Bằng thật và bằng dởm

TP - Lạm dụng kê toa, bắt bệnh nhân mua những đơn thuốc đắt đỏ, không cần thiết, thậm chí không đúng bệnh là hiện tượng khá phổ biến bấy lâu nay. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên từng nhận định: Thực tế nhiều năm nay, chi hoa hồng các bác sĩ kê đơn là chuyện không hiếm. Nhưng ở Việt Nam muốn kiểm soát lại rất khó. Còn chuyện bằng cấp giả trong ngành y thì mấy hôm nay dư luận cả nước bỗng giật mình, bởi chỉ một sở y tế tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện tới 20 trường hợp dùng bằng cấp giả, y sĩ dởm, dược sĩ dởm đủ cả. 

Những bằng chứng về lạm kê của một vị bác sĩ mà PV Tiền Phong nêu ra trong số báo này đã cho thấy một sự thật đến đau lòng, ngoài sức tưởng tượng của bất kỳ người bình thường nào: Kết quả từ chụp X-quang “không có bất thường về xoang mũi”, chẩn đoán “viêm xoang cấp” kèm “thiểu năng tuần hoàn não”; xét nghiệm nước tiểu bình thường, phán “nhiễm trùng tiểu”. Bi hài hơn một cụ bà 60 tuổi, ngoài chẩn đoán nhiễm trùng hô hấp cấp, còn được “dí” thêm bệnh: tăng sản tuyến tiền liệt - một loại bệnh chỉ có ở đàn ông! 

Cả hai vấn nạn lạm kê và bằng dởm đều quá nguy hiểm trong ngành y. Một đằng thì cố tình kê toa không đúng bệnh, thậm chí không có bệnh phải kê thành có bệnh để hưởng những khoản hoa hồng béo bở, có loại thuốc lên tới 30%. Một đằng không cố tình, nhưng do dùng bằng cấp dởm nên thay vì trị bệnh cứu người có thể sẽ trở thành kẻ “giết người không dao” vì không chuyên môn nghiệp vụ.

Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế vừa thống nhất tạm dừng việc mở ngành đào tạo đại học và cao đẳng Y, Dược thuộc khối các trường không chuyên Y Dược. Đây cũng là một biện pháp nhằm tránh những chiếc bằng thật nhưng “học dởm” trong ngành y - một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến tính mạng con người.

Lời thề Hippocrates, “thầy thuốc như mẹ hiền”, y bác sĩ nào cũng phải học phải thề trước khi tốt nghiệp. Song thiết nghĩ, với sự trả giá có thể bằng tính mạng con người, không thể trông chờ vào sự tự giác của những vị bác sĩ thiếu lương tâm. Đã đến lúc bằng những công cụ quản lý của mình, ngành y, các bệnh viện, các cơ sở y tế phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ các đơn thuốc, xử lý thật nghiêm lạm dụng kê toa để trục lợi. 

Vụ việc 20 trường hợp sử dụng bằng giả ở Thanh Hóa mới đây, Sở y tế đều yêu cầu sa thải. Thiết nghĩ với những vị bác sĩ lạm dụng kê toa để trục lợi một cách nhẫn tâm và vô đạo đức cũng rất đáng phải sa thải - Họ có bằng thật về y khoa nhưng lại có bằng dởm về y đức. 

MỚI - NÓNG