Phép thử lớn nhất của chính quyền ông Biden

0:00 / 0:00
0:00
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken
TP - Tân ngoại trưởng Mỹ vừa đọc phát biểu đầu tiên khá rắn về Trung Quốc (TQ). Ông coi nước này là “phép thử địa chính trị lớn nhất”. Có cảm giác chính sách đối đầu với TQ không dễ thay bất chấp chính quyền Biden tuyên bố sẽ xóa các tiếp cận cứng rắn của chính quyền Trump.

Ngoại trưởng Mỹ Antonny Bliken hôm Thứ tư tuyên bố cạnh tranh Mỹ-Trung là thách thức địa chính trị lớn nhất thế kỷ 21. Nhận định này được làm rõ hơn trong một tài liệu 24 trang về chính sách an ninh quốc gia của chính quyền Biden. Tài liệu được công bố cùng ngày xác định TQ “là đối thủ cạnh tranh duy nhất tiềm tàng khả năng kết hợp các sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự, và công nghệ để làm dấy lên mối đe dọa dai dẳng” cho toàn cầu.

Các cáo buộc này có vẻ trái với nhận định của nhiều nhà quan sát. Tại một diễn đàn ở Singapore đầu tháng 1, giáo sư Dong Wang, Giám đốc Viện Hợp tác Toàn cầu thuộc Đại học Bắc Kinh, nói Tổng thống Biden sẽ mở cơ hội để Mỹ-Trung cải thiện quan hệ. Cũng tại diễn đàn, tiến sỹ Zack Cooper thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ tố cáo Trump đã gây tổn thất rất lớn đến vị thế của Mỹ. Còn tạp chí Bình luận Trung Quốc số tháng 1/2021 tiên đoán “dập tắt các mầm mống do Trump tạo ra là ưu tiên một trong thời gian đầu nắm quyền” của Tổng thống Biden.

Nhưng chỉ hơn hai tuần sau lễ nhậm chức, chủ nhân Nhà Trắng đã cảnh báo “tham vọng ngày càng tăng của TQ”. Trong diễn văn đầu tiên đọc ở Bộ Ngoại giao ngày 4/2, ông nói Mỹ “sẽ giải quyết trực tiếp các đe dọa nhằm vào các giá trị an ninh, thịnh vượng và dân chủ đến từ đối thủ cạnh tranh lớn nhất của chúng ta”. Không chỉ thế, Mỹ còn phải “đối phó những hành vi lạm dụng kinh tế của TQ, chống lại hành vi hung hăng của họ”.

Reuters cho rằng Biden sẽ dựa vào các liên minh nhưng vẫn “tiếp tục chủ yếu dựa trên cách tiếp cận cứng rắn của Trump đối với TQ”. Ngoại trưởng Mỹ nhắc đến loạt đối thủ Nga, Iran, rồi Triều Tiên nhưng “thách thức do TQ đặt ra lại khác”. Duy nhất TQ được gọi tên trong tám hoạt động đối ngoại ưu tiên. Mỹ muốn đối thoại với TQ nhưng phải “trên thế mạnh”.

“Thế mạnh” mà Washington muốn giành trong “phép thử địa chính trị lớn nhất” khiến Biden khó có thể mềm với TQ hơn Trump. Về ngôn từ, đối sách sẽ là đan xen “cạnh tranh nếu lành mạnh”, “hợp tác khi có thể" và "đối kháng nếu cần thiết". Nhưng về hành động, khó mà thoát khỏi cái bóng của mục tiêu “Mỹ trên hết” cho dù khẩu hiệu ấy nay được đổi thành “Đưa Mỹ quay lại” với thế giới.

MỚI - NÓNG