Bảo Ninh - Nhà văn ít người hiểu nổi

Bảo Ninh - Nhà văn ít người hiểu nổi
TP - Một Bảo Ninh của đời sống thường nhật rất ít người hiểu nổi. Anh trầm lặng như một kẻ ở ẩn và lập dị ở nhiều chiều kích cuộc sống.

Tôi đã đắn đo rất lâu để chọn một cái tít bài đặt cho chân dung nhà văn Bảo Ninh. Chưa bao giờ chỉ là cái tên một bài chân dung, tôi lại khó khăn chọn lựa đến vậy. Loay hoay mãi, toan tính mãi vẫn chẳng có một cái tít ưng ý nào để chọn dù Bảo Ninh có lẽ là nhà văn Việt Nam có dấu ấn nhất trong việc mang được văn học Việt ra ngoài biên giới một cách hệ thống và được thế giới đón chào trọng thị trong suốt một quãng thời gian dài hai mấy năm bằng cuốn tiểu thuyết duy nhất “Nỗi buồn chiến tranh” ra đời từ năm 1991. Vẫn biết cái tên có nội dung “người tải văn ra ngoài biên giới” rất đúng nhưng như thế có khi lại di hại bởi miệng tiếng thế gian. Lần lữa mãi, tôi quyết định đặt bài chân dung đúng với bút hiệu và danh phận của anh. Nhà văn Bảo Ninh.

Năm 1999 giáo sư Hoàng Tuệ thân phụ của Bảo Ninh qua đời. Trong làng ngôn ngữ Việt Nam, Hoàng Tuệ là một chuyên gia hàng đầu. Ông là người đặt nền móng xây dựng và phát triển ngành ngôn ngữ học Việt Nam trong trường đại học ngay khi hòa bình 1954. Hoàng Tuệ từng giữ các chức vụ quan trọng của ngành ngôn ngữ học. Viện trưởng viện Ngôn ngữ học Việt Nam, Tổng biên tập tạp chí Ngôn ngữ. Với những đóng góp xuất sắc mang tính quyết định phát triển ngành ngôn ngữ học, ông được phong hàm giáo sư đợt đầu tiên của đất nước vào năm 1980. Trong lễ tang của giáo sư Hoàng Tuệ, đồng nghiệp ông, học trò ông đã tiếc thương cho cả cuộc đời trọn vẹn dành cho chữ nghĩa cho sự trong sáng tiếng Việt của ông với những đóng góp vào nhiều công trình lớn như “Từ điển tiếng Việt”, “Ngữ pháp tiếng Việt” nhưng bản thân ông lại không để lại cho mình một tác phẩm riêng biệt nào. Giáo sư Cao Xuân Hạo, đồng nghiệp và là học trò ông đã thốt lên trong bài viết tiễn biệt mong rằng ông đừng buồn về điều ấy. Bấy giờ tôi đã chơi thân với Bảo Ninh và qua lại nhà anh nhiều lần có không ít dịp tiếp xúc với giáo sư Hoàng Tuệ. Chứng kiến những ngày tháng cuối cùng của ông cũng như những gì Bảo Ninh con trai thứ của giáo sư giành được trong sự nghiệp, tôi đã viết những dòng đầy cảm thán: “Có lẽ nào lại buồn! Những con chữ, suốt đời ông lựa chọn, chăm sóc, gieo trồng, ít nhất đã nằm trong huyết quản, mạch máu, trái tim con trai ông để rồi nó được tái sinh trở lại với đời. Những gì giáo sư Hoàng Tuệ đã làm, chưa kịp làm, thôi đừng tính, chỉ riêng cái tác phẩm đời của ông- Nhà văn Bảo Ninh- ông để lại, đủ làm ông thanh thản. Ông là người hạnh phúc”. Hai năm sau, năm 2001, Viện Ngôn ngữ học cho xuất bản “Hoàng Tuệ tuyển tập ngôn ngữ học” dày gần 1.200 trang, bài viết của tôi được chọn cùng 5 bài khác của những nhà ngôn ngữ học hàng đầu: Hoàng Phê, Cao Xuân Hạo, Lê Xuân Thại, Đào Thản, Lý Toàn Thắng trong phần bạt của cuốn sách.

Bảo Ninh - Nhà văn ít người hiểu nổi ảnh 1

“Người chọn chữ và tác phẩm đời” là tựa đề bài viết đó. Dông dài chuyện này chỉ để tôi muốn nói một điều. Văn phong của Bảo Ninh được thừa hưởng từ nền tảng ngôn ngữ của người cha. Và anh với tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” cùng hàng trăm truyện ngắn ấn tượng là một hành trang đáng nể của một nhà văn. Bảo Ninh thực sự là tác phẩm đời, tác phẩm xuất sắc của người chọn chữ Hoàng Tuệ. Ai đã đọc Bảo Ninh nếu chấp nhận được văn phong của anh hẳn sẽ thấy một năng lực chữ nghĩa dồi dào như mạch chảy ào ạt của sông suối. Văn Bảo Ninh giầu hình ảnh, trầm buồn, uyển chuyển, lắt léo, bất ngờ nhưng rất thực rất đời. Chữ nghĩa của Bảo Ninh cầu kỳ nhưng lại rất chính xác và đặc biệt ngập tràn cảm xúc. Đọc bất cứ cái gì của anh đều cho ta một cảm giác tin cậy, chia sẻ và cộng hưởng. Với những ai đã đọc “Nỗi buồn chiến tranh” đều bị hút vào cái không khí chiến trận của một thời máu lửa và hầu hết đều bị ám ảnh bới những gì xảy đến từ cuộc chiến đó.

Tôi là người đọc Bảo Ninh rất sớm bắt đầu từ tập truyện ngắn “Trại bảy chú lùn” và nói thật là tôi mê văn anh. Tôi đọc Bảo Ninh từ đó và khi “Nỗi buồn chiến tranh” ra đời thì đây thật sự là một cuốn sách gây nhiều ảnh hưởng với một người viết trẻ là tôi. Có tham gia chiến tranh vào những năm cuối ở chiến trường nên tôi bập vào cuốn sách một cách say mê. Những vấn đề đa chiều được đề cập trong cuốn sách về cuộc chiến được một người lính như tôi chấp nhận và chia sẻ. Cuốn sách khác với những gì tiểu thuyết chiến tranh của văn học Việt đương thời và trước đó đề cập. Nó không mang tính sử thi về cuộc chiến thường thấy mà được miêu tả ở góc độ thân phận người lính với đầy đủ mọi cung bậc, sắc thái của con người bình thường trong lò lửa cuộc chiến. Có không ít sự luận bàn ngược chiều về cuốn sách này. Tôi tìm đến với Bảo Ninh và những gì tôi tiếp nhận từ cuốn sách cùng những kỷ niệm đời lính đã kéo chúng tôi trở thành bạn bè vong niên. “Nỗi buồn chiến tranh” trong ấn bản đầu mang tên “Thân phận tình yêu” ra đời và giành được giải thưởng Hội nhà văn VN năm 1991 cùng hai cuốn tiểu thuyết khác. Chỉ  tiếc sau đó vì một số lý do “Thân phận tình yêu” không được chấp nhận. Nhiều năm cuốn sách khuất lãng ở khâu xuất bản nhưng không vì thế mà giá trị của nó chìm đi trong nước. Năm 1994 “Thân phận tình yêu” được dịch ra tiếng Anh và xuất bản ở Hoa Kỳ. Liên tiếp sau đó cuốn sách được dịch ra hơn mười thứ tiếng phát hành rộng rãi trên nhiều nước ở khắp các châu lục. Trong nước sau một thời gian im ắng “Thân phận tình yêu” được tái bản năm 2005 và từ năm 2006 được chính thức mang lại tên ban đầu “Nỗi buồn chiến tranh” ở những lần tái bản kế tiếp.

Bảo Ninh - Nhà văn ít người hiểu nổi ảnh 2

Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Ngoài đời Bảo Ninh là một người kiệm lời. Trong mọi câu chuyện Bảo Ninh luôn ngắc ngứ, diễn đạt rất khó khăn, kém toàn phần về khẩu ngữ. Có lẽ mọi tinh hoa của anh đều đã dồn hết vào các con chữ. Nhập ngũ năm 1969 khi 17 tuổi, người lính Bảo Ninh đã tham gia chiến đấu ở chiến trường B3 (Tây Nguyên) ác liệt cho đến tận khi chiến tranh kết thúc năm 1975. Trở về trường đại học với chuyên ngành sinh vật nhưng anh lại không theo nghề mà bỏ ngang nhập học trường Viết văn Nguyễn Du để đi theo văn nghiệp. Bảo Ninh sáng tác ít và chậm. Một Bảo Ninh lù khù, chậm chạp sống nội tâm ít chia sẻ và tránh né mọi vấn đề kể cả văn học với mọi người nhưng cũng một Bảo Ninh ấy bên bạn bè lại cực kỳ nồng nhiệt và hào phóng. Có một chi tiết này 25 năm chơi với Bảo Ninh tôi chưa bao giờ thấy anh dùng ví. Tiền bạc có bao nhiêu anh vo tròn thành một cuộn nhét ở túi áo ngực. Dù bất kể ai mời khi đứng dậy Bảo Ninh cũng thò vào túi áo lôi cuộn tiền ấy ra để trả như một phản xạ. Bảo Ninh chẳng bao giờ biết mình có bao nhiêu tiền trong túi. Thường thì anh cũng chẳng có nhiều tiền nhưng đã chơi với bạn là hết mình là tới bến. Anh cởi mở thậm chí nhiều lời. Tất nhiên vẫn là những lời không đầu không cuối. Và nghiệt ngã với cả chính bản thân mình. Không bao giờ Bảo Ninh muốn ai đó nói về mình, viết về mình. Anh sợ chụp ảnh, sợ mạng mọt, sợ facebook. Lúc tỉnh Bảo Ninh hay giao hẹn đừng ai đưa hình ảnh của anh lên bất kể một trang nào đó. Những ám ảnh thời chiến tranh hằn rõ ở đời sống thường nhật của những lính chiến như Bảo Ninh. Có vẻ như vô lý nhưng anh giờ đã già nhưng vẫn chưa hòa nhập nổi cuộc sống hậu chiến dù đã hơn 4 chục năm có lẻ.

Bây giờ hiếm khi ai có thể gặp được Bảo Ninh. Ngay cả giao tiếp điện thoại cũng khó khăn với anh. Rượu cũng không còn là thứ hấp dẫn được anh. Bảo Ninh từ chối mọi cuộc rượu. Thi thoảng gặp anh ở một chỗ nào đấy thì đó là hãn hữu và bất ngờ. Bảo Ninh thực sự là một người lính đáng kính trọng và anh với văn nghiệp của mình xứng đáng có một vị trí trong ít ỏi các nhà văn đặt được dấu ấn vào nền văn học Việt. Và nữa nói không quá bằng “Nỗi buồn chiến tranh” anh là nhà văn dẫn đầu nếu không muốn nói là duy nhất đưa được văn học Việt ra ngoài biên giới.

Hôm rồi tự nhiên Bảo Ninh gọi điện mời tôi đến nhà dự một cuộc rượu chỉ có mấy người bạn thân. Đấy là lần duy nhất trong năm anh gọi cho tôi. Lý do anh mới đi Hàn Quốc về và mang theo chai rượu xách tay đãi bạn bè. Đấy là Bảo Ninh vừa nhận giải thưởng văn học Sim Hun của Hàn Quốc năm 2016. Tôi ở xa không về được và thật lòng cũng không dám hỏi gì về giải thưởng ngoại quốc đó. Ở trong nước Bảo Ninh vừa bị đánh trượt giải thưởng Nhà nước dành cho các nhà văn có tác phẩm và đóng góp cho văn học ở vòng cuối cùng.

Ngoài “Nỗi buồn chiến tranh” anh viết truyện ngắn và luôn ấp ủ một cuốn tiểu thuyết thứ hai. Bạn bè Bảo Ninh đã ròng rã chờ đợi cuốn sách hàng chục năm trời nhưng có tài thánh cũng chẳng ai biết cuốn sách ấy bao giờ mới được sinh hạ. Bảo Ninh bình dị không vồ vập nhưng thân thiện. Tuy vậy Bảo Ninh rất ngại giao tiếp và chơi với bạn bè khá chọn lọc. Hầu như anh tránh mặt ở những cuộc xã giao cũng như hội nghị mang tính nghề nghiệp.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.