Tại Quảng Nam, có 2 vụ sạt lở đã làm 53 người bị vùi lấp (45 người ở thôn1 xã Trà Leng và 8 người ở thôn 1 xã Trà Vân đều huyện Nam Trà Mỳ) và 2 người ở huyện Phước Sơn. Hiện lực lượng chức năng đã tìm thấy 8 thi thể trong vụ vùi lấp.
Bão số 9 cũng đã làm 227 nhà bị sập và gần 88.600 nhà bị tốc mái, hư hỏng, trong đó thiệt hại nặng nhất là Quảng Ngãi với 165 nhà bị sập và gần 84.500 nhà tốc mái. Có 31 trụ sở cơ quan và 49 điểm trường ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Gia Lai, Kon tum bị tốc mái.
Về giao thông, 1 cầu treo tại Kon Tum và 2 cầu tại tỉnh Bình Định bị cuốn trôi. Sạt lở gây ách tắc giao thông tại 14 điểm ở Thừa Thiên- Huế, 14 điểm trên địa bàn tỉnh Kon Tum, 5 điểm tại Quảng Nam.
Đặc biệt hiện đường Hồ Chí Minh bị sạt lở, chia cắt hoàn toàn tại Km 1353+5 thuộc địa phận huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Về điện lực, đến 7 giờ sáng nay (29/10) còn 718 xã bị mất điện, nhiều nhất tại Quảng Nam 233 xã, Quảng Ngãi gần 170 xã, Quảng Trị có 90 xã; đứt một đường dây trung thế tại Phú Yên. Cùng với đó tại Đà Nẵng, Phú Yên và Gia Lai có 106 cột điện gãy đổ, trên 6.600 cây xanh gãy đổ…
Báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo cũng cho thấy, bão số 9 đánh chìm 13 tàu cá (Quảng Nam 4 tàu, Bình Định 6 tàu, Phú Yên 2 tàu và Bình Thuận 1 tàu).
Riêng 2 tàu cá của Bình Định (BĐ 96388 TS/12 ngư dân và BĐ 97469 TS/14 ngư dân) bị chìm trên biển ngày 27/10, Đại tá Nguyễn Xuân Dũng, Văn phòng Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết hiện các lực lượng tìm kiếm vẫn chưa tìm thấy số ngư dân mất liên lạc.
Theo ông Dũng, quân đội đã huy động lực lượng từ Quân khu 4, Quân khu 5, công binh... vào vào khu vực hiện trường bị vùi lấp. Tuy nhiên, đường đi vào khu vực bị vùi lấp rất khó khăn, do nhiều điểm bị sạt lở.
Hiện tình trạng sạt lở sau bão rất phức tạp. Ban chỉ đạo cần yêu cầu các địa phương cần rà soát khu vực vùng núi nguy cơ sạt lở, đặc biệt là nơi có người dân phải tổ chức sơ tán trước khi có mưa lũ.