Bảo lưu nội dung truy tố bầu Kiên và đồng phạm

Đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên các nội dung truy tố Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Ảnh: Bảo Thắng
Đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên các nội dung truy tố Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm. Ảnh: Bảo Thắng
TPO - Sáng 30/5, phiên xử Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm chuyển sang phần đối đáp của các kiểm sát viên. “Chúng tôi giữ nguyên quan điểm như cáo trạng đã truy tố” – kiểm sát viên lên tiếng.

Luật sư không hiểu luật?

Vị đại diện Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) tỏ ra bức xúc, và cho rằng, các luật sư đã không hiểu luật khi đề nghị HĐXX khởi tố Ngân hàng Nhà nước.

Theo vị đại diện Vietinbank, về hình thức, giữa Ngân hàng ACB (ACB) và Vietinbank không có một giao dịch (thỏa thuận) nào. Còn về khoản tiền 718 tỷ đồng đã được cơ quan chức năng xác định, là tiền ACB gửi vào Vietinbank.

“Vì siêu lợi nhuận, để người ta cố tình lách luật. Có sự lạm dụng, lừa dối Ngân hàng Nhà nước. Đây là hành vi trốn tránh sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước không cấm, nhưng nếu có bất cứ động tác nào, các ngân hàng phải có công văn, văn bản báo cáo” – vị đại diện Vietinbank tỏ vẻ căng thẳng.

Cũng theo vị đại diện Vietinbank, ông này không hiểu vì sao luật sư lại đưa ra ý kiến đề nghị khởi tố Ngân hàng Nhà nước, trong khi, một nguyên tắc căn bản của luật hình sự, đó là không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.

“Phải chăng, đây là mượn diễn đàn để bôi nhọ lẫn nhau. Ngân hàng Công thương là một ngân hàng rất lớn. Một chi nhánh, như chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng bằng một ngân hàng bậc trung, nên chúng tôi luôn chấp hành pháp luật để phát triển” - vị đại diện Vietinbank phát biểu.

"Chỉ có bầu Kiên nói đúng"

“Chỉ có ý kiến của ông Nguyễn Đức Kiên là đúng từng câu từng chữ, còn các vị luật sư là sai lầm” - đại diện Vietinbank khẳng định. Nhắc đến chuyện số tiền 718 tỷ đồng, ông này cho rằng, nói tài sản đã vào “kho” của Vietinbank là sai. Tài khoản tiền của các cá nhân ACB đã vào tài khoản của chính các cá nhân, được mở tại chi nhánh của Vietinbank mới là đúng.

Cũng theo vị đại diện Vietinbank, chính các nhân viên của ACB đã mắc phải những “sai lầm chết người” về nghiệp vụ. Từ đầu đến cuối, phía nhân viên ACB đều giao tiền cho Huyền Như, Vietinbank không biết chuyện này. Vietinbank tuyệt đối không bao giờ giao tiền cho nhân viên đem đi gửi ngân hàng khác.

Khi đại diện Vietinbank đang nói đến chuyện phía ngân hàng mình không có chuyện có “các Cty sân sau’ như ACB, vị chủ tọa đã nhắc nhở: “Đề nghị đại diện Vietinbank tập trung vào nội dung vụ án”. Trước đó, chính vị đại diện này đã nhấn mạnh chuyện đã có một số luật sư đã mượn phiên tòa làm diễn đàn "bôi nhọ" nhau.

Được vị chủ tọa cho phát biểu, bà Đặng Ngọc Lan (Cty B&B): “Tôi không hiểu vì sao Cty B&B lại là bị đơn. Bởi cho đến giờ phút này, chúng tôi chưa nhận được bất cứ văn bản nào của cơ quan thuế, vậy kính mong HĐXX xem xét lại cho”.

Đại diện ACB, khi được HĐXX hỏi ý kiến, vẫn nhất quyết yêu cầu Vietinbank phải hoàn lại hơn 718 tỷ đồng cho ACB.

Công tố viên giữ nguyên quan điểm truy tố

Sau khi nghe các ý kiến tranh luận của các luật sư, bị cáo cùng các bên liên quan, hai kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại tòa bắt đầu tham gia phiên đối đáp.

Ở tội danh kinh doanh trái phép: Kiểm sát viên trích dẫn các khái niệm tại các văn bản luật (Điều 3 của Luật Đầu tư, Điều 4 Luật Doanh nghiệp), qua đó cho rằng, việc mua cổ phần, cổ phiếu là hoạt động kinh doanh. Ở đây, 5 Cty của Nguyễn Đức Kiên không có ngành nghề kinh doanh tài chính (mua cổ phần, cổ phiếu, góp vốn vào doanh nghiệp khác), sau khi thành lập, 5 doanh nghiệp này đã kinh doanh tài chính mà không bổ sung ngành nghề kinh doanh. Do vậy, các cty này đã vi phạm Điều 9 của Luật Doanh nghiệp.

Theo kiểm sát viên, khi không có mã ngành nghề, thì phải đăng ký kinh doanh, và việc bổ sung ngành nghề này thuộc cơ quan chức năng. Với các căn cứ trên, đại diện cơ quan công tố giữ nguyên quan điểm như cáo trạng, và cho rằng, việc truy tố các bị cáo là đúng pháp luật.

Ở tội trốn thuế, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, Cty B&B không có hành nghề kinh doanh nhận ủy thác đầu tư và kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài. Hơn nữa, bà Nguyễn Thúy Hương không đăng ký kinh doanh vàng theo quy định của Nhà nước.

Bên cạnh đó, việc ký ủy thác đầu tư tài chính với Cty B&B, bà Hương không đặt cọc, không giao dịch, nhưng được hưởng 99% và chỉ phải trả 1% phí ủy thác cho Cty B&B. Sau đó, bà Hương đồng ý để Cty B&B được ủy thác lại cho ACB thực hiện một phần hoặc toàn bộ việc kinh doanh vàng. Bà Hương cũng ủy quyền cho anh trai (Nguyễn Đức Kiên) đại diện, quyết định.

Theo kết luận của cơ quan truy tố, trong năm 2009, Cty B&B thực hiện các lệnh ủy thác cho ACB mua bán vàng trạng thái, thu lãi hơn 100 tỷ đồng. Xong xuôi, Cty B&B đã chuyển toàn bộ lợi nhuận này cho bà Hương để không chịu thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 25 tỷ đồng. Theo kiểm sát viên, việc làm của Cty B&B là trái quy định của pháp luật về thuế.

Và, do mọi việc đều do Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo, do vậy, hoàn toàn có căn cứ để truy tố bị cáo này tội danh Trốn thuế.

Các tội danh khác, về căn bản, kiểm sát viên “giữ nguyên quan điểm như cáo trạng"

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.