Cách nói, dáng đi đều được nhận ra là thiếu khiêm nhường” (Sách cấm, tr.16); “Nhìn Loan người ta thấy rằng ở cô có cái gì là lạ khang khác không y hệt mọi người. Cách để tóc, cách ăn mặc chẳng khác ai mà vẫn như có hàm một sự diêm dúa thầm lén. Da dẻ trắng trẻo, mềm dịu. Cách nói và dáng đi đều thiếu vẻ mộc mạc” (Cũ xưa, tr.51). Có một vấn đề nảy sinh ở chỗ này.
Có người cho rằng đó là vết xước để tập truyện mất đi sự hoàn hảo; ngược lại, người khác lại cho rằng sự trùng lặp ấy làm tăng cảm giác khi hình dung về người nữ trong tác phẩm Bảo Ninh.
Tôi nghĩ khác, qua sự trùng lặp này (cũng như mật độ dày đặc những điều “quen thuộc” trong sáng tác Bảo Ninh), đã đến lúc phải đọc Bảo Ninh theo một cách khác: văn Bảo Ninh là câu chuyện đời (life narrative) của chính ông. Ở đó, ký ức cá nhân trở thành chất liệu của hư cấu còn hư cấu xét đến cùng tượng như một lẽ viết, và vì thế, một lẽ sống.
1. Tập truyện ngắn này có thể là một đối ứng với Nỗi buồn chiến tranh, trong sự thống nhất gần như trọn vẹn của những vấn đề được đề cập: nỗi buồn hậu phương.
Bởi xét về mặt không gian, trừ Hữu khuynh, 13 truyện ngắn còn lại đều lấy bối cảnh Hà Nội, xa nhất là đến Vinh, Hà Tĩnh (nghĩa là hậu phương miền Bắc). Về mặt thời gian, hầu hết cũng xảy ra trong thời chiến (nếu là câu chuyện thời hậu chiến, rõ nhất trong Gọi con và Chuyện xưa kết đi, được chưa?, thì lại luôn là một hệ lụy của chiến tranh).
Vì vậy, có thể nói (giống như Kiên với đêm cuối cùng trên chuyến tàu xuất binh), với Bảo Ninh, chiến tranh là một chấn thương (trauma). Trở về sau chiến tranh, ám ảnh bởi những gì mà cuộc chiến mang lại, Bảo Ninh đã viết về nó, nhìn đời qua lăng kính đó, nói theo ngôn ngữ của Amos Goldberg (xem bản dịch của Hải Ngọc trên VHNN, số 4/2009), để vượt lên chấn thương và vượt thoát cái chết mà chấn thương đó quy định.
2. Tôi có suy nghĩ khác với Cao Việt Dũng về bản chất của những kỷ niệm được Bảo Ninh thể hiện trong tập truyện. Tuy những ký ức “về thời đi học, về sơ tán, tình cảm đầu đời,… không phải là những kỷ niệm gây nên chấn thương tâm lý, nỗi ám ảnh, gọi tắt là nỗi đau, căn bệnh của chiến tranh” (nhilinhblog) nhưng không thể phủ nhận việc những ký ức ấy đã được nhìn qua lăng kính chiến tranh, như một hệ lụy nảy sinh từ việc nếm trải chiến tranh.
Nghĩa là những ký ức ấy đã thực sự nhuốm màu chấn thương. Bởi nếu không từng trực tiếp kinh qua chiến tranh, chắc Bảo Ninh sẽ không viết với mức độ đậm đặc về những ký ức ấy. [Cũng đã có lúc, Bảo Ninh viết về một vấn đề khác không liên quan tới chiến tranh, đó là trường hợp của Lan man trong lúc kẹt xe, Thời của xe máy nhưng sau đó thì dừng lại, không tiếp nối dòng mạch ấy nữa.
Phải chăng có thể lý giải đấy không phải là vấn đề cốt tử, hiểu như lẽ sống và lẽ viết, nảy sinh từ chấn thương mà Bảo Ninh nếm trải?]. Vì vậy, ký ức là chất liệu chủ đạo trong sáng tác của Bảo Ninh, còn Bảo Ninh là kẻ “ăn mày ký ức” ấy.
Chỉ có điều, ký ức trong hồi tưởng của Bảo Ninh không phải là một quá khứ đã đông kết; nó hàm chứa thế năng bung phá vào hiện tại và tương lai. Nói theo ngôn ngữ của Robbe-Grillet, hồi tưởng về quá khứ của Bảo Ninh không phải là một tái lặp (répétition) hướng vào việc miêu thuật quá khứ, với những sự kiện và con người đã trở nên trọn vẹn; mà là một tái diễn (reprise) hướng về phía trước với tất cả khả thể của nó.
Vì thế, văn Bảo Ninh không phải là một tự thú về thời đã qua mà là một tự hư cấu từ việc nếm trải thời đã qua hòng đề xuất những vấn đề thuộc về nhân tính và nghệ thuật.
3. Vậy vấn đề mà văn Bảo Ninh đặt ra ở đây là gì? Cách đặt tên truyện và cái kết của Bảo Ninh gợi ý được nhiều điều. Hầu hết các tên truyện (kiểu Sách cấm, Cái búng, Quay lưng,…), thậm chí trước nữa, như: Ngàn năm mây trắng, Rửa tay gác kiếm, Khắc dấu mạn thuyền,… đều không nhằm “vắt kiệt nghĩa” của chủ đề mà hướng gợi người đọc vào những suy tư khác.
Cái kết trong truyện ngắn Bảo Ninh cũng vậy. Rất thường khi chúng tồn tại như một kiểu trữ tình ngoại đề. Bạn đọc sẽ dễ dàng tìm thấy những cái kết như thế trong tập truyện này, tiêu biểu như Cái búng, Hữu khuynh, Đêm trừ tịch.
Văn Bảo Ninh luôn là những cật vấn vào các vấn đề của quá khứ, về sức mạnh ẩn tàng của nó. Nói như chính ông: “Tôi muốn nói, lẽ đời là vậy đấy. Bởi vì là một nỗi đau nên quá khứ còn sống mãi. Và bởi nỗi đau quá khứ còn sống mãi nên về sau ta mới có được một quãng đời êm lặng, một nếp sống bình yên, một tư duy thư thả, một tấm lòng khoan thứ và một cảm giác có hậu với cuộc đời cùng số phận”.
Vậy là, với Bảo Ninh, qua Bảo Ninh, “chuyện xưa” không bao giờ kết được. Bảo Ninh không kết được “chuyện xưa” của mình và người đọc cũng không thể kết được những xúc cảm khi tiếp cận những “chuyện xưa” ấy. Nghĩa là quá khứ sẽ không hoàn kết, quá khứ là một ám ảnh. Mãi là một ám ảnh...