Lưu ý khi tập luyện
- Trước khi luyện tập thể dục thể thao, bạn phải khởi động toàn thân và khớp gối để khi vận động cơ thể nói chung và khớp gối nói riêng được trơn tru, thuận lợi.
- Bạn không nên đá chân cao một cách đột ngột để tránh tổn thương khớp gối.
- Trong tập luyện một số môn thể thao dễ gây chấn thương, bạn nên bó khớp gối bằng băng thun để bảo vệ.
Khớp gối “mong manh”
Khi sinh ra, phụ nữ có khung chậu hông rộng hơn nam giới nên trục xương đùi quá nghiêng so với trục khớp gối. Đặc điểm này làm giảm tính cân bằng của cả hệ thống khớp gối, khiến phụ nữ dễ mắc một số tổn thương như dập bong sụn khớp, đứt dây chằng chéo trước… Bên cạnh đó, dây chằng trước của khớp gối ở phụ nữ yếu hơn nam giới nên dễ bị tổn thương trong quá trình sinh hoạt, tập luyện.
Sự thay đổi hormone hàng tháng ở nữ giới cũng dẫn đến tỷ lệ tổn thương khớp gối cao hơn. Trong giai đoạn rụng trứng, nồng độ hormone sinh dục nữ estrogen tăng cao làm dây chằng trước đùi yếu đi. Thêm vào đó, sự dao động của hoạt động thần kinh chính là nguyên nhân khiến nữ giới bị tổn thương khớp gối nhiều hơn nam giới.
Bí quyết nâng niu khớp gối
Những bí quyết giúp bạn giữ gìn “sức khỏe" của khớp gối:
Giữ ấm: Do khớp gối chỉ được che phủ bằng một lớp da, thiếu sự bảo vệ của bắp cơ và mỡ, nên ít được “che chở”, nhất là trong điều kiện thời tiết lạnh giá của mùa đông. Vì vậy chúng ta cần giữ ấm cho đầu gối bằng cách mặc quần dài với chất liệu vải thun hay cotton dày, hoặc đi tất dài để thường xuyên giữ ấm chân và đầu gối.
Rèn luyện: Để phòng tránh khớp gối bị xơ cứng, bạn cần thường xuyên tập cử động bằng các động tác như đứng lên, ngồi xuống, xoay tròn khớp gối theo chiều kim đồng hồ và ngược lại để đầu gối được tưới máu nuôi dưỡng đầy đủ, dịch khớp tiết đều đặn, giúp mọi hoạt động được nhịp nhàng.
Buổi tối trước khi ngủ bạn có thể tập động tác duỗi gấp gối bằng cách ngồi tựa lưng ghế, kê một cái gối mềm cao chừng 10-15cm dưới khoeo chân, tập duỗi thẳng chân rồi lại hạ cẳng chân xuống ở tư thế vuông góc với đùi từ 15-20 lần.
Tránh tư thế xấu: Bạn cũng nên tránh các tư thế gây hại cho khớp gối như: ngồi gác chéo chân, ngồi xổm, quỳ gối, khuân vác vật nặng hay đứng lâu… Gập gối quá mức tạo lực ép rất lớn lên mặt sụn khớp và sụn bánh chè, mặt sụn dễ mòn, dập dẫn đến thoái hóa sớm.
Chọn giày dép: Bạn chỉ nên đi giầy dép có đế rộng, độ cao vừa phải, khoảng 3cm. Nếu đi giầy dép cao gót sẽ tăng áp lực lên khớp gối.
Giữ cân nặng lý tưởng: Cân nặng có liên quan mật thiết đến sức chịu lực của khớp gối. Thường xuyên “chở” quá tải khiến khớp gối bị xuống cấp.
Thừa cân đặc biệt sẽ tác động lên khớp gối theo cấp số nhân, bởi vì mỗi bước đi đổ dồn lên khớp gối một lực bằng gấp rưỡi thể trọng, và khi chạy lực này tăng gấp 5 lần thể trọng. Ví dụ người thừa 10kg, lúc chạy bộ có đến 50kg thêm vào áp lực bình thường đè lên mỗi khớp gối.