Bất an trường mầm non

Giờ ăn của trẻ tại một trường mầm non ở quận Long Biên - Hà Nội (ảnh minh họa, không phải nhân vật trong bài). Ảnh: Hồng Vĩnh
Giờ ăn của trẻ tại một trường mầm non ở quận Long Biên - Hà Nội (ảnh minh họa, không phải nhân vật trong bài). Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Hàng ngày 4,8 triệu trẻ trên toàn quốc đang đối mặt với nhiều nguy cơ mất an toàn như: thực phẩm bẩn, tai nạn thương tích. Trong khi đó, nhiều tồn tại chậm được ngành giáo dục khắc phục.

Chạy theo lợi nhuận

Phát biểu tại Hội nghị do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 8/4, đại diện Phòng GD&ĐT thị xã Dĩ An khẳng định, để xảy ra tình trạng mất an toàn cho trẻ mầm non vì một số cơ cở mầm non thiếu ý thức, chạy theo lợi nhuận chưa quan tâm đến chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Trong khi các bậc cha mẹ phải chạy theo công việc, phó mặc việc giáo dục, chăm sóc trẻ hoặc quá tin tưởng vào cơ sở mà mình gửi con em. Thị xã Dĩ An có 10 trường mầm non, mẫu giáo công lập, 81 cơ sở mầm non ngoài công lập, 21 cơ sở là nhóm trẻ gia đình. Tính chung tỷ lệ trẻ đang theo học các cơ sở mầm non ngoài công lập chiếm tới 74,5%, trẻ học trường công lập chỉ chiếm 25,5%.

Bộ GD&ĐT cho hay, cả nước hiện có 4,8 triệu trẻ em từ 3 tháng đến 6 tuổi được huy động đến trường mầm non. Trẻ mầm non hiếu động, thích khám phá thế giới xung quanh tuy nhiên chưa biết cách bảo vệ bản thân nên dễ gặp tai nạn thương tích. Việc chăm sóc trẻ không đúng phương pháp cũng dễ gây sang chấn tâm lý ảnh hưởng đến suốt cuộc đời của trẻ. Trên thực tiễn, hệ thống cơ sở giáo dục mầm non công lập không đáp ứng được nhu cầu của trẻ nên cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập mọc lên như nấm. Tuy nhiên, ở các cơ sở mầm non tư thục, đặc biệt các nhóm lớp cơ sở vật chất chưa đảm bảo, chủ cơ sở không có chuyên môn sư phạm để quản lý được xác định là nguy cơ tiềm ẩn khiến trẻ mất an toàn.

Riêng TP Hồ Chí Minh hiện có 1.006 trường, trong đó công lập 431 trường. Thành phố có 1.551 nhóm lớp, trong đó còn 121 nhóm lớp chưa được cấp phép và 485 hộ gia đình giữ trẻ. Theo khảo sát của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, khi tiến hành khảo sát nhiều cơ sở mầm non, đặc biệt cơ sở tư thục còn tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ không an toàn cho trẻ như: để chất tẩy rửa ngang tầm tay trẻ, ổ cắm điện ở tầm thấp, để xô chậu chứa nước, tủ bàn ghế bố trí chưa hợp lý…

Bà Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết một thực trạng, khi kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non, nhiều nơi vẫn đưa ra được chứng chỉ quản lý giáo dục nhưng khi đưa phiếu hỏi điều tra thì nhận được câu trả lời là... không biết chữ. Hóa ra, lâu nay họ lập cơ sở mầm non nhưng đi mua chứng chỉ và thuê người quản lý. Theo bà Trinh: “Điều đó cho thấy, đằng sau mấy tấm chứng chỉ mầm non có rất nhiều vấn đề. Nếu để những người không có hiểu biết quản lý cơ sở mầm non thì trẻ bị bạo hành sẽ là nguy cơ cao”.

Gần 60% giáo viên mầm non bị stress

Bên cạnh những yếu kém về năng lực giáo viên và cơ sở vật chất tại hầu hết các địa phương, theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ mất an toàn còn có nguồn gốc từ chính sức khỏe thể chất và tinh thần của chính các thầy cô giáo, những người hàng ngày chăm sóc và nuôi dạy trẻ. Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng T.Ư thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, không phải cứ gây thương tích như đánh đập, bị ngã mới để lại hậu quả mà trẻ bị cưỡng ép bất cứ điều gì cũng gây căng thẳng, sang chấn tâm lý. Theo bà Kim Anh, nếu một giáo viên được đào tạo bài bản, có kỹ năng sẽ không lựa chọn phương pháp bạo hành để giải quyết tình huống. Vì thế, việc tuyển chọn giáo viên trong các trường mầm non cần đưa ra các tiêu chí khắt khe hơn.

Bà Kim Anh cũng dẫn số liệu nghiên cứu của TS Nguyễn Mạnh Hà (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong một điều tra mới đây trên 333 giáo viên cho thấy 90,3% bị stress nghề nghiệp. Khảo sát tại thị xã La Gi (Bình Thuận) kết quả có tới 59,8% giáo viên mầm non bị stress nghề nghiệp. Độ tuổi từ 40-49 là nhóm có nguy cơ mắc stress trầm trọng nhất. Theo bà Kim Anh, tỷ lệ giáo viên mầm non đối mặt với stress cao hơn những người làm ở ngành nghề khác. Trong quá trình chăm sóc trẻ, giáo viên gặp nhiều tình huống như: nôn ói, không chịu xúc thức ăn, nói chuyện và ngậm, giả bộ đi vệ sinh... rất dễ gây ức chế cho giáo viên. Trong trường hợp này, trẻ có quyền được “nghỉ ăn”. Tuy nhiên, nếu không có kỹ năng hoặc vì áp lực tăng cân, nhiều giáo viên sẽ ép bằng mọi cách để trẻ ăn hết suất.

TS Nguyễn Tùng Lâm (Hội tâm lý giáo dục Hà Nội) cho rằng đa số trẻ bị bạo hành bởi chính giáo viên. Nguyên nhân được xác định là do giáo viên mầm non bị quá nhiều áp lực về thời gian, cường độ chăm sóc trẻ dẫn đến lúng túng và làm bừa. Đặc biệt ở các nhóm lớp tư thục, chủ nhóm chạy theo lợi nhuận, không tuyển chọn giáo viên kỹ càng trong khi lương giáo viên thấp khiến họ không có động lực làm việc.

Buông lỏng quản lý

Phó Chủ tịch UBND phường Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) Nguyễn Thị Thu cho rằng, quy định chủ nhóm trẻ chỉ cần học hết THPT và có chứng chỉ nghề học trong 3 tháng là quá dễ dãi! Với quy định này, người không qua trường lớp đào tạo cũng có thể làm quản lý, không có trình độ, nghiệp vụ sư phạm. Khi làm việc, nhiều chủ cơ sở phó mặc cho giáo viên dạy trẻ là nguy cơ trẻ dễ bị bạo hành. Theo bà Thu, mặc dù biết là vậy nhưng khi kiểm tra các cơ sở xuất trình đủ giấy tờ pháp lý nên không có lý do để xử phạt. Bà Thu cũng kiến nghị, cần có chế tài siết chặt quản lý cơ sở mầm non tư thục, nếu không sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.

Bất an trường mầm non ảnh 1

Cơ sở mầm non tư thục Sao Tuổi Thơ  (Hà Đông, Hà Nội) đóng cửa sau vụ cháu L.V.T tử vong do mắc dây chuyền đeo cổ vào khóa tủ đựng đồ dẫn đến ngạt thở hôm 27/3.

Trung tâm nghiên cứu giáo dục mầm non (Viện Khoa học giáo dục) công bố thông tin: Năm 2015 Trung tâm này khảo sát thực trạng hoạt động và quản lý nhóm trẻ độc lập tư thục tại 3 khu vực (khu công nghiệp, khu dân cư và dân tộc thiểu số) tại 8 tỉnh, thành phố gồm cả Hà Nội và TPHCM. Kết quả cho thấy đa số các nhóm, lớp độc lập tư thục (nhất là với các nhóm, lớp chưa được cấp phép) thiếu hầu hết các tiêu chuẩn trường, nhóm, lớp và các điều kiện đảm bảo an toàn về thể chất và tinh thần cho trẻ.

Tại hội nghị, đại diện nhiều địa phương cho rằng, quản lý nhà nước cần được xốc lại, nhất là kiểm tra điều kiện cấp phép mở trường, mở nhóm lớp nuôi dạy trẻ mầm non. “Khá nhiều các cơ sở mầm non tư thục đều thiếu điều kiện về nơi vui chơi, ánh sáng phòng học, cơ sở vật chất, an toàn vệ sinh thực phẩm”, một đại biểu cho hay. Đại diện trường mầm non 10/10 (Hoàng Mai, Hà Nội) kiến nghị thành phố cần quan tâm quy hoạch diện tích đất xây trường mầm non, nhất là tại các khu đô thị đáp ứng yêu cầu về số trẻ/lớp, hạn chế tối đa việc trẻ phải học tại các lớp mầm non tư thục không đảm bảo an toàn.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bạo hành.

Trẻ bị bạo hành sẽ có các dấu hiệu sau: Cơ thể trẻ xuất hiện những vết thương, vết bầm tím do bị tác động của ngoại lực; trẻ hốt hoảng khi vào nhà tắm, nhà vệ sinh có thể ở lớp trẻ bị nhốt ở những nơi này; trẻ giật mình khóc thét khi ngủ; trẻ sợ hãi khi đến trường, sợ hãi khi nhắc đến cô giáo; sau một thời gian đi học trẻ nhút nhát, thiếu tự tin, sợ giao tiếp với người lạ…

Cũng theo các chuyên gia, đối với trẻ biết nói nếu có một trong các biểu hiện trên phụ huynh nên trò chuyện, hỏi han con hàng ngày để tìm ra nguyên nhân.              

Hà Linh ghi

MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.