người đã bị giam giữ, và hơn 300 người đã được trả tự do.

Bắc Kinh yêu cầu Myanmar bảo vệ công dân Trung Quốc sau vụ đốt phá nhà máy ảnh 1

Cuộc biểu tình ở Yangon ngày 14/3. Ảnh: Reuters

Bắc Kinh yêu cầu Myanmar bảo vệ công dân Trung Quốc sau vụ đốt phá nhà máy ảnh 2

Một người trúng đạn ở Mandalay ngày 14/3. Ảnh: Reuters

Truyền thông địa phương đưa tin khi phát hiện khói bốc lên từ khu công nghiệp ở Hlaingthaya ngày 14/3, lực lượng an ninh đã nổ súng về phía những người biểu tình.

Đài truyền hình Myawadday của quân đội cho biết lực lượng an ninh đã “hành động sau khi bốn nhà máy may mặc và một nhà máy phân bón bốc cháy, trong khi khoảng 2.000 người ngăn xe chữa cháy tiếp cận hiện trường”.

Lệnh thiết quân luật cũng đã được ban bố ở Hlaingthaya và một quận khác của Yangon.

Quân đội hiện chưa bình luận về vụ việc này.

Theo Đại sứ quán Trung Quốc, nhiều công nhân nước này đã bị thương và mắc kẹt trong cuộc đốt phá của những kẻ tấn công không rõ danh tính nhằm vào các nhà máy may mặc ở Hlaingthaya. Tình hình “đang rất nghiêm trọng”, Đại sứ quán Trung Quốc nhấn mạnh.

Bắc Kinh kêu gọi Myanmar “thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn nữa để ngăn chặn mọi hành vi bạo lực, trừng phạt thủ phạm của các vụ tấn công theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn tính mạng và tải sản cho các công nhân Trung Quốc tại Myanmar”.

Hiện chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ việc.

Cùng lúc đó, trang Facebook của đại sứ quán bị “tấn công” bởi những lời bình luận tiêu cực bằng tiếng Myanmar.

Theo Theo Reuters
MỚI - NÓNG