Báo cáo tác động môi trường dự án đất hiếm bị nghi sao chép, cắt dán

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khai thác và chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe (tỉnh Lai Châu) nhưng lại ghi thành Dự án “Khai thác giai đoạn 2 mỏ vonfram – đa kim Núi Pháo", làm dấy lên nghi ngờ, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án bị cắt dán, sao chép.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện tham vấn cộng đồng với báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án Khai thác và chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Dự án do Công ty TNHH xây dựng Hưng Hải làm chủ đầu tư, đơn vị tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường là Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim.

Mặc dù đây là báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khai thác và chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe (tỉnh Lai Châu) nhưng tại trang 10 của báo cáo lại xuất hiện thông tin: "Dự án Khai thác giai đoạn 2 mỏ vonfram – đa kim Núi Pháo thuộc Dự án khai thác, chế biến vonfram, fluorit, bismuth, đồng và vàng Núi Pháo, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên là dự án mở rộng quy mô. Công suất của dự án là 3.500.000 tấn quặng nguyên khai/năm".

Thông tin này lồng ghép trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khai thác và chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe (tỉnh Lai Châu) làm dấy lên nghi ngờ, báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án có sự sao chép, cắt ghép.

Báo cáo tác động môi trường dự án đất hiếm bị nghi sao chép, cắt dán ảnh 1

Thông tin về dự án Núi Pháo (Thái Nguyên) xuất hiện tại trang 10 Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án “Khai thác và chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe. Ảnh: Nguyễn Hoài

Dự án Khai thác và chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe được thực hiện tại xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, có công suất 600.000 tấn/năm quặng nguyên khai, thời gian thực hiện trong 30 năm. Đến nay, dự án đã kết thúc giai đoạn thăm dò, đánh giá trữ lượng.

Dự án đặt mục tiêu khai thác và chế biến đất hiếm để sản xuất ra sản phẩm tinh quặng đất hiếm với hàm lượng >30% TR2O3 và tinh quặng barit đi kèm với hàm lượng >90% BaSO4.

Tinh quặng đất hiếm tiếp tục cung cấp cho nhà máy chế biến sâu do Công ty đầu tư tại tỉnh Lai Châu để sản xuất tổng oxit đất hiếm với hàm lượng >95% TREO phục vụ cho nhà máy chiết tách oxit đất hiếm riêng rẽ trong nước và xuất khẩu, tinh quặng barit phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Báo cáo tác động môi trường dự án đất hiếm bị nghi sao chép, cắt dán ảnh 2

Dự báo nhu cầu đất hiếm sẽ tăng vọt trong 20 năm tới. Trong ảnh là mỏ đất hiếm Đông Pao tỉnh Lai Châu, nơi có trữ lượng đất hiếm lớn nhất của nước. Ảnh: Đinh Thùy.

Dự án Khai thác và chế biến mỏ đất hiếm Bắc Nậm Xe là một trong 5 dự án khai thác đất hiếm tại Việt Nam, bên cạnh dự án dự án Đầu tư khai thác, chế biến đất hiếm Đông Pao, dự án mỏ đất hiếm Yên Phú, mỏ đất hiếm Bến Đền, mỏ đất hiếm Nam Nậm Xe.

Việt Nam là quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, những năm qua, ngành công nghiệp khai thác, chế biến đất hiếm ở Việt Nam chưa thể hình thành và mang lại lợi ích kinh tế cao do chưa làm chủ được công nghệ chế biến ra sản phẩm đạt yêu cầu

Đất hiếm được nhận định ngày càng đóng vai trò lớn đối với các ngành công nghiệp và tương lai của thế giới, là nguyên liệu quan trọng trong sản xuất linh kiện điện tử, pin năng lượng, mô tơ điện hiệu suất cao, tivi màn hình phẳng, thiết bị quốc phòng và các ngành công nghiệp năng lượng sạch khác.

Các chuyên gia dự báo, nhu cầu sử dụng một số đất hiếm sẽ tăng vọt trong khoảng 20 năm tới, nhất là với một số loại đất hiếm sử dụng làm nam châm vĩnh cửu cường độ cao, ứng dụng trong các máy phát điện gió và động cơ ô tô điện.

Tuy nhiên, việc khai thác, chế biến đất hiếm cũng gây ra nhiều lo ngại về các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

MỚI - NÓNG