18 người biểu tình thiệt mạng trong ngày chết chóc nhất ở Myanmar

0:00 / 0:00
0:00
Đám đông vây quanh một người biểu tình bị thương ở Hlaing Tharyar ngày 14/3. (Ảnh: AP)
Đám đông vây quanh một người biểu tình bị thương ở Hlaing Tharyar ngày 14/3. (Ảnh: AP)
TPO - Từ cuối ngày 14/3, chính quyền quân đội Myanmar áp thiết quân luật ở 2 thị xã đông dân của TP Yangon sau khi 18 người biểu tình thiệt mạng, đánh dấu ngày chết chóc nhất kể từ khi diễn ra phong trào phản đối đảo chính.

Con số thiệt mạng trong ngày hôm qua nâng tổng số người biểu tình chết trong làn sóng ủng hộ nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi lên khoảng 100, dù các nhà hoạt động và nhóm đấu tranh cho rằng con số thực tế có thể cao hơn. 

Báo chí nhà nước Myanmar chiều qua thông báo hai thị xã Hlaing Tharyar và Shwepyitha sẽ bị đặt dưới thiết quân luật. Đây là hai nơi tập trung các nhà máy sản xuất và may mặc.

Trong những tuần gần đây, quân đội và cảnh sát Myanmar dùng hơi cay, đạn cao su và cả đạn thật để tiến hành hoạt động truy quét gần như mỗi ngày để dẹp người biểu tình.

Tại thị xã Hlaing Tharyar, cảnh sát và binh lính hôm qua đối đầu dữ dội với người biểu tình sử dụng gậy gộc và dao, ẩn nấp sau những lá chắn tạm thời. 

Người biểu tình cắt thùng rác ra làm lá chắn để giải cứu những người bị thương vì súng đạn của lực lượng an ninh. 

Người dân ẩn náu trong nhà nghe thấy tiếng súng nổ suốt cả ngày, trong khi các xe tải quân sự kiện diện khắp những con phố đầy khói. 

Phái viên Liên Hợp quốc tại Myanmar chỉ trích mạnh mẽ tình trạng đổ máu, kêu gọi cộng đồng quốc tế, “bao gồm các nhân tố khu vực, phải đoàn kết với nhân dân Myanmar và nguyện vọng dân chủ của họ”. 

Phái viên Christine Schraner Burgener nói trong tuyên bố rằng bà đã nghe “những câu chuyện đau lòng về việc giết người, đối xử thô bạo với người biểu tình và tra tấn tù nhân” từ những đầu mối thông tin của bà ở Myanmar. 

Vài giờ sau khi bạo lực  bùng phát ở Hlaing Tharyar, một cảnh sát đăng lên TikTok video nói rằng lực lượng an ninh sẽ mang vũ khí hạng nặng đến thị xã này. “Tôi sẽ không tiếc thương Hlaing Tharyar và họ cũng sẽ chống trả dữ dội vì ở đây có đủ loại người”, sĩ quan nói trong video đăng trên tài khoản @aungthuraphyo40. “Chúng ta không nên thương tiếc họ”, viên cảnh sát nói. Nhưng vài giờ sau, video này bị xoá. 

Báo chí nhà nước nói rằng 5 nhà xưởng ở thị xã tập trung các nhà máy may mặc này đã bị san bằng.

Trong số các nhà xưởng bị đốt cháy có nhà xưởng của người Trung Quốc, Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cho biết. Trong tuyên bố đăng trên Facebook, Đại sứ quán Trung Quốc lên án hành động của “những kẻ phá phách”. 

Tuyên bố cũng “thúc giục cảnh sát địa phương bảo đảm an ninh cho các doanh nghiệp và người Trung Quốc”.

Bất chấp hành động mạnh tay của chính quyền, phong trào biểu tình phản đối đảo chính vẫn diễn ra mạnh mẽ trên khắp Myanmar.

Theo Theo AP
MỚI - NÓNG