Luật sư không hiểu luật?
Vị đại diện Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) tỏ ra bức xúc, và cho rằng, các luật sư đã không hiểu luật khi đề nghị HĐXX khởi tố Ngân hàng Nhà nước. Theo vị đại diện Vietinbank, về hình thức, giữa ACB và Vietinbank không có một giao dịch nào.
“Vì siêu lợi nhuận, để người ta cố tình lách luật. Có sự lạm dụng, lừa dối Ngân hàng Nhà nước. Đây là hành vi trốn tránh sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước không cấm, nhưng nếu có bất cứ động tác nào, các ngân hàng phải có công văn, văn bản báo cáo” - vị đại diện Vietinbank phát biểu.
Cũng theo đại diện Vietinbank, ông này không hiểu vì sao luật sư lại đưa ra ý kiến đề nghị khởi tố Ngân hàng Nhà nước, trong khi nguyên tắc căn bản của luật hình sự là không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.
“Phải chăng, đây là mượn diễn đàn để bôi nhọ lẫn nhau. Vietinbank là một ngân hàng rất lớn, một chi nhánh như Chi nhánh TPHCM cũng bằng một ngân hàng bậc trung, nên chúng tôi luôn chấp hành pháp luật để phát triển” - vị này nói.
“Chỉ bầu Kiên nói đúng”
“Chỉ có ý kiến của ông Nguyễn Đức Kiên là đúng từng câu từng chữ, còn các vị luật sư là sai lầm”- đại diện Vietinbank khẳng định. Nhắc đến chuyện số tiền 718 tỷ, đại diện Vietinbank cho rằng, nói tài sản đã vào “kho” của Vietinbank là sai. Tài khoản tiền của các cá nhân ACB đã vào tài khoản của chính các cá nhân, được mở tại chi nhánh của Vietinbank mới là đúng.
Cũng theo vị đại diện Vietinbank, chính các nhân viên của ACB đã mắc phải những “sai lầm chết người” về nghiệp vụ. Từ đầu đến cuối, các nhân viên ACB đều giao cho Huyền Như, Vietinbank không biết chuyện này. Vietinbank tuyệt đối không bao giờ giao tiền cho nhân viên đi gửi ngân hàng khác.
Khi đại diện Vietinbank đang nói chuyện phía ngân hàng mình không có “các Cty sân sau” như ACB, chủ tọa đã nhắc nhở: “Đề nghị đại diện Vietinbank tập trung vào nội dung vụ án”.
Được chủ tọa cho phát biểu, bà Đặng Ngọc Lan (Cty B&B): “Tôi không hiểu vì sao Cty B&B lại là bị đơn. Bởi cho đến giờ phút này, chúng tôi chưa nhận được bất cứ văn bản nào của cơ quan thuế, vậy kính mong HĐXX xem xét lại”. Về phía ACB, khi được HĐXX hỏi ý kiến, đơn vị này vẫn nhất quyết yêu cầu Vietinbank phải hoàn lại hơn 718 tỷ đồng.
Bảo lưu truy tố
Sau khi nghe các ý kiến tranh luận của các luật sư, bị cáo cùng các bên liên quan, 2 kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại tòa bắt đầu đối đáp. Về căn bản, các kiểm sát viên bảo lưu những nội dung đã được bản cáo trạng thể hiện.
Thấy vậy, khá nhiều luật sư bức xúc: “Chúng tôi đề nghị HĐXX xem xét, nếu các vấn đề của luật sư đưa ra, nhưng Viện Kiểm sát không đối đáp, nghĩa là phải hiểu họ công nhận nội dung đó là đúng”.
Ở tội danh kinh doanh trái phép, công tố viên trích dẫn các khái niệm tại các văn bản luật (Điều 3 của Luật Đầu tư, Điều 4 Luật Doanh nghiệp), để khẳng định, việc mua cổ phần, cổ phiếu là hoạt động kinh doanh.
Ở đây, 5 Cty của Nguyễn Đức Kiên không có ngành nghề kinh doanh tài chính (mua cổ phần, cổ phiếu, góp vốn vào doanh nghiệp khác), sau khi thành lập, 5 doanh nghiệp này đã kinh doanh tài chính mà không bổ sung ngành nghề kinh doanh.
Do vậy, các Cty này đã vi phạm Điều 9 của Luật Doanh nghiệp. Với các căn cứ trên, đại diện Viện Kiểm sát giữ nguyên quan điểm cho rằng việc truy tố các bị cáo là đúng pháp luật.
Ở tội trốn thuế, công tố viên khẳng định, Cty B&B không hành nghề kinh doanh nhận ủy thác đầu tư và kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài. Hơn nữa, bà Nguyễn Thúy Hương không đăng ký kinh doanh vàng theo quy định của Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc ký ủy thác đầu tư tài chính với Cty B&B, bà Hương không đặt cọc, không giao dịch, nhưng được hưởng 99% và chỉ phải trả 1% phí ủy thác cho Cty B&B. Sau đó, bà Hương đồng ý để Cty B&B được ủy thác lại cho ACB thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc kinh doanh vàng. Bà Hương cũng ủy quyền cho anh trai (Nguyễn Đức Kiên) đại diện, quyết định.
Theo kết luận của cơ quan truy tố, trong năm 2009, Cty B&B thực hiện các lệnh ủy thác cho ACB mua bán vàng trạng thái, thu lãi hơn 100 tỷ đồng. Xong xuôi, Cty B&B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận này cho bà Hương để không chịu thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 25 tỷ đồng. Theo kiểm sát viên, việc làm của Cty B&B là trái quy định của pháp luật về thuế.
Mở lại điều tra ông Cang là đúng luật
Đối đáp với các luật sư về trường hợp của bị cáo Phạm Trung Cang (cựu Phó Chủ tịch HĐQT ACB), đại diện Viện kiểm sát khẳng định, việc tách vụ án Huỳnh Thị Huyền Như với Nguyễn Đức Kiên là đúng luật. Liên quan nội dung đình chỉ điều tra và phục hồi điều tra đối với Phạm Trung Cang, trước đó có luật sư cho rằng, việc cơ quan chức năng đình chỉ một hành vi, sau đó lại điều tra hành vi đó là sai. Tuy nhiên, công tố viên khẳng định, ông Cang không chỉ có một hành vi, do vậy việc điều tra hoàn toàn đúng luật.
Trong các tội danh truy tố, có luật sư cho rằng, kiểm sát viên đã vượt quá phạm vi ủy quyền, song đối đáp lại, kiểm sát viên khẳng định: “Chúng tôi không làm xấu đi tình trạng của bị cáo”. Nói đến nội dung ủy thác cho các nhân viên đi gửi tiền tại các ngân hàng, kiểm sát viên khẳng định, đây là hoạt động trái pháp luật, vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và không có trong giấy phép.
Về tội danh Cố ý làm trái, vị công tố viên lập luận, tại tòa, Huyền Như đã nhận tội. Như vậy, có thể khẳng định chủ trương gửi tiền của ACB là không đúng quy định. Do đó, việc truy tố các bị cáo là có căn cứ. Do tách vụ án Huyền Như thành một vụ án khác, nên không xác định câu chuyện hậu quả ở đây...
Bên lề:
“Nguy to” nếu vụ án Huyền Như thay đổi
Luật sư Nguyễn Đình Hưng cho rằng, ở cáo trạng không mô tả hành vi phạm tội của Huỳnh Thị Huyền Như là việc thiếu sót. Bên cạnh đó, phân tích chuyện dùng hậu quả vụ án này để áp sang một vụ án độc lập khác, luật sư Hưng không khỏi băn khoăn: “Nếu như vụ án Huyền Như bị thay đổi ở phiên phúc thẩm, cũng như các phiên khác liên quan, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả xét xử của vụ án này”. Cũng theo luật sư này, khi Viện Kiểm sát kết luận vụ án, đã không trích đăng về ý kiến của các cơ quan đại diện liên quan là không đầy đủ, ảnh hưởng đến việc xem xét toàn diện vụ án.
Đề nghị khởi tố vụ án tại các đơn vị đăng ký kinh doanhLuật sư Hoàng Đôn Hùng tiếp tục “gây sốc” trong phần bào chữa của mình tại tòa. Trước tiên, luật sư này đề xuất HĐXX xem xét, có thể quay lại phần xét hỏi để làm rõ một số vấn đề, trong đó có việc xác định “ai là người trả lãi cho 19 nhân viên của ACB? Tiền đã vào Vietinbank chưa?”.
Ngoài ra, ông Hùng cũng kiến nghị Tòa xem xét khởi tố những người đã giúp sức Huyền Như làm hồ sơ giả để lừa đảo; kiến nghị khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả liên quan đến các cơ quan đăng ký kinh doanh. Trước đó, luật sư này kiến nghị khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm tại Ngân hàng Nhà nước.
“Luật sư không được OK”Trong phần tranh tụng, luật sư Ngô Huy Ngọc liên tục bị HĐXX nhắc nhở về phong cách “chém gió” (vung tay) khi bào chữa cho thân chủ. Mỗi lần bị nhắc, luật sư Ngọc buông câu “OK”. Thấy vậy, một thành viên của HĐXX lên tiếng: “Đề nghị luật sư không dùng từ “OK” khi bào chữa”.
B.T