Bão Côn Sơn giật cấp 12, cách Quảng Trị-Quảng Nam 200km

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hồi 4 giờ sáng ngày 11/9, vị trí tâm bão chỉ cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Nam khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12 .

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, vào 4 giờ sáng nay (11/9), tâm bão chỉ cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Nam khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 170km tính từ tâm bão. Do ảnh hưởng của bão Côn Sơn tại trạm đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, do sự tương tác với bão Chanthu, bão Côn Sơn di chuyển khá chậm theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5km. Đến 4 giờ ngày 12/9, tâm bão trên vùng biển khu vực từ Quảng Trị-Quảng Nam. Thời gian này, bão Côn Sơn bắt đầu suy yếu dần với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão còn cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 5-10km, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và đi vào đất liền. Đến 4 giờ ngày 13/9, tâm áp thấp nhiệt đới ngay trên đất liền khu vực từ Quảng Trị-Quảng Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10km và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 4 giờ ngày 14/9, trung tâm vùng áp thấp trên đất liền khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Cảnh báo gió mạnh và sóng lớn trên biển:

Ở vùng biển phía Tây khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) có mưa bão, gió xoáy mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, giật cấp 12; sóng biển cao từ 4,0-6,0m; biển động rất mạnh.

Ở vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4,0-5,0m; biển động rất mạnh.

Cảnh báo gió mạnh trên đất liền:

Từ gần sáng ngày 12/9, vùng ven biển khu vực từ Nam Quảng Bình đến Quảng Nam gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10, khu vực sâu trong đất liền có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Cảnh báo mưa lớn trên đất liền:

Từ đêm 10/9 đến 13/9 ở các tỉnh Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa ở Quảng Trị đến Quảng Nam phổ biến 200-300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt, Quảng Ngãi phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 200mm/đợt)

Từ ngày 12-14/9 ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, riêng Quảng Bình và Hà Tĩnh có nơi trên 250mm/đợt.

Từ ngày 11-12/9, các tỉnh Kon Tum và Gia Lai có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-80mm/đợt, có nơi trên 100mm/đợt. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên khu vực Nam Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động.


Chiều 10/9, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam thông tin, trước diễn biến bão Côn Sơn, ngành chức năng đã tiến hành thông báo, kêu gọi khẩn cấp tàu thuyền hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn.

Báo cáo nhanh của Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, lúc 5h ngày 10/9, toàn tỉnh có 683 tàu/ 4854 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó 507 tàu hoạt động gần bờ, 117 tàu ở khu vực Hoàng Sa, 59 tàu ở Trường Sa.

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã tổ chức bắn pháo hiệu thông báo bão số 5 tại 3 địa điểm Đồn Biên phòng Cửa Đại, Đồn biên phòng Cù Lao Chàm, Đồn biên phòng CKC Kỳ Hà. Đồng thời tiếp tục theo dõi diễn biến bão, duy trì liên lạc với các chủ phương tiện tàu, thuyền biết vị trí, hướng di chuyển để chủ động phòng tránh. (Hoài Văn)


Quảng Trị chạy đua gặt lúa, đưa tàu thuyền vào bờ tránh bão số 5

Chiều 10/9, ông Trần Thanh Hiền - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị cho hay đã đề nghị các địa phương khẩn trương huy động nhân lực, phương tiện để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa hè thu với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để hạn chế thấp nhất thiệt hại trước ảnh hưởng của cơn bão số 5 (CONSON).

“Ngoài việc khuyến cáo người dân khẩn trương thu hoạch lúa, hoa màu, sở này cũng đã đề nghị các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, chuẩn bị tốt các điều kiện để phơi sấy, bảo quản, cất giữ nông sản giúp nông dân”, ông Hiền nói.

Hiện ở tỉnh Quảng Trị vẫn còn khoảng 5.000 ha lúa hè-thu chưa chín tới, chiếm khoảng 20% diện tích lúa gieo trồng. Theo ghi nhận, trong ngày 10/9, nhiều nông dân tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) đã thuê máy gặt, khẩn trương thu hoạch lúa, vận chuyển về nhà. Trong khi đó, tại vùng biển của tỉnh Quảng Trị công tác phòng chống chống bão số 5 đang được khẩn trương triển khai.

Bão Côn Sơn giật cấp 12, cách Quảng Trị-Quảng Nam 200km ảnh 1
Bão Côn Sơn giật cấp 12, cách Quảng Trị-Quảng Nam 200km ảnh 2

Theo thống kê, đến thời điểm này tỉnh Quảng Trị có gần 2.300/7.000 ngư dân đã vào bờ tránh bão số 5 an toàn. Đến nay vẫn còn khoảng 40 tàu cá/400 thuyền viên đang tham gia đánh bắt xa bờ. Thiếu tá Trần Minh Cường - Chính trị viên Đồn Biên phòng Cảng Cửa Việt (Bộ đội Biên phòng Quảng Trị) cho biết, đến trưa 10/9, vẫn còn 22 chiếc/235 thuyền viên thuộc sự quản lý của đơn vị vẫn đàn hoạt động trên biển, cách đảo Cồn Cỏ từ 20-30 hải lý. Hiện các thuyền viên đã nhận được thông tin về cơn bão số 5 và đang trên đường vào nơi neo đậu an toàn, tránh bão.

“Trong ngày 10/9, Đồn Biên phòng Cảng Cửa Việt đã huy động hàng chục lượt cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn các xã, thị trấn để thông báo, tuyên truyền người dân kiểm tra, chằng chống nhà cửa trước khi bão số 5 đổ bộ. Đồng thời, triển khai cán bộ, chiến sỹ giúp nhân dân vận chuyển, thu gom hải sản và chằng chống cố định các tàu thuyền neo đậu tại cảng cá” - Thiếu tá Cường nói. (Hữu Thành)


Nông dân Nghệ An lội nước thu hoạch rau chạy bão Côn Sơn

Trên cánh đồng vùng chuyên canh rau màu ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) ngập trắng nước. Để hạn chế thiệt hại khi cơn bão Côn Sơn đổ bộ, nông dân các xã Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng đã khẩn trương xuống đồng để thu hoạch rau màu.

Bà Nguyễn Thị Linh (xóm 2, xã Quỳnh Minh) trồng 3 sào hành hoa. Để tránh ngập úng, hư hỏng, gia đình bà đã huy động nhân lực xuống đồng thu hoạch số diện tích hành hoa đang non.

Bão Côn Sơn giật cấp 12, cách Quảng Trị-Quảng Nam 200km ảnh 3

Bà con xã Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu) thu hoạch hành hoa trước khi bão Côn Sơn đổ bộ

“Nếu không có bão thì 2 sào hành hoa này khoảng 10 ngày nữa mới thu hoạch. Tuy nhiên, mấy ngày nay mưa to gây ngập ruộng nên gia đình tranh thủ ra đồng để thu hoạch, mong bán được đồng nào hay đồng đó”, bà Linh tâm sự.

Tương tự, ông Phạm Văn Hưng (xóm 3, xã Quỳnh Lương) cho biết, bão Côn Sơn chuẩn bị đổ bộ vào đất liền, lúc đó trời mưa to, gió lớn có thể quật đổ rau màu và gây ngập sâu. Do vậy, dù nước ngập ngang gối, gia đình ông cũng phải huy động nhân lực ra đồng thu hoạch gần 2 sào hành hoa.

Bão Côn Sơn giật cấp 12, cách Quảng Trị-Quảng Nam 200km ảnh 4

Hàng trăm ha diện tích rau màu của người dân vùng chuyên canh huyện Quỳnh Lưu ngập nước

“Hành hoa đang bị sâu bệnh với diện tích lớn, mặc dù đã phun thuốc phòng trừ vẫn không phục hồi được; nay tiếp tục phải ứng phó với mưa bão. Những diện tích rau màu đang non, bà con cũng phải tiến hành thu hoạch để chạy bão”, ông Hưng chia sẻ.

Theo ông Hưng, hành hoa hiện có giá 3.000 đồng/kg, trong khi vào thời điểm này năm ngoái giá bán trên 10.000 đồng/kg; rau cải các loại giá từ 3.000 - 4.000 đồng/kg. Giá thấp nhưng phải chấp nhận. Nếu không nhanh tay, đến ngày mai mưa to sẽ gây ngập hết.

Bão Côn Sơn giật cấp 12, cách Quảng Trị-Quảng Nam 200km ảnh 5

Thu hoạch đến đâu, bà con vận chuyển lên bờ bán cho thương lái

Hiện, tổng diện tích rau màu ở các xã bãi ngang huyện Quỳnh Lưu còn khoảng gần 400 ha, phần lớn là cây hành hoa. Do ảnh hưởng dịch bệnh nên giá các loại rau giảm nhiều so với các năm.

Để chủ động ứng phó với cơn bão Côn Sơn, Phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Lưu chỉ đạo các xã cần chủ động chuẩn bị tốt phương án "4 tại chỗ". Với các diện tích rau màu bị ngập nước, cần tuyên truyền bà con bám đồng thu hoạch; đồng thời tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. (Thu Hiền)


Đà Nẵng lên phương án di dời dân theo các kịch bản của bão

Chiều ngày 10/9, UBND TP Đà Nẵng họp chỉ đạo các biện pháp ứng phó, phòng chống bão số 5 (Côn Sơn) đang hướng vào đất liền.

Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP Đà Nẵng nhận định: Đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, diễn biến phức tạp. Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn dự kiến bão số 5 sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền TP Đà Nẵng vào rạng sáng ngày 12/9 gây gió mạnh khu vực ven biển và đất liền, nguy cơ mưa lớn, lũ lớn gây ngập lụt vùng trũng thấp và các khu dân cư, mực nước biển và sóng biển dâng cao.

UBND TP Đà Nẵng, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự TP cho biết: đã ban hành các văn bản để chỉ đạo các sở, ngành, địa phương ứng phó với bão số 5. Trong đó yêu cầu thông báo tin bão cho nhân dân biết để chủ động ứng phó chằng chống, gia cố nhà cửa; rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán đảm bảo an toàn cho nhân dân trong thiên tai và công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhất là tại các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét,...

Tiến hành kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; tập trung hướng dẫn, đôn đốc tàu cá rời ngay khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức hướng dẫn sắp xếp neo đậu trú tránh bão an toàn đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Bão Côn Sơn giật cấp 12, cách Quảng Trị-Quảng Nam 200km ảnh 6

Người dân Đà Nẵng xúc cát vào bao tải lớn để chèn, chắn mái nhà trước khi bão số 5 đổ bộ.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP hiện còn 10 tàu thuyền/119 lao động của Đà Nẵng đang hoạt động trên biển, trong đó có 5 phương tiện trong vùng nguy hiểm đang di chuyển về vị trí an toàn. Hiện tất cả các chủ phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển đã biết vị trí, hướng di chuyển, diễn biến và vùng nguy hiểm của bão để chủ động phòng tránh, khẩn trương vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn.

UBND TP Đà Nẵng yêu cầu, chủ tịch UBND các quận, huyện tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để sẵn sàng triển khai phương án sơ tán đảm bảo an toàn cho nhân dân trong thiên tai và công tác phòng chống dịch COVID-19 nhất là tại các khu vực dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét,…

Tổ chức neo, đậu lồng bè và quản lý nuôi trồng thủy sản an toàn, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản tại các khu nuôi trồng thủy sản. Tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thuỷ sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng; kiên quyết nghiêm cấm người dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão đi lại, đánh bắt cá trên sông, vùng trũng thấp và ngập lũ, qua ngầm, cầu tràn;

Tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối khi có nước chảy xiết. Sẵn sàng triển khai các lực lương, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn để tổ chức phòng chống, ứng phó và tìm kiếm cứu nạn khi thiên tai xảy ra...

Bão Côn Sơn giật cấp 12, cách Quảng Trị-Quảng Nam 200km ảnh 7

Dự kiến số lượng người sơ tán tại Đà Nẵng theo các kịch bản bão.

UBND TP Đà Nẵng cũng lên phương án sơ tán dân theo các kịch bản của bão. Trong đó, bão 8 đến cấp 11 sẽ 58.683 người (tập trung 18.733 người; tại chỗ 39.950 người). Bão cấp 12 đến cấp 13 di dời 108.456 ( tập trung 42.235 người; tại chỗ 66.221). Bão cấp 14 đến cấp 17 di dời sẽ di dời 173.457 người (tập trung 81.002 người, tại chỗ 92.455 người).

Theo phương án phòng chống thiên tai và ứng phó với dịch COVID-19 của TP Đà Nẵng, các địa điểm dự kiến sơ tán tập trung cần rà soát, tính toán đảm bảo đủ số lượng điểm sơ tán và đủ sức chứa để bố trí số lượng người phù hợp, đảm bảo khoảng cách y tế theo quy định, có phương án chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ các dụng cụ, vật tư y tế (khẩu trang, thuốc sát khuẩn, ...) phù hợp và các nhu yếu phẩm cần thiết.

Nếu cần thiết, trung tâm y tế quận, huyện có phương án tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho nhân dân tại các địa điểm sơ tán, trú tránh thiên tai để đảm bảo phòng tránh nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 do quá trình sơ tán. Đồng thời, phối hợp với Sở Xây dựng và các phòng, đơn vị liên quan đánh giá khả năng chống chịu với thiên tai, nhất là với các cấp bão lớn, siêu bão, lũ lớn của các nhà sơ tán tập trung, sơ tán tại chỗ, xen ghép và các khu bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, khu phong toả,... để đảm bảo an toàn với thiên tai tại các địa điểm sơ tán và trú tránh… (Nguyễn Thành)


Di dời tránh bão như giãn dân 'vùng đỏ', mỗi hộ ở một phòng

"Lần này khác những lần trước bởi vừa chống bão vừa chống dịch. Khi di dời thực hiện như phương án giãn dân ở trong vùng đỏ". Đó là lưu ý của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng trong việc di dời người dân ở các vùng nguy cơ đi tránh bão Côn Sơn.

Bí thư Thành ủy yêu cầu mở ngay âu thuyền Thọ Quang để tàu thuyền vào tránh bão. “Thời điểm này chúng ta rất lo lắng dịch bệnh nhưng phải đặt an toàn của người dân lên trên hết. Lực lượng biên phòng và quận Sơn Trà phải kiểm soát tất, xét nghiệm tất cả thuyền viên cập bờ. Đảm bảo tất cả cả mọi người phải ở trên bờ, không được ở dưới tàu”, ông nhấn mạnh.

Bão Côn Sơn giật cấp 12, cách Quảng Trị-Quảng Nam 200km ảnh 8
Một thuyền gắn máy được cẩu và đưa lên đường để tránh bão. Ảnh: Nguyễn Thành.

Riêng quận Sơn Trà bố trí địa điểm để thuyền viên tới trú tránh, xử lý như khu cách ly tập trung. Đồng thời lực lượng chức năng chú trọng tới việc phòng cháy chữa cháy, nguy cơ va đập làm chìm tàu thuyền khi neo đậu.

Về việc di dời dân tránh bão, Bí thư Thành ủy yêu cầu các địa phương phải xây dựng phương án chi tiết. “Lần này khác những lần trước bởi vừa chống bão vừa chống dịch. Địa phương phải xác định rõ nơi an toàn, bố trí nhiều điểm, khi di dời thực hiện như phương án giãn dân ở trong “vùng đỏ”. Đối với trường hợp từ vùng xanh, vùng vàng thì có thể không mặc đồ bảo hộ”, ông Quảng nói.

Để đảm bảo giãn cách tại nơi trú tránh, ông đặc biệt lưu ý lực lượng chức năng bố trí mỗi hộ gia đình một phòng.

Bão Côn Sơn giật cấp 12, cách Quảng Trị-Quảng Nam 200km ảnh 9

Kéo thuyền thúng lên bờ trước khi bão đổ bộ. Ảnh: Nguyễn Thành.

Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cũng yêu cầu các địa phương tạo điều kiện tối đa cho người dân phòng chống bão. Như cho phép người dân được tiến hành xây dựng, sửa chữa, gia cố các công trình nhà ở dân sinh đang xây dựng dở dang. Tạo điều kiện cho các cửa hàng vật liệu xây dựng, điện, nước… trên địa bàn được hoạt động. Cho người dân được ra ngoài mua vật liệu, dụng cụ… để chèn, chống nhà cửa; được đến cơ quan, đơn vị để phòng, chống bão theo quy định. (Thanh Trần)

MỚI - NÓNG