Hai bộ trưởng Mỹ đi xây 'năng lực răn đe' ở châu Á

0:00 / 0:00
0:00
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Ảnh: Yonhap
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Ảnh: Yonhap
TP - Những mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên sẽ là trọng tâm của chuyến công du đầu tiên của hai thành viên nội các Mỹ trong tuần này, nhằm triển khai nỗ lực tăng cường ảnh hưởng của Mỹ và trấn an đồng minh về vai trò của Washington ở châu Á. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ cùng thăm Nhật Bản và Hàn Quốc trong chuyến đi 4 ngày bắt đầu từ 15/3. Sau đó, ông Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan sẽ gặp hai quan chức ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc tại Alaska, còn ông Austin sẽ thăm Ấn Độ.

Ngày 13/3, ông Austin nói rằng, chuyến đi châu Á của ông là để thúc đẩy hợp tác quân sự với các đồng minh của Mỹ và xây dựng “năng lực răn đe đáng tin cậy” nhằm chống lại Trung Quốc. Ông Austin sẽ đi qua Hawaii, nơi đặt bộ chỉ huy Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ.

“Chuyến đi này đều vì các quan hệ liên minh và đối tác”, AP dẫn lời ông Austin nói với báo giới về các cuộc gặp của ông ở Tokyo, Seoul và New Delhi. “Mục tiêu của chúng tôi là bảo đảm rằng chúng ta có đủ năng lực và kế hoạch hành động… để có thể tạo nên năng lực răn đe đáng tin cậy trước Trung Quốc hay bất kỳ ai muốn đối đầu với Mỹ”, ông Austin nói.

Chuyến công du đầu tiên của hai quan chức Mỹ là nhằm khôi phục quan hệ với Tokyo và Seoul sau 4 năm chính quyền Trump thực hiện cách làm mang tính chất giao dịch và thất thường. Bên cạnh đó, hai bộ trưởng Mỹ sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác với các đồng minh nhằm đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết liệt, mối đe dọa hạt nhân dai dẳng từ Triều Tiên và đại dịch COVID-19.

Khởi đầu mới

Cuộc gặp ở Alaska sẽ là tiếp xúc cấp cao đầu tiên giữa hai siêu cường kể từ khi ông Dương Khiết Trì gặp người tiền nhiệm của ông Blinken tại Hawaii. Một số nhà quan sát Trung Quốc nói rằng cuộc gặp lần này khó có thể dẫn đến bước đột phá ngoại giao nào, nhưng sẽ là khởi đầu cho những đối thoại giữa hai bên trong tương lai.

Tuần trước, ông Blinken bác bỏ phát biểu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng cuộc gặp tới sẽ là “đối thoại chiến lược”. Ngoại trưởng Mỹ nói “ở thời điểm này (Mỹ) chưa có ý định tiến hành các hoạt động trao đổi tiếp nối”.

Báo South China Morning post (SCMP) dẫn lời ông Pang Zhongying, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH Hải Dương Trung Quốc, cho rằng Washington đang gửi tín hiệu rằng quan hệ song phương với Bắc Kinh sẽ không trở lại như thời George W. Bush và Barack Obama, dù Trung Quốc muốn đưa mọi thứ “trở về quỹ đạo”.

Ông Pang nói rằng, đối thoại chiến lược đã là “chuyện của ngày hôm qua”, nhưng việc hai bên tổ chức được cuộc gặp cấp cao chỉ 50 ngày sau khi ông Biden lên cầm quyền cho thấy “một chút thiện chí từ phía Mỹ khi mời các quan chức Trung Quốc đến Mỹ và gặp nhau ở Alaska”.

Theo ông Pang, việc Tổng thống Biden vừa có cuộc gặp thượng đỉnh với các lãnh đạo Nhật, Úc, Ấn Độ và chuyến công du của châu Á của hai ông Blinken và Austin cho thấy Washington đang theo đuổi cách làm ngoại giao khéo léo, “giăng lưới trên bẫy dưới” với Trung Quốc, đồng thời Washington cũng rất thẳng thắn khi khẳng định quan hệ với Bắc Kinh sẽ bao gồm cả đối đầu, cạnh tranh và hợp tác.

Ông Ren Xiao, giám đốc Trung tâm chính sách đối ngoại Trung Quốc tại ĐH Phúc Đán, nói rằng Mỹ và Trung Quốc cần trao đổi trực tiếp để ngăn ngừa hiểu nhầm và khắc phục nhận thức sai. “Tôi không nghĩ cuộc gặp có thể giải quyết những vấn đề cụ thể… Có nhiều vấn đề cần thảo luận thêm tại nhiều cuộc gặp vì liên quan đến nhiều bộ ngành, và những cuộc gặp đó cần được giải quyết dần dần trong 4 năm tới”, ông Ren nói.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuần trước nói điều quan trọng là cuộc gặp phải diễn ra trên đất Mỹ, và phía Mỹ sẽ nêu quan ngại về các vấn đề Đài Loan, Hong Kong, sự thiếu minh bạch về COVID-19 và nhân quyền, đồng thời thảo luận cách hai nước có thể làm việc với nhau.

Theo ông Pang, việc Tổng thống Biden vừa có cuộc gặp thượng đỉnh với các lãnh đạo Nhật, Úc, Ấn Độ và chuyến công du của châu Á của hai ông Blinken và Austin cho thấy Washington đang theo đuổi cách làm ngoại giao khéo léo, “giăng lưới trên bẫy dưới” với Trung Quốc.

MỚI - NÓNG