Bangladesh tê liệt vì hai người phụ nữ

Bangladesh tê liệt vì hai người phụ nữ
TP - Cuộc đấu mang tính chất “ăn miếng trả miếng” giữa hai người phụ nữ quyền lực nhất Bangladesh đã gây ra các cuộc bãi công liên miên và làm đất nước nghèo nhất thế giới này hầu như tê liệt hoàn toàn.
Bangladesh tê liệt vì hai người phụ nữ ảnh 1
Hai người phụ nữ quyền lực nhất Bangladesh: Hasina(trên) và Khaleda
Hai người phụ nữ quyền lực nhất Bangladesh: Hasina(trên) và Khaleda.

Trong số 345 nghị sĩ của quốc hội Bangladesh, Đảng Dân tộc chỉ chiếm 34 ghế, thế nhưng trong vòng có nửa tháng họ đã tổ chức được hai cuộc biểu tình phản kháng lớn như thế, nguyên nhân là do người lãnh đạo của họ, bà Khaleda Zia, cựu thủ tướng bị chính phủ cưỡng chế dời nhà.

Đảng Dân tộc tuyên bố việc bắt ép bà Khaleda dời nhà là một hành động “trả thù chính trị”, còn báo chí nước này thì còn gay gắt hơn, gọi đây là “đòn ăn miếng trả miếng giữa hai người phụ nữ nổi tiếng nhất”.

“Hai người phụ nữ nổi tiếng nhất” Bangladesh ấy chính là hai người nắm giữ quyền lực cao nhất. Người thứ nhất là Khaleda Zia, góa phụ của Tổng thống Ziaur Rahman.

Ông Rahman lên nắm quyền lãnh đạo vào tháng 8/1975 sau một cuộc đảo chính quân sự và chính thức trở thành Tổng thống vào tháng 4/1977. Ngày 30/5/1981, ông bị chết trong một cuộc đảo chính bất thành của những người phản đối ông.

Sau đó bà Khaleda nối tiếp sự nghiệp của chồng, bước vào chính trường, trở thành nhà lãnh đạo của Đảng Dân tộc Bangladesh và hai lần trở thành thủ tướng trong các thời gian 1991 – 1996, 2001 – 2006.

Người thứ hai chính là đương kim thủ tướng Sheikh Hasina. Bà Hasina là người lãnh đạo của Đảng Cách mạng độc lập Bangladesh, là con gái đầu của cựu Tổng thống Sheikh Mujiv Rahman.

Cha bà bị chết trong cuộc đảo chính năm 1975. Sau khi cha chết, bà Hasina đã từ nước ngoài trở về kế tục sự nghiệp của cha, năm 1996 bà trở thành Thủ tướng đến 2001 thì bị bà Khaleda thay thế. Tháng 1/2009, sau một thời gian bị tù đày, được phóng thích, ra nước ngoài chữa bệnh, bà Hasina lại quay trở lại ngồi ghế Thủ tướng lần thứ hai.

Năm 2009, chính phủ của bà Hasina tuyên bố, bà Khaleda đã sử dụng ngôi nhà trong khu vực quân sự vào việc hoạt động chính trị. Công ty In nhuộm của con trai bà cũng chuyển trụ sở đến đây, như thế là vi phạm hợp đồng thuê nhà. Ngoài ra, trong thời gian bà Khaleda sống ở đây đã tự ý cải tạo, mở rộng diện tích mà không được phép.

Quan trọng hơn là theo quy định, một người không được phép chiếm hữu hai căn nhà do chính phủ phân phối trong thủ đô Dhaka. Các nhà phân tích chính trị cho rằng, hai cuộc bãi công phản kháng toàn quốc lần này chỉ là sự mở đầu một vòng quyết đấu chính trị mới.

Trong một động thái quyết liệt hơn, Đảng Dân tộc đã tuyên bố: hoạt động bãi công chỉ là sự mở đầu của cuộc đấu tranh. Ngày 5/12 các nghị sĩ của đảng này sẽ không tham dự kỳ họp quốc hội và có thể sẽ từ chức tập thể. Có vẻ một cuộc động loạn chính trị mới lại sắp bùng phát. 

Thu Thủy
Theo Tân Hoa Xã

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG